Trang chủ Bài viết HOT Cao Dĩ Tường đột tử vì kiệt sức và văn hóa làm việc đến chết ở châu Á

Cao Dĩ Tường đột tử vì kiệt sức và văn hóa làm việc đến chết ở châu Á

bởi admin

Không nơi nào tồn tại nhiều thuật ngữ dành cho người chết vì làm việc quá sức như ở châu Á: Karoshi trong tiếng Nhật, Gwarosa trong tiếng Hàn và Guolaosi trong tiếng Trung.

Ngày 27/9, truyền thông Trung Quốc đưa tin Cao Dĩ Tường qua đời khi đang ghi hình một game show. Nam diễn viên 35 tuổi bị đột tử do kiệt sức.

Nguồn tin có mặt ở hiện trường cho hay Cao Dĩ Tường quay hình với tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Dù liên tục nói với đồng nghiệp: “Tôi sắp không thở được nữa rồi”, anh vẫn cố chạy trước khi ngã gục.

Cái chết của diễn viên họ Cao khiến nhiều người nhớ đến Guolaosi – một từ trong tiếng Trung dùng để chỉ tình trạng làm việc đến kiệt sức. Theo Xinhua, mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì Guolaosi tại đất nước tỷ dân.

Và không chỉ Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những khái niệm tương tự. Các thuật ngữ Karoshi trong tiếng Nhật và Gwarosa trong tiếng Hàn đều dùng để chỉ những cái chết vì vắt kiệt sức lao động.

Cao Di Tuong dot tu vi kiet suc va van hoa lam viec den chet o chau A hinh anh 1
Cao Dĩ Tường đột tử ở tuổi 35. Ảnh: Sohu.

Làm việc “không ngủ không sex”

Tại Trung Quốc, nhiều thập niên qua, thời gian làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm giờ không còn xa lạ gì với người lao động.

“996” là lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Văn hóa này dù trở thành tiêu chuẩn tại nhiều công ty khởi nghiệp đã tạo ra không ít tranh cãi trong những năm gần đây.

Nhiều tỷ phú, doanh nhân luôn đề cao “996” như một giá trị tuyệt vời. Jack Ma, một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là “một phước lành”.

Trong khi đó, nhiều người trẻ Trung Quốc không ngừng chỉ trích “996” là cái máy vắt kiệt sức lực, tinh thần của họ.

“Không ngủ, không tình dục, không gì ngoài công việc”, South China Morning Post mô tả cuộc sống của những người dưới 30 tuổi đang vắt kiệt sức ở thung lũng Silicon Trung Quốc.

Cuộc khảo sát năm 2018 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia cho thấy một người Trung Quốc có trung bình 2,27 giờ giải trí/ngày. Con số này chưa bằng một nửa so với các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh.

Theo cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Những người khác nói rằng họ có các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống…

Dù luật lao động Trung Quốc quy định thời gian làm việc tối đa là 44 giờ/tuần, những nhân viên không làm thêm giờ bị chế giễu là “kẻ chậm chạp, không có tương lai”.

Dân mạng nước này còn mỉa mai rằng văn hoá làm việc “007” (nhân viên lao động từ nửa đêm hôm nay, tức 0h, đến nửa đêm hôm sau, nghĩa là 24 giờ suốt 7 ngày liên tục) sẽ “soán ngôi” văn hóa “996” trong thời gian tới.

Tốt nhất đừng rời văn phòng trước sếp

Trên thực tế, khái niệm làm việc đến kiệt sức không chỉ tồn tại ở châu Á.

Tại Mỹ, văn hóa “hustling” được sử dụng để mô tả guồng quay công việc áp lực, mệt mỏi. Tỷ phú Elon Musk từng chia sẻ ông làm việc 80-90 giờ/tuần và tuyên bố: “Không ai có thể thay đổi thế giới nếu làm việc 40 giờ/tuần”.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nói rằng không nơi nào trên thế giới bị ám ảnh bởi yếu tố thời gian như các quốc gia phương Đông. Làm việc chăm chỉ trở thành một giá trị truyền thống, thậm chí còn được đề cao hơn năng suất lao động.

Văn hóa làm việc ở Trung Quốc và Nhật Bản coi áp lực là động lực thúc đẩy người lao động. Các nhà tuyển dụng luôn mong muốn nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ và tốt nhất đừng rời văn phòng trước sếp.

Còn tại những quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc, những nơi từng trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần kỳ những thập niên gần đây, việc học tập và làm việc chăm chỉ trở thành một di sản, câu thần chú để duy trì cuộc sống tốt đẹp.

Cao Di Tuong dot tu vi kiet suc va van hoa lam viec den chet o chau A hinh anh 4
Các thuật ngữ “Karoshi” trong tiếng Nhật và “Gwarosa” trong tiếng Hàn đều dùng để chỉ những cái chết vì vắt kiệt sức lao động. Ảnh: Kaskus.

Một nghiên cứu năm 2017 của giáo sư Harvard Anat Keinan nhận thấy rằng, lối sống bận rộn và làm việc chăm chỉ đã trở thành biểu tượng của trạng thái khao khát thành công, đặc biệt ở các nước châu Á.

Tuy nhiên, thời gian lao động đôi lúc lại tỷ lệ nghịch với hiệu suất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nhân viên làm việc quá sức không giúp ích gì cho doanh nghiệp.

Khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ) năm 2014 cho thấy làm việc trên 48 giờ/tuần khiến năng suất lao động của một công nhân giảm mạnh.

Tương tự, báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2004 và năm 2007 cũng chỉ ra rằng làm việc trên 9 giờ/ngày giảm sự tỉnh táo, khả năng tập trung của người lao động.

Nếu tình trạng làm việc quá sức, mệt mỏi của nhân công kéo dài, doanh nghiệp có thể phải chịu lỗ hơn 100 tỷ USD hàng năm.

Theo: Zing

Có thể bạn sẽ thích