Trang chủ Bài viết HOT Bỏ chủ sòng bài làm nông nghiệp đô thị

Bỏ chủ sòng bài làm nông nghiệp đô thị

bởi admin
Trong suốt 5 năm, doanh nhân điển trai Ray Poh đã hòa mình vào nhịp sống sôi động bất kể đêm ngày của những sòng bạc ở Macau – nơi được mệnh danh là kinh đô cờ bạc của thế giới. Anh đang có một sự nghiệp hứa hẹn với cuộc sống xa hoa là mong ước của nhiều người.

Nhưng vào năm 2015, Poh đã dứt áo ra đi. Cũng phải mất 1 năm để anh hoàn toàn rời khỏi ngành kinh doanh sòng bài, dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn khác: nông nghiệp đô thị. Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 khiến bao nhiêu “đồng nghiệp” cũ của anh lao đao, Ray Poh đang sống khỏe.

Từ sòng bài đến vạt rau

Với Poh, người đã đi du học ở Australia từ năm 12 tuổi, các trò chơi bài bạc chưa bao giờ hấp dẫn. Vậy mà chỉ một cuộc trò chuyện với mẹ đã đủ để thuyết phục Poh từ Australia quay về tham gia điều hành công việc kinh doanh của gia đình. “Tôi đã nghĩ đến việc gia nhập ngành ngân hàng, nhưng ý nghĩ phải ngồi lỳ sau cái bàn xem ra không mấy thú vị.
Mẹ tôi nói tôi có thể về phụ cha thiết kế và phát triển các sản phẩm, kiểu như máy đánh bạc. Vậy là tôi đến Macau để tìm hiểu về ngành công nghệ này. Điều này, hóa ra lại giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm” – Poh chia sẻ.
Bỏ chủ sòng bài làm nông nghiệp đô thị ảnh 1 Ray Poh thành lập Artisan Green vào năm 2018.
Poh nói, anh đã đến Macau như một tờ giấy trắng, đã gặp rất nhiều người tốt cũng như không ít người không tốt. Là “lính mới” nên bất kể gia thế, Poh đã phải làm việc cực kỳ chăm chỉ để nâng cao kiến thức của mình về ngành công nghiệp sòng bài. Anh kết bạn với đủ hạng người, những người đã dạy cho anh kỹ năng sống hết sức quan trọng mà người làm kinh doanh muốn thành công không thể không biết.
Công việc đang trôi chảy và đầy hứa hẹn, nhưng khi chia sẻ với gia đình rằng anh muốn rời khỏi lĩnh vực sòng bạc, Poh đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Thoạt đầu, với suy nghĩ tìm kiếm một lĩnh vực thiết thực hơn, bền vững để tham gia, Poh đã nghĩ rằng nông nghiệp là lựa chọn đơn giản, vì “ai mà chẳng cần ăn”.
Cũng như khi bước chân vào các sòng bài ở Macau, Poh bắt đầu làm nông nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí rất ít người coi đây là sự nghiệp kinh doanh nghiêm túc của anh. “Tôi đã rất sai. Thật ngây thơ khi nghĩ rằng làm nông nghiệp là đơn giản và không cần phải học” – Poh cười, thú nhận. Anh đã phải thực sự dành toàn bộ thời gian và sức lực để học lại từ đầu, xây đắp các mối quan hệ mới…

30 by 30

Trang trại thủy canh trong nhà của Poh có tên Artisan Green, chuyên trồng rau bina. Trang trại rộng 3.200m2 nằm ở Kallang, miền Trung Singapore, với toàn bộ chi phí đầu tư chưa tới 1 triệu SGD (đô la Singapore). Artisan Green được thành lập năm 2018, trước khi Singapore công bố mục tiêu “30 by 30” – sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu dinh dưỡng của Singapore vào năm 2030.
Artisan Green là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong làn sóng phát triển các trang trại trong nhà. Hồi tháng 4 vừa qua, với “lực đẩy” từ đại dịch Covid-19, Bộ Môi trường – Tài nguyên nước Singapore đã công bố khoản tài trợ 30 triệu SGD cho ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm để tăng tốc sản xuất các mặt hàng thực phẩm phổ biến như trứng, rau và cá.
Artisan Green có 120 giá rau, mỗi giá xếp 6 lớp khay. Sau khi thuê chỗ từ Mapletree, tự mua sắm tất cả vật tư và trang thiết bị, Poh đã tự mình làm việc quần quật như “nhà thầu chính”. Anh ở trại từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối, chỉ ăn duy nhất bữa trưa trong ngày, tự cưa xẻ, khoan lắp, bê vác… Bù lại, hơn ai hết, anh hiểu rõ trang trại của mình đến từng centimet, từ nguồn gốc thiết bị cho đến nguyên lý và quy trình hoạt động.
Những kiến thức nếu chỉ đọc sách hoặc xem hướng dẫn trực tuyến khó mà thành thạo được. Biết rõ rằng để có thể vận hành hiệu quả trang trại thủy canh, những kiến thức khoa học nền tảng về nông nghiệp là hết sức quan trọng, Poh đã dành nhiều tháng trời, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần, để tự mình học hỏi, nghiên cứu và tìm kiếm những đồng sự có chuyên môn.
Giờ Poh đã có thể tự hào về những gì anh đang có, dù sản lượng rau mầm của anh mới chỉ vài chục kg mỗi tuần. Mặc dù lệnh phong tỏa tạm thời từ Malaysia đã làm đứt gãy nguồn cung cấp thiết bị của trang trại, nhưng Poh tin ngay sau thời điểm lệnh cách ly được dỡ bỏ, sản lượng rau sẽ nhanh chóng đạt được 100kg mỗi tuần, sau đó không lâu sẽ đạt 250kg. Nhiều doanh nhân từ Mỹ và châu Âu đến thăm trang trại của Poh, cho biết nó không thua kém trang trại ở các nước nông nghiệp tiên tiến.
Cần phải nói thêm rằng, cũng như Poh, nền nông nghiệp của Singapore cho đến gần đây vẫn như tờ giấy trắng. Là quốc gia nhiều năm đứng đầu danh sách an ninh lương thực (thể hiện khả năng tự cung cấp đầy đủ lương thực cả về chất và lượng cho người dân trong khoảng thời gian và địa điểm cần thiết, cũng như đảm bảo được lượng lương thực cần thiết khi nguy cấp), nhưng Singapore vốn không tự mình nuôi trồng mà nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ khoảng 180 nước trên thế giới; đồng thời tăng cường khả năng tích trữ lương thực. Dịch Covid-19 đã cắt đứt chuỗi cung ứng mới khiến quốc đảo giật mình.
Về lâu dài, Poh đang lên kế hoạch xây dựng thêm trang trại thứ 2 – lớn hơn, nhiều loại cây trồng hơn và có mức độ tự động hóa cao hơn. Anh hoàn toàn tin tưởng rằng tầm nhìn 30 by 30 của chính phủ Singapore là khả thi.
Theo: Saigondautu

Có thể bạn sẽ thích