Blogger Bạch Dương thường xuyên chia sẻ những chủ đề xoay quanh cuộc sống cũng như chuyện công sở thông qua những câu chuyện, những trải nghiệm mà chính chị tham gia. Với chị, làm kinh doanh cũng có lúc thắng lúc thua, nhưng có một vấn đề chị để tâm tới đó là sự tin tưởng khi hợp tác kinh doanh. Bởi không phải ai cũng đủ dũng khí và khả năng để làm kinh doanh một mình, họ cần tới những “cái đầu” khác.
Mở đầu câu chuyện, blogger Bạch Dương trích dẫn: “Anh em mình còn làm lâu dài mà”. Và chị cho rằng có lẽ đó là câu nói mà tần suất bạn gặp ở các quán cafe, bên các câu chuyện “làm ăn” của bà con ta nhiều nhất. Và chắc ai ai cũng đã vài lần va phải câu này trong cuộc đời.
“Thử xem, lần gần nhất ai đó nói với bạn câu này là khi nào?
“Còn làm lâu dài” là cái cớ để bên mua đề xuất một vấn đề gì đó có lợi hơn cho mình.
“Còn làm lâu dài” là câu cửa miệng để cam kết chất lượng của bên bán dịch vụ.
“Còn làm lâu dài” là câu kết cửa miệng của những giao kèo xã giao.
Vì sao người ta lại hay nói với nhau về hai chữ “lâu dài”?
Gần đây mình làm cho một trường học. Một cặp vợ chồng người Mỹ đã làm việc ở Việt Nam 3 năm rồi đến bộ phận tuyển sinh và hỏi: “Tôi rất thích trường của bạn, con tôi trước đây cũng từng đi học một vài trường ở Việt Nam rồi nên cháu có lẽ sẽ thích nghi tốt. Nhưng tôi còn băn khoăn một chút, liệu trường bạn có “đột nhiên biến mất” không? Tôi đã gặp vài lần như vậy. Và con tôi rất buồn…”
“Sập business” là chuyện thường ngày ở huyện. Nếu các bạn có mặt trên các diễn đàn Sang nhượng cơ sở vật chất của hàng quán, các bạn sẽ thấy mỗi ngày có chục tin mới mời sang tên đổi chủ. Những business nhỏ xíu được làm ra bởi những ông chủ bà chủ non kinh nghiệm quản lý, thiếu vốn, thiếu nhân sự, thiếu hiểu biết về tài chính và dòng tiền… có thể đóng bất cứ khi nào.
Bởi thế, có thời gian hoạt động lâu, có định hướng phát triển lâu dài… trở thành những yếu tố để doanh nghiệp ghi điểm trong các mối hợp tác.
“Taxi dù” là thuật ngữ chỉ các doanh nghiệp qua cầu lướt ván, lừa được khách hàng một lần và họ không bao giờ quay trở lại. Một phòng khám chủ người Tàu trên một đường ở Hà Nội, chi phí cố định một tháng để vận hành là 900 triệu, KPI kinh doanh ép lên đầu các bác sĩ là mỗi bệnh nhân vào phải vẽ ra để ép thu tối thiểu 15 triệu đồng. Một vài bác sĩ vì y đức nên không ép bệnh nhân, bác sĩ mất việc, người bệnh vẫn mất tiền. Những kiểu doanh nghiệp lừa lọc như vậy ngoài kia không thiếu gì. Kiểu đó không ai nói ra hai chữ “lâu dài”.
Nên việc khẳng định với nhau “còn làm lâu dài mà” cũng là một cách để thể hiện là tôi không có lừa đảo, không có “ăn bẩn” vài lần à nha.
Hồi mình học Báo chí học có môn Lịch sử báo chí. Học lịch sử báo chí mà được thầy vẽ cho cả lịch sử buôn bán (gọi sang là kinh doanh) của dân tộc. Mới hay dân tộc ta vài ngàn năm nay chưa bao giờ là một dân tộc có nền tảng về kinh doanh hay sản xuất lớn bài bản. Gốc gác chúng ta là đất nước mà hoạt động kinh doanh buôn bán nếu có là đổi con cá lấy mấy mớ rau. Để tạo dựng được những doanh nghiệp sản xuất lớn, các doanh nghiệp lớn nói chung là cả một sự nỗ lực và cố gắng, là hằng bao mồ hôi nước mắt của những người làm chủ. Về cơ bản, chúng ta từ bé không được ai dạy kinh doanh bài bản. Nên “làm ăn lâu dài” là một khái niệm xa lạ với cả dân tộc.
Bạn bè thân nhau miếng bánh mì bẻ đôi cũng chẳng có gì đảm bảo là sẽ làm với nhau được “lâu dài”… chứ đừng nói gì là người ngoài hay anh em kiến giả nhất phận.
Bởi thế một là cảnh giác trước những đề nghị “lâu dài”, hai là hãy chỉ tin vào khoa học quản trị, các bên cùng nhau hướng tới những giá trị khoa học và bền vững thì mới vị mong được sự lâu dài. Bằng không, “tan trong một nốt nhạc”.
Theo: Dansinh