Trang chủ PHONG CÁCHKhông gian sống Đi đâu loanh quanh…?

Đi đâu loanh quanh…?

bởi admin

Đi đâu không bằng về nhà, đi để trở về… là những câu nói ngỡ như xa, nay lại rất gần trong thời giãn cách xã hội vì dịch bệnh, “ai ở đâu ở yên đó” như hiện nay. Nhưng có thời gian ở nhà nhiều thì mới thấy không gian nhà mình có thể bất tiện hoặc bất hợp lý, mà về mặt phong thủy cần điều chỉnh hoặc thay đổi sao cho hòa hợp, nhất là yếu tố cơ bản làm nên cấu trúc không gian. Đó là các không gian dẫn truyền (động, thay đổi) và không gian tâm linh (tĩnh, ổn định).

Thông thường mọi ngôi nhà cấu thành bởi các phòng riêng (phòng ngủ, làm việc) kết hợp với một, hai phòng chung (bếp, ăn, tiếp khách). Cách phân chia này đảm bảo nhu cầu tối thiểu và hiện vẫn là cách cơ bản, dễ xác định khi chọn mua hay xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Căn hộ ba phòng ngủ, nhà có gian bếp rộng, nhà phố tiếp khách ở dưới, phòng ngủ ở trên… là những mô tả phổ biến, nhiều người biết hoặc từng “cân đong đo đếm” nhà cửa theo cách này.

Tuy nhiên, xét về văn hóa ứng xử với môi trường sống thì vẫn có những cách tiếp cận khác, đó là định vị không gian theo tính chất trường khí của phong thủy xưa và nay.

Đi đâu loanh quanh…? - 1
Từ hàng hiên nhà gỗ đông phương, biệt thự kiểu tây, đến hàng hiên nơi kiến trúc hiện đại: không gian dẫn truyền khí này chưa bao giờ lỗi thời, làm nên nét đặc trưng Hiên Việt

Đi đâu loanh quanh…? - 2

Đi đâu loanh quanh…? - 3

Định lượng song hành định tính

Trong điều kiện nhà nơi đô thị không nhiều vùng cảnh quan chung quanh như biệt thự, nhà vườn, thì hai dạng không gian Dẫn truyền và Tâm linh nêu trên có xu hướng bị bỏ qua. Xem Cát Hung của nhà thường hay xem cửa, bếp, phòng riêng (Môn, Táo, Chủ), thấy hợp hướng, hợp mệnh là ổn. Đó là những trường phái phong thủy Dương Trạch Tam Yếu hay Bát Trạch Phối Mệnh, phổ biến và dễ hiểu, không sai, nhưng chưa toàn diện.

Về mặt nội khí, không gian dẫn truyền có thể hiểu như các mạch máu, bao phủ khắp “cơ thể” ngôi nhà, giúp Liên Kết, đem khí tươi, khí sạch đến và thải hồi khí xấu, khí cũ đi. Một ngôi nhà bước vào thấy ngột ngạt, bức bí, đầy mùi đồ đạc, mùi khói bếp hay mùi ẩm mốc… có thể do thiếu quan tâm đến khả năng dẫn truyền khí, cách thông khí gặp vấn đề. Để dẫn truyền khí tốt cần hệ thống nạp khí và lối dẫn khí (Khí Khẩu, Khí Đạo) hoặc tại vị trí cụ thể như giếng trời (lưu thông khí chiều đứng) và tiền sảnh, hành lang (dẫn truyền khí chiều ngang dọc) hoặc tại khoảng thông tầng, khoảng mở cửa để thoát gió trong căn phòng nào đó. Bố trí phong thủy đúng chính là khơi thông những chỗ “bế tắc” đó để dẫn truyền khí tốt hơn.

Đi đâu loanh quanh…? - 4
Kết nối khí tốt nhờ cách mở cửa ngang hay thông thoáng đứng qua giếng trời, đều là các giải pháp giảm đối lưu không khí hiệu quả trong nhà đương đại

Đi đâu loanh quanh…? - 5

Mặt khác, Nội Khí lưu chuyển thì cũng phải có chỗ ngưng tụ, lắng đọng lại, như phần Âm so với Dương trong toàn thể Thái Cực. Không gian tâm linh là nơi lắng lọc như vậy, một khu vực hầu như cố định, tĩnh tại, bình ổn và ít xáo trộn trong hoạt động thường ngày. Về định lượng, trục và tuyến dẫn truyền khí có thể nhiều ít, rộng hẹp tùy thuộc tính chất, công năng, nhân khẩu, cách chia phòng ốc trong gia đình… mang đặc thù Dương tính. Trong khi đó không gian tâm linh về cơ bản vẫn lấy khu vực bàn thờ làm hạt nhân, không nhiều biến động theo thời gian, ít thay đổi về khối tích và các hoạt động, chỉ thêm bớt những bổ sung vật dụng hoặc công năng Thiền… mang đặc trưng Âm tính.

