Trang chủ TIN TỨCThế giới Cạnh tranh ở thành phố đắt nhất thế giới: Ngay cả một bữa ăn cũng gây ‘đau ví’

Cạnh tranh ở thành phố đắt nhất thế giới: Ngay cả một bữa ăn cũng gây ‘đau ví’

bởi admin

Bên trong vẻ hào nhoáng của Tel Aviv, những người dân sống ở đây phải vật lộn với những bữa ăn đắt đỏ, nhà ở giá trên trời và môi trường cạnh tranh đầy áp lực.

Tel Aviv – trung tâm tài chính-văn hóa của Israel là một thành phố hiện đại sở hữu các nhà hàng đẳng cấp thế giới, bãi biển Địa Trung Hải tuyệt đẹp cùng những kiến trúc hoành tráng. Đây là điểm đến mơ ước của rất nhiều người trên thế giới, thế nhưng, dường như chính những cư dân của Tel Aviv lại không cảm nhận được sự hấp dẫn của nơi mình sống. Nhiều năm qua, họ luôn phàn nàn về mức độ đắt đỏ đã khiến chi phí sinh hoạt tiêu tốn phần lớn thu nhập của mình.

Mới đây, thành phố được thăng lên đầu bảng xếp hạng toàn cầu về những nơi đắt đỏ nhất thế giới do tổ chức Economist Intelligence Unit thực hiện. Theo đó, dòng người từ tứ xứ đổ về đây ngày một nhiều, áp lực của những người sống ở Tel Aviv cũng tăng mạnh. Do không chịu nổi mức giá “trên trời” cùng môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều người trẻ đành từ bỏ thành phố hoa lệ để tới các vùng ngoại ô sinh sống.

Cạnh tranh ở thành phố đắt nhất thế giới: Ngay cả một bữa ăn cũng gây 'đau ví' - 1

Tel Aviv là trung tâm tài chính-văn hóa của Israel. (Ảnh: The Times Of Israel)

Ngay cả một bữa ăn cũng gây “đau ví”

Trong năm qua, giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ ở Tel Aviv đều nằm trong hàng cao nhất thế giới do mức lạm phát lên tới 2,2% và tiền tệ tăng giá – đồng shekel của Israel vốn là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới. Năm nay, nền kinh tế và đồng tiền tệ của nước này càng được củng cố nhờ công nghệ phát triển mạnh mẽ, vốn đầu tư nước ngoài tăng và chiến dịch tiêm phòng COVID-19 triển khai kịp thời, thành công. Vào tháng 11/2021, đồng shekel đạt 0,32 USD, mức định giá cao nhất so với đồng USD trong hơn hai thập kỷ qua.

Yếu tố chủ yếu khiến lạm phát tăng cao là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài trong đại dịch COVID-19. Việc thiếu hàng và chi phí vận chuyển tăng vọt đã gây áp lực cho các nhà bán lẻ, kết quả là họ phải “chia sẻ” gánh nặng này cho người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá.

Theo báo cáo về chỉ số chi phí sinh hoạt tại 173 thành phố trên thế giới, Tel Aviv hiện là thành phố đắt thứ hai về chi phí giao thông và rượu. Một chiếc bánh hamburger ở nơi này có thể lên tới gần 414 nghìn đồng, trong khi 3,38 l xăng có giá khoảng 133 nghìn đồng.

Đối với người dân thành phố, những điều này có nghĩa là phải chi thêm tiền cho mọi sinh hoạt bình thường như đi ăn trưa, đổ xăng,…

Tuy các khu vực có sự khác biệt, nhưng chắc chắn có những nhà hàng tăng giá của mỗi món ăn lên tới hơn 10%”, bà Danielle Bett, giám đốc truyền thông của một tổ chức phi lợi nhuận tại Tel Aviv, cho biết.

Cạnh tranh ở thành phố đắt nhất thế giới: Ngay cả một bữa ăn cũng gây 'đau ví' - 2

Tel Aviv là điểm đến mơ ước của rất nhiều người trên thế giới. (Ảnh: Bloomberg)

Người trẻ phải bỏ xứ do không chịu được môi trường cạnh tranh

Theo bà Danielle Bett, vấn đề đang được quan tâm nhất ở Tel Aviv là chi phí nhà ở. Trong thập kỷ qua, giá nhà ở đã tăng gần gấp đôi trên khắp Israel do ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản và quỹ đất để xây nhà mới bị hạn chế. Ở Tel Aviv, tình trạng này càng leo thang trong thời kỳ đại dịch. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung ương của Israel cho thấy, giá thuê nhà trung bình của thành phố này trong quý 3/2020 đã tăng 3,3% so với năm trước đó.

Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tăng mạnh là do cơ hội việc làm ở thành phố này rất hấp dẫn. Các công việc liên quan đến công nghệ được trả lương cao, thu hút nhân tài từ khắp đất nước và biến thành phố trở thành một môi trường sống cạnh tranh. Nhiều người trẻ ở Tel Aviv không thể chịu nổi áp lực do chi phí cao và có quá nhiều “đối thủ” trong công việc, họ quyết định từ bỏ cuộc sống bon chen và chuyển đến sống ở những vùng ngoại ô rẻ hơn xung quanh.

Israel là một quốc gia đắt đỏ, và Tel Aviv còn đắt hơn những thành phố khác ở Israel vì đó là nơi có nhiều công việc tốt”, ông Dan Ben-David, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Shoresh tại Tel Aviv, cho biết.

Trái với một bộ phận giới trẻ Tel Aviv, những người đến thành phố này làm việc thường có xu hướng muốn chuyển hẳn đến đây sống do hệ thống giao thông xung quanh không tốt, không có đủ phương tiện di chuyển đến các vùng ngoại ô và các thành phố lân cận. Cùng với đó, nhiều người Israel cũng muốn có cơ hội sống gần với bối cảnh văn hóa và xã hội sôi động của Tel Aviv.

Do nhu cầu cao nên giá bất động sản ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới tăng chóng mặt. Việc mua một căn hộ ở Tel Aviv gần như là bất khả thi đối với những người có thu nhập trung bình: Ngay cả những căn hộ khiêm tốn cũng có thể có giá tới hơn 1,2 triệu USD.

Cạnh tranh ở thành phố đắt nhất thế giới: Ngay cả một bữa ăn cũng gây 'đau ví' - 3

Trong năm qua, giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ ở Tel Aviv đều nằm trong hàng cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Giá cả cao cũng làm sâu sắc thêm sự phân hóa giàu nghèo giữa khu vực phía Bắc và Nam Tel Aviv. Những người có điều kiện thường sống ở phía Bắc thành phố, còn phía Nam là dành cho dân có thu nhập thấp hơn và người dân tộc thiểu số.

Bà Bett lo rằng tình trạng này có thể hủy hoại bản sắc vốn có của Tel Aviv – một nơi đa dạng và thân thiện: “Điều mà mọi người yêu thích ở Tel Aviv là sự đa dạng và trẻ trung của nơi này. Nhưng nếu những người phải chịu cảnh nghèo đói hoặc bất công xã hội… không đủ khả năng sống ở đây nữa, thành phố sẽ thay đổi hoàn toàn”.

Từ thập kỷ trước, hàng trăm nghìn người Israel đã tuần hành để kêu gọi một giải pháp cho tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao quá mức. Kể từ đó, các chính phủ kế nhiệm của Israel phải vật lộn để tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn ở các khu vực khác của đất nước, đồng thời mở rộng hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, tất cả sự cải thiện đang diễn ra rất chậm.

Theo: VTC

Có thể bạn sẽ thích