Trang chủ DOANH NHÂN Cơ hội học chuyển tiếp quốc tế và nhận song bằng dành cho sinh viên UEF

Cơ hội học chuyển tiếp quốc tế và nhận song bằng dành cho sinh viên UEF

bởi admin

Từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chương trình tiếng Anh và Đào tạo doanh nghiệp tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc được biết đến như một trong các trưởng khoa trẻ nhất nước khi mới 26 tuổi.

Bên cạnh công tác điều hành Viện quốc tế UEF, ông hiện là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Troy (bang Alabama, Hoa Kỳ) giảng dạy về quản trị học tại các cơ sở của trường (campus) bên ngoài nước Mỹ của đại học (ĐH) này, bao gồm cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) có tầm nhìn chiến lược là xây dựng trường đại học theo định hướng quốc tế, lãnh đạo trường xác định quốc tế hóa là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn.

Ông có thể nói rõ hơn về chương trình đào tạo chuyển tiếp quốc tế và nhận song bằng tại UEF?

Hiện UEF chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên thông qua chương trình học song ngữ, được xây dựng trên nền tảng tiếp cận chương trình tại các trường đại học uy tín trên thế giới.

Vì vậy, chương trình của UEF được hơn 20 trường đối tác nước ngoài công nhận, mở ra cơ hội lớn cho sinh viên của trường dễ dàng chuyển tiếp hoặc nhận song bằng (double degree).

Các đối tác của UEF đến từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất – cụ thể là Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thụy Sĩ, Phần Lan, Nhật Bản. Tôi tin rằng đây là mạng lưới đối tác quốc tế mạnh và đa dạng nhất cả nước hiện nay.

Điều đó giúp sinh viên UEF dễ dàng lựa chọn được một địa điểm học tập yêu thích và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Đặc biệt, trong bốn năm học sinh viên còn có thể chọn chương trình học song bằng để nhận cùng lúc hai bằng cử nhân, một của UEF và một của trường đối tác.

Đây là một mô hình học tập quốc tế ưu việt, tiết kiệm về mặt chi phí lẫn thời gian và hiệu quả học tập.

Hiện nay, tại Việt Nam các trường ĐH quốc tế, hoặc có chương trình liên kết đào tạo với ĐH nước ngoài rất nhiều. Theo ông thế nào mới là trường quốc tế đúng nghĩa? 

Nhiều năm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục ĐH, nhà báo Mary Marklein của tờ USA Today nhận định: “Ở các nước đang phát triển, quốc tế hóa nghĩa là làm sao tập trung xây dựng chương trình đào tạo càng tiệm cận các chuẩn thế giới càng tốt. Trong khi ở các nước đã phát triển, quốc tế hóa nghĩa là tập trung phát triển các năng lực cọ xát quốc tế cho sinh viên”.

Tại Việt Nam, khi nhắc đến ĐH mang tính quốc tế nhiều phụ huynh học sinh nghĩ đến những tòa nhà đẹp, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên nước ngoài. Tuy nhiên, những yếu tố đó chưa đủ để cấu thành một trường ĐH quốc tế thực thụ.

Theo tôi, môi trường giáo dục quốc tế đòi hỏi phải có sự đầu tư về chất xám và chiều sâu hơn về tài chính, cụ thể phải đáp ứng được những câu hỏi sau:

– Chương trình đào tạo của nhà trường có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế không? Ví dụ chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn nào? Được tổ chức nào công nhận?

– Sinh viên có cơ hội được trải nghiệm quốc tế không? Ví dụ sinh viên có cơ hội trải nghiệm học kỳ quốc tế (Semester Abroad), giao lưu quốc tế (Study Tour), trại hè quốc tế (Summer School) không?

– Giảng viên có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế không? Giảng viên tốt nghiệp từ các trường được kiểm định, tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giảng dạy, có nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế hay có kinh nghiệm làm việc thực tiễn trong môi trường đa quốc gia không?

– Lãnh đạo nhà trường có định hướng quốc tế không? Ví dụ trường có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên người nước ngoài không? Có chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo liên kết (Joint Program), thúc đẩy trao đổi sinh viên quốc tế (Student Exchange), trao đổi giảng viên quốc tế (Faculty Exchange), chủ động trong hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học quốc tế và hướng đến các kiểm định quốc tế hay không?

Việc theo học tại các trường ĐH, cao đẳng quốc tế được nhiều phụ huynh và sinh viên ưa chuộng. Ông có thể cho biết lợi ích cụ thể mà các chương trình của UEF mang lại cho sinh viên?

Có nhiều lý do để phụ huynh và học sinh chọn học tại trường ĐH có môi trường quốc tế. Riêng đối với UEF, khi chọn học tại đây ngoài cơ hội được thụ hưởng chất lượng đào tạo tốt, các bạn sinh viên sẽ có những trải nghiệm học tập quý báu.

Với sinh viên có khả năng tiếng Anh trung bình khá, cơ hội hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ tốt hơn thông qua chương trình song ngữ có đến 50% thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh, 50% bằng tiếng Việt; liên tục tham gia các chương trình ngoại khóa trong nước và quốc tế; thường xuyên giao lưu với sinh viên quốc tế; cơ hội tiếp cận học bổng nước ngoài tốt hơn và đặc biệt cơ hội việc làm rộng mở.