Đi đâu loanh quanh…? - 6

Đi đâu loanh quanh…? - 7
Những biến tấu thú vị qua hành lang, điểm nhấn cầu thang trong nhà phố cần lấy sáng và tạo trục sinh hoạt nơi lõi trung cung

Đi đâu loanh quanh…? - 8

Định dạng tiếp nối định vị

Xưa nhà cửa đa phần hình khối đơn giản, mái dốc cao, ít chia phòng ốc mà chỉ phân khu trước sau, trái phải. Tính chất đăng đối đó khiến không gian tâm linh luôn định vị nơi gian giữa, các lối dẫn truyền uốn lượn qua lại trục “xương sống” của cấu trúc nhà khung Á Đông. Khi đi về phương nam, dù nhà có biến đổi dạng chữ đinh, nhà thảo bạt hay bát dần… thì đặc trưng thuần Âm và trục trang nghiêm vẫn giữ lại, bố trí gian thờ cao thoáng để bù Dương vẫn được tuân thủ rõ ràng. Những nhà có điều kiện diện tích hay làm gian thờ riêng biệt (có thể kết hợp là nhà thờ tự của cả dòng họ) để đảm bảo tính gia tộc riêng tư, nơi tâm linh gia đình không phải nơi công cộng. Người xưa không đưa gian thờ lên lầu do đa phần nhà cổ không có lầu và kết cấu nhà chủ yếu bằng khung gỗ, tranh tre, gian thờ phải ở dưới trệt để vững chắc, ổn định, phía trên bàn thờ là thiên đỉnh của mái nhà, thoát hơi nóng ra đầu hồi, không có sinh hoạt khác cao hơn bàn thờ.

Nhà nay có nhiều tầng, hình khối và cấu trúc phức tạp hơn, nên về mặt phong thủy sẽ đặt ra một số bài toán khác xưa, đòi hỏi quan niệm vừa kế thừa truyền thống, vừa đảm bảo tính khoa học trong xử lý vi khí hậu kiến trúc. Nguyên tắc chung là không gian dẫn truyền và tâm linh có thể liên kết với nhau theo chiều đứng cũng như chiều ngang, tận dụng khoảng thông thoáng tâm linh để thoát khí nóng trên cao, đồng thời bố cục phòng ốc xoay quanh trục tâm linh và trục thông thoáng là cách bố trí hợp lẽ Thiên Địa Nhân và không hề phải gò bó vào kiểu nhà xưa, nếu biết linh hoạt xử lý.

Đi đâu loanh quanh…? - 9
Phòng thờ khi được tổ chức khoảng thông thiên cao sẽ thoát khí tốt và bù Dương hiệu quả cho trường khí thiên về Âm

Đi đâu loanh quanh…? - 10

Đi đâu loanh quanh…? - 11

Một số nhà phố hiện nay đã khéo léo bố trí gian thờ, bàn thờ trong khoảng thông tầng, giếng trời… giúp giải quyết nhiều vấn đề. Cụ thể là tăng khả năng thông thoáng, khói nhang hút theo chiều đứng qua cửa mái giảm bớt mùi và tù khí. Mặt khác, bàn thờ hoặc phòng thờ trong khoảng trống thông tầng cũng tránh được những sinh hoạt xáo trộn “trên đầu” nơi thờ cúng, tăng tính tôn nghiêm và tính quây quần, kết nối các thế hệ… thay vì đưa phòng thờ lên vị trí khuất, ít lui tới và thiếu diện tích bày biện. Còn trường hợp nhà trong căn hộ chung cư thì việc bố trí bàn thờ gắn với không gian sinh hoạt gia đình là điều gần như bắt buộc, miễn sao chọn giải pháp nội thất đủ trang nghiêm, tránh từ ngoài cửa đã nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị…

Quay về nơi hàng hiên, gian thờ

Những ai nặng lòng với các giá trị truyền thống của nếp nhà Việt đều dễ thấy hai không gian Dẫn Truyền và Tâm Linh biểu hiện rõ nét nhất, mà cũng bị mai một nhiều nhất ở hàng Hiên (dẫn truyền, chuyển tiếp khí) và gian Thờ (hoài niệm, tâm linh). Dưới góc nhìn văn hóa sống, “cái Hiên” trong kiến trúc dân gian Việt Nam như một sản phẩm vừa mang tính chất của văn hóa vật thể lại vừa biểu hiện yếu tố văn hóa phi vật thể. Qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường, cha ông ta sáng tạo hàng hiên để làm vùng chuyển tiếp trong ngoài, nơi giao hòa Âm Dương của nhà. Còn gian Thờ cũng là cấu trúc không gian gắn với tâm của mỗi nhà, mỗi người, theo nghĩa Tâm ở gian giữa, sinh hoạt quây quần chung quanh, và trong nghĩa tâm linh, tâm thức người Việt luôn hướng về nguồn cội, có thờ có thiêng, hướng thiện…

