Ngày đầu đi làm rất quan trọng vì là bước khởi đầu cho công việc mà bạn sẽ gắn bó. Do đó bạn cần có màn “ra mắt” thật tốt để tạo được thiện cảm với cấp trên và đồng nghiệp. Dưới đây là một số cách gợi ý mà bạn có thể tham khảo để áp dụng cho riêng mình.
Đến sớm hơn giờ quy định
Ngày đầu đi làm tốt nhất đi sớm hơn vì đây là ngày “mở hàng” của bạn. Đến sớm còn giúp cấp trên và đồng nghiệp hiểu rằng bạn đang rất mong chờ công việc này. Trưởng phòng Nhân sự Careerlink.vn chia sẻ, đến sớm còn giúp bạn quan sát được nơi làm mới, chuẩn bị tinh thần để chào hỏi và làm quen với từng đồng nghiệp, có cơ hội tham khảo một số thông tin hữu ích từ người đến trước hoặc bác bảo vệ chẳng hạn…
Mặc trang phục phù hợp, phong cách lịch thiệp
Ngày đầu đi làm tốt nhất bạn nên mặc quần áo lịch sự, phù hợp với tính chất công việc. Cho dù bạn có yêu thích phong cách thời trang độc đáo, nổi bật thì tốt nhất chưa nên mặc ngay từ ngày đầu. Hãy để đến khi bạn đã quen với môi trường mới thể hiện cũng chưa muộn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến phong thái của mình. Hình ảnh một nhân viên mới nhanh nhẹn, hoạt bát, có ngôn ngữ cơ thể đứng đắn sẽ nhận được thiện cảm hơn từ cấp trên và đồng nghiệp. Bạn nên chú ý kiểu đi, đứng, ngồi sao cho thoải mái nhưng vẫn đảm bảo lịch sự. Đồng thời bạn nên tránh một số hành động như quá suồng sã với ai đó, ngồi duỗi tay, dạng chân, ăn nhai nhồm nhoàm… tạo cảm giác không hứng thú với công việc mới, vừa gây mất thẩm mỹ, vừa chứng tỏ sự thiếu tinh tế.
Chú ý ngôn ngữ và cách giao tiếp
Không nên phát ngôn “đao to búa lớn”. Bạn là lính mới, chưa biết liệu rằng công việc sẽ như thế nào nên tốt nhất cẩn trọng lời nói. Tránh để người khác cho rằng bạn là người khoác lác. Đồng thời cần hạn chế cười đùa to tiếng hay trêu đùa với người khác vì bạn chưa hiểu được tính cách của từng người trong chỗ làm, đùa không đúng người đúng lúc sẽ gây tác dụng ngược. Một điều quan trọng khác là không kể lể chuyện cá nhân, nói xấu chỗ làm cũ hay tò mò chuyện đời tư người khác, tốt nhất bạn chỉ nên tập trung vào công việc của mình.
Hỏi nếu chưa biết
Ngày đầu đi làm có rất nhiều điều bạn chưa biết, bao gồm cả vấn đề về công việc chuyên môn và cả những việc nhỏ nhặt. Ví dụ nơi đặt máy móc (máy in, photocopy), vị trí các phòng ban làm việc, công việc từng người phụ trách, quy trình làm việc, nội quy… Bạn đều cần tới sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Vì vậy, đừng đến nơi làm mới với tâm thế “riêng một góc trời”. Ngược lại, bạn nên vận dụng cả khối óc để quan sát, ghi nhớ và cố gắng nắm được vấn đề càng sớm càng tốt. Đừng ngại nhờ người khác hỗ trợ.
Lưu ý, bạn phải chủ động hỏi vì ai cũng có công việc riêng của họ, không ai rảnh để bày cho bạn nếu bạn không nhờ trợ giúp. Bạn nên ghi nhớ (nếu chưa nhớ ngay được bạn có thể viết lại vào cuốn sổ nhỏ) để không hỏi lại nhiều lần làm mất thời gian và tạo sự khó chịu cho người khác.
Tìm việc để làm
Thông thường “lính mới” thường không có quá nhiều việc để làm trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, không ai tuyển bạn vào để chỉ ngồi thảnh thơi. Vì vậy, bạn nên chủ động tìm kiếm công việc hoặc tìm hiểu thêm về công việc qua các tài liệu, trang web để tăng tốc khả năng làm quen với công việc. Tự quan sát và biết việc nào mình nên làm sẽ tạo được sự nhìn nhận, đánh giá tích cực của đồng nghiệp về bạn và chứng tỏ bạn là người tinh tế, có ý thức và siêng năng.
Giúp đỡ người xung quanh nếu được yêu cầu
Khi có việc không thuộc phạm vi bạn phụ trách nhưng đồng nghiệp khác cần giúp đỡ thì nên sẵn lòng giúp họ. Đừng e dè công việc, đừng có suy nghĩ rằng đó không phải là việc của mình hay việc ai người nấy làm, (chẳng hạn như chuẩn bị bàn ghế cho cuộc họp, sắp xếp tài liệu…). Sau này, trong quá trình làm việc cũng có lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của người khác, vì vậy tốt nhất hãy tương trợ lẫn nhau.
Tham khảo và áp dụng một số cách trên sẽ làm cho ngày làm việc đầu tiên của bạn thực sự lý thú. Một người tinh tế, nhiệt thành và văn minh dù làm bất cứ công việc nào cũng sẽ luôn được người xung quanh yêu mến. Được như vậy, con đường làm việc của bạn về sau cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Hảo Đặng / Theo: Saovadoanhnhan