Còn sinh viên có khả năng tiếng Anh nổi bật hơn có thể chọn chương trình quốc tế được đào tạo hoàn toàn 100% bằng tiếng Anh hiện UEF đang thực hiện, đó là chương trình đào tạo cử nhân Anh quốc với bằng do ĐH Gloucestershire hoặc Leeds Trinity cấp, có giá trị quốc tế, được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.

Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Viện trưởng Viện quốc tế UEF – Chủ tịch Hội nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TP. Hồ Chí Minh

Có thể nói, mỗi tháng UEF đều có một trường ĐH nước ngoài đến thăm và giao lưu học thuật với sinh viên như ĐH Dartmouth (Hoa Kỳ), ĐH Cergy Pontoise (Pháp), ĐH Bangkok (Thái Lan), ĐH Wonkwang (Hàn Quốc)…

Điều này thể hiện sự năng động trong hợp tác quốc tế và cam kết mang sinh viên đến gần với thế giới; đồng thời khẳng định quan điểm giáo dục của chúng tôi là giỏi tiếng Anh không có nghĩa chỉ giỏi giao tiếp quốc tế mà còn phải có năng lực và thấu hiểu văn hóa xuyên quốc gia (Intercultural Competency).

Môi trường quốc tế chỉ được xây dựng khi sinh viên có những hoạt động tương tác, giao lưu quốc tế thực thụ và duy trì đều đặn. Và điều này là cực kỳ quan trọng trong môi trường làm việc thế kỷ 21, thời đại vốn không giới hạn ở một văn phòng, một biên giới, hay một quốc gia.

Theo ông, đâu là những ngành học tiềm năng cho sinh viên hiện nay?

Đối với UEF, ngành thu hút thí sinh cũng là những ngành đào tạo thế mạnh của trường, thuộc nhóm kinh doanh, quản lý, tài chính, dịch vụ, truyền thông và ngôn ngữ như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, quan hệ công chúng, tài chính ngân hàng, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn, ngôn ngữ Nhật.

Theo tôi, bên cạnh những ngành học thiên về trí tuệ nhân tạo thì nhóm các ngành thuộc khối kinh tế, truyền thông và ngôn ngữ cũng như nhóm ngành tích hợp vừa kỹ thuật, công nghệ vừa kinh tế như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử hoặc nhóm ngành vừa kinh tế vừa ngôn ngữ như tiếng Anh thương mại, quan hệ quốc tế hay nhóm ngành luật cũng sẽ có xu hướng phát triển và đóng vai trò tiềm năng.

Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0 cùng xu hướng quốc tế hóa trên nhiều lĩnh vực, chính sinh viên sẽ chủ động biến ngành học của mình trở nên giàu triển vọng.

Một khi đã chọn đúng ngành yêu thích, phù hợp với năng lực thì việc tìm được trường đào tạo chất lượng là một yếu tố then chốt.

Giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, thành thạo ngoại ngữ thì ở bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn cũng sẽ tự tin nắm bắt cơ hội phát triển – từ đó tạo được tiền đề thành công cho mình.

Hầu hết sinh viên và cả phụ huynh đều quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về định hướng này ở UEF?

Để bằng cấp mang lại giá trị thực tiễn trong công việc và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, nhà trường luôn lồng ghép ba chuỗi hoạt động gắn kết doanh nghiệp sau để đảm bảo sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp sớm nhất trong thời gian học tập:

– Tăng cường đào tạo gắn kết thực tiễn: Mỗi môn học sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn, học thực tế tương tác tại doanh nghiệp hoặc tham dự các chuyên đề chia sẻ từ các CEO hoặc lãnh đạo thành công, nhiều kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cụ thể như nhân sự, tài chính, chiến lược, truyền thông…

Và chắc chắn là UEF phải có một hệ thống hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau, gắn với các ngành nghề đào tạo của trường.

– Trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp: Các hoạt động ngoại khóa gồm giao lưu quốc tế, hoạt động vì cộng đồng, hoạt động phong trào, Đoàn

– Hội từ cấp khoa đến cấp trường cũng tạo cho sinh viên UEF một nét riêng, đặc thù là tự tin, năng động, bản lĩnh, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống của các bạn rất tốt cùng sự thích nghi đa văn hóa trong việc giao lưu, học tập – theo tôi đó chính là yếu tố cần cho mỗi sinh viên trên bước đường tương lai.

– Liên tục ký kết, đảm bảo đầu ra nghề nghiệp cho sinh viên: Hiện trường có hơn 300 đối tác là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, ngân hàng thương mại, khách sạn, resort… trong nước và quốc tế, có cả những hiệp hội uy tín như Hiệp hội Hỗ trợ thực tập Nhật Bản (Japan Internship Support Association); Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam (CanCham); Phòng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam…

Đó chính là nền tảng để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường. Hơn nữa, mỗi năm sinh viên UEF đều được bố trí tham gia thực tập, kiến tập, trang bị hành trang khởi nghiệp…, qua đó tạo nên sự đa dạng các hoạt động gắn kết giữa sinh viên với doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho hai phía là cho sinh viên và cho nhà tuyển dụng.

Nhà trường cho rằng sự phong phú trong các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo giữa doanh nghiệp, doanh nhân và nhà trường đã tạo nên hướng mở nghề nghiệp hiệu quả cho người học.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.

Theo: DNSGCT

Có thể bạn sẽ thích