Đi đâu loanh quanh…? - 12
Bài trí nội thất tăng Mộc giảm Kim, giúp phòng thờ căn hộ nhỏ hay biệt thự đều có vị thể xứng tầm một góc tâm linh, nơi giữ gìn tâm thức truyền thống cho mỗi gia đình

Đi đâu loanh quanh…? - 13

Đi đâu loanh quanh…? - 14

Nhưng thời gian không quay trở lại, điều kiện ăn ở nay khác xưa, tư duy gia chủ thế hệ mới không quá câu nệ khuôn mẫu cũ, đòi hỏi bố trí hiên và gian thờ cần linh hoạt theo. Thực tế nhiều gia đình hiện đại không có nhu cầu và điều kiện làm phòng thờ rộng rãi hoặc do thế hệ trẻ tuổi, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau… nên góc tâm linh trong nhà đôi khi chỉ là một bàn thờ ông địa thần tài nho nhỏ, một bàn thiên thắp nhang trời đất hay một sàn gỗ ngồi thiền. Với hiên nhà cũng vậy, vai trò dẫn truyền khí nằm ở cách thức mở cửa thông thoáng, tạo khoảng đệm ra vào nhà hợp điều kiện sinh hoạt, tránh các lối trực xung xuyên qua… là đạt về trường khí chuyển tiếp khí rồi. Để cân bằng Âm Dương, quan niệm hiện đại không tách bạch Âm hay Dương, mà hiểu rõ trong dương luôn có âm và ngược lại, từ đó đề ra cách xử lý cụ thể:

  • Chiếu sáng cần tính Âm, dịu nhẹ hơn là tính Dương tập trung rực rỡ. Ánh sáng theo các sắc của Ngũ hành trong góc tâm linh nên dùng vàng nhẹ (Thổ) và đỏ (Hỏa) giúp tạo sự ấm cúng, một số chỗ nếu có tủ sách hay bàn làm việc kiểu hiện đại có thể điểm thêm ánh sáng trắng (Kim).
  • Chất liệu nếu căn hộ hoặc nhà phố nhỏ có kết hợp nơi thờ cúng với thiền tịnh, thư giãn… thì nên khác biệt một chút so với toàn nhà, theo hướng tăng Mộc giảm Kim (hợp tính đông phương, sinh Hỏa, quẻ Ly, tâm linh…). Những loại sàn mềm (âm tính) và ấm áp như sàn gỗ, sàn tre, trải thảm hoặc chiếu cói sẽ hợp hơn là sàn lát gạch đá thuấn túy. Cách xử lý trần tương ứng với chọn kiểu chiếu sáng, chủ yếu là kiểu dáng nhẹ nhàng, có thể nghiêng hoặc giả cấu trúc truyền thống (rui, mè, dầm nghiêng) để tạo “không khí” tâm linh (mái dốc thuộc Hỏa) nhiều hơn các không gian khác.
  • Vật dụng và định vị thị giác: Có thể kết hợp sàn với bàn thấp kiểu Nhật, bàn trà hay sập gỗ kiểu Việt tạo nên không gian thư giãn mang nét Á đông đặc thù. Việc đưa thiên nhiên (Thủy, Mộc) vào không gian tâm linh và dẫn truyền sẽ đóng vai trò kết nối, tăng thêm tính mộc qua dạng gỗ mỹ nghệ hay mây tre, vật dụng màu ấm và nóng thuộc Hỏa… hợp không gian tâm linh.

Dĩ nhiên, mỗi gia đình tùy theo sinh hoạt và tôn giáo tín ngưỡng có thể bố trí thông thoáng và góc tâm linh riêng biệt. Nhưng về phong thủy, thay vì “loanh quanh” với các kiểu dáng sắp đặt và chỉ định mang tính khuôn mẫu, chỉ cần hiểu tính Âm của nơi tâm linh và tính Dương của hệ thống kết nối trong ngoài – trên dưới thì mỗi ngôi nhà sẽ có được cách thức bài trí vừa đảm bảo kết nối tốt theo các thay đổi nếp sống hiện đại, vừa giữ gìn những điểm tâm linh cốt lõi. Câu hát “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” có lẽ mang tính khuyến cáo hãy xuất phát từ những điều cơ bản và nhân văn thì kiến trúc bền vững sẽ đạt đúng giá trị cốt lõi: kế thừa quá khứ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và không tổn hại đến tương lai.

Có thể bạn sẽ thích