1. Tự giải quyết những vấn đề đơn giản
Hầu hết các sếp sẽ làm việc và lãnh đạo nhân viên theo tôn chỉ “Khi đã nêu vấn đề, hãy đề ra giải pháp. Còn không thì đừng nói gì cả!”. Vì thế, nếu muốn sếp biết bạn là người chủ động, thì đừng chỉ chăm chăm vào mỗi vướng mắc bạn gặp phải.
Thay vào đó, hãy liệt kê những giải pháp bạn nghĩ là có thể xử lý được chướng ngại vật trước mắt.
2. Chứng minh bạn đang đóng góp cho lợi ích công ty
Trước khi đòi hỏi thăng chức, tăng lương, hãy tự đặt ra câu hỏi: Liệu mình đã đóng góp gì nhiều vào phát triển doanh thu công ty? Nếu chưa có thành tích đáng kể, các sếp sẽ không để tâm đâu. Hơn nữa, cũng đừng chứng minh bạn chăm chỉ nhường nào, bởi mọi sự nỗ lực phải được đổi bằng tăng trưởng lợi nhuận.
3. Điều chỉnh cách nói chuyện phù hợp với phong cách của sếp
Trước hết là về phương tiện giao tiếp, sếp của bạn thích nói chuyện trực tiếp, bàn bạc qua Facebook, Telegram hay Skype? Sau đó, hãy tìm hiểu sếp thích giọng điệu nói chuyện như thế nào. Ví dụ khi sếp bạn là một người hài hước, đừng lúc nào cũng mang giọng điệu cáu bẳn khó chịu. Ngược lại, nếu sếp nghiêm túc, hãy đảm bảo bạn không vui đùa quá trớn.
4. Xin lời khuyên từ sếp
Nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Harvard cho thấy việc xin lời khuyên không khiến bạn trông ngu ngốc – nó giúp bạn có vẻ năng lực hơn trong mắt sếp. Hơn nữa, cấp trên cũng nghĩ bạn đang thực sự tin tưởng họ và họ có thể khách quan đưa ra đường đi giúp bạn. Nhưng đừng quên, search Google trước khi hỏi nha!
5. Đi làm sớm
Nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Michael G. Foster tại Đại học Washington chỉ ra sếp sẽ thiên vị những người đi làm sớm hơn bởi họ cho rằng đi làm sớm là biểu hiện của chăm chỉ, năng suất cao. Tuy nhiên, nếu bạn đi làm muộn nhưng ở lại muộn mà công việc vẫn hiệu quả, đừng ngại nói với sếp.
6. Đảm bảo nếu sếp cần điều gì, bạn sẽ cho họ điều đó trong khả năng
Ví dụ, vào mỗi buổi sáng đầu tuần, hãy đưa họ một cốc cà phê và một bản báo cáo cho buổi họp hàng tuần. Đôi khi cấp trên của bạn không cần được tặng những thứ quà cáp giá trị lớn, mà anh ấy cần tức thì những điều có thể làm công việc của họ trở nên dễ dàng hơn.
7. Đặt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn
Sếp sẽ chẳng ưa nổi nếu bạn đi làm chỉ vì đồng tiền lương. Hẳn anh ta cũng muốn thấy nhân viên dưới quyền của mình biết rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn là gì. Khi nhân viên vạch rõ ra mục tiêu cá nhân, bạn cũng cần biết mình nên làm gì để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta sẽ không thể đi được xa nếu chúng ta không biết mình sẽ đi đâu.
8. Chỉn chu từ chi tiết nhỏ bé nhất
Nếu một doanh nghiệp là bức tranh lớn thì công việc của mỗi nhân viên là một mảnh ghép. Đừng nghĩ sếp không để ý đến chi tiết, anh ta rất có thể âm thầm dõi theo công việc của bạn đấy. Làm tốt việc của mình, đừng để sai sót ở bất cứ khâu nào còn giúp bạn khó bị sếp bắt bẻ vặt vãnh.
9. Biết nói “cảm ơn”
Dù là bạn nhờ sếp xem hộ chiếc mail xin nghỉ làm, hay thông báo với họ check bản báo cáo bạn để trên bàn làm việc, hãy cứ nhớ nói “Cảm ơn”. Hai tiếng nghe có vẻ đơn giản này sẽ giúp sếp thấy bạn là một người biết ơn và đáng để trọng dụng.
10. Chơi ra chơi, làm ra làm
Có vẻ nhiều người luôn bị ám ảnh với việc phải làm việc cật lực thì sếp mới coi trọng. Nhưng thực tế, chúng ta ai cũng là con người mà, cũng cần có nhu cầu giải trí, xả stress. Sếp sẽ vui nếu như nhân viên cấp dưới biết cân bằng công việc – cuộc sống.
Hơn nữa, nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng là một điều cần thiết đối với bất cứ công việc nào.
11. Biết nói ra nguyện vọng của mình
Nói ra, bày tỏ bằng lời là cách để sếp lẫn đồng nghiệp hiểu bạn muốn gì, bạn đang vướng mắc chỗ nào. Nếu cứ im ỉm, rất có thể bạn sẽ bị chèn ép hoặc bị cấp trên bỏ qua, không đoái hoài tới. Mạnh dạn cất lên tiếng nói cá nhân mình nhé!
Từ ngày mai hãy áp dụng 11 chiêu thức này để lấy lòng sếp thôi nào!
Theo: Toquoc