Trang chủ Bài viết HOT Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE): “Mentoring sẽ giúp tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo”

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE): “Mentoring sẽ giúp tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo”

bởi admin

Hơn 6 năm hướng dẫn, tư vấn, chia sẻ, thậm chí là “gỡ rối” cho nhiều bạn trẻ trong những lúc chông chênh trên đường lập nghiệp, khởi nghiệp, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food đã có nhiều trải nghiệm mở lối đi ngắn nhất để đến với thành công mà ít bị trả giá.

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm gửi gắm trong tác phẩm Người cố vấn với mong muốn mang đến những điều bổ ích cho hoạt động mentoring – mô hình chị cho là rất cần thiết triển khai sâu rộng trong doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực sẵn có của doanh nhân và những người đi trước.

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM

* Phóng viên: Cơ duyên nào khiến chị quyết định ra mắt tác phẩm Người cố vấn – đứa con tinh thần thứ ba của chị?

–  Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm: Ngay từ khi cuốn sách thứ hai Người dẫn chuyện ra đời, tôi đã dự định viết cuốn sách thứ ba về mentoring (cố vấn). Khi một cá nhân muốn phát triển bằng sự cho đi, mentoring là một phương pháp hữu ích dành cho họ. Và khi cá nhân phát triển bằng phương pháp tốt, họ sẽ ảnh hưởng tích cực và đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cộng đồng mà họ đang là thành viên.

Vì chính mình trải nghiệm nên tôi đã tận mắt chứng kiến lợi ích của mentoring đối với các tổ chức, từ trường học đến tổ chức hội và doanh nghiệp ở mọi quy mô lớn nhỏ. Mối quan hệ của mentor (người cố vấn) – mentee (người được cố vấn) là một sự cho đi có nghĩa và một sự học hỏi vô cùng hứng thú mà không có trường lớp, giáo trình nào có được. Những chia sẻ của mentor với mentee là bài học thực tế rất giá trị.

Mentoring du nhập vào Việt Nam từ những năm 2010 nhưng đến nay tài liệu về vấn đề này ở Việt Nam vẫn rất hiếm, lại toàn của nước ngoài. Một số cộng đồng mentoring có tài liệu lưu hành nội bộ nhưng những tài liệu này chưa từng được xuất bản thành sách. Điều đó càng nung nấu trong tôi quyết tâm cho ra đời một cuốn sách giới thiệu đầy đủ và chuyên nghiệp về mentoring. Không thể nói cách của tôi đúng hoàn toàn, nhưng ít ra cũng có được tài liệu được viết bằng tiếng Việt để những người cần có thể tham khảo.

* Theo tôi được biết, làm bất cứ công việc gì chị cũng thể hiện sự đam mê…

– Người cố vấn là cuốn sách thứ ba, sau hai cuốn Người thả diều và Người dẫn chuyện. Nhưng không chỉ viết sách, làm gì tôi cũng đều có niềm say mê với điều mình đã chọn. Trước đây, khi làm ở lĩnh vực thực phẩm, tôi thích thú với việc mày mò, nghiên cứu chế biến ra những món ăn mới phục vụ người tiêu dùng. Đến khi làm kinh doanh, tôi yêu thích với việc gặp gỡ, mở rộng mạng lưới khách hàng. Khi đến với mentoring, tôi cũng rất say mê và tham gia nhiều tổ chức để làm cố vấn cho các bạn trẻ. Điều rất vui là tôi đã gầy dựng được mô hình mentoring khá thành công tại Sài Gòn Food. Giờ tôi đã nghỉ hưu nhưng mô hình này đang được áp dụng khá tốt tại công ty.

* Nhưng hình như chị không dừng lại ở việc viết sách, mà muốn làm nhiều hơn thế?

– Người cố vấn chỉ là một nguồn thông tin, lý thuyết, những bài học kinh nghiệm để tham khảo về mô hình này. Khi áp dụng thực tế cần có đội ngũ có kiến thức chuyên môn tư vấn thiết lập, đào tạo, cách thức vận hành triển khai cụ thể, chi tiết. Vì vậy hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam đã có chương trình tư vấn quy trình này do tôi chủ trì để tư vấn cho các trường đại học. Sắp tới, sau khi ra mắt sách, tôi sẽ ký kết với một đơn vị làm dịch vụ tư vấn để đưa những kiến thức và quy trình thiết lập mô hình mentoring trong doanh nghiệp. Vì nếu chỉ làm mentor theo kiểu “một kèm một” ở các hội, câu lạc bộ thì không biết đến bao giờ hoạt động này mới lan tỏa. Cần có đơn vị tư vấn cách làm, cách triển khai để đưa hoạt động này phổ biến sâu rộng trong các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng. Vì các mentee một ngày nào đó khi đã trưởng thành sẽ trở thành mentor.

-8681-1665389291.jpg

Người cố vấn – Cuốn sách thứ ba của doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm, ra mắt vào ngày 9/10/2022 tại Trường Đại học Hoa Sen.

Qua thực tế triển khai ở một số doanh nghiệp như Sài Gòn Food, PNJ cho thấy hoạt động này có hiệu quả rất tốt. Chẳng hạn như tại Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ (PNJP), sau hai mùa mentoring, công ty đã có 50 mentee, trong đó 10 người đã được đề bạt những vị trí cao hơn. Còn tại Sài Gòn Food, các mentee tham gia chương trình từ năm 2017 đều đã được đề bạt làm quản lý.

* Với những thành công đạt được, hẳn chị rất kỳ vọng vào mentoring?

– Tôi rất kỳ vọng về chương trình này. Tôi mong các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hoặc đã và đang khởi nghiệp nên tìm đến các mentor trong các tổ chức cộng đồng. Doanh nghiệp thì nên tổ chức mentoring trong nội bộ để thế hệ đi trước kèm cặp cho thế hệ đi sau. Những trải nghiệm, kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống, những bài học thành công và thất bại của thế hệ đi trước là rất quý đối với các bạn trẻ kế thừa, tiếp nối ở các công ty. Bởi nếu không có sự chia sẻ như vậy, những kinh nghiệm quý giá của doanh nhân sẽ mai một. Còn nếu kêu gọi doanh nhân viết sách để truyền tải kinh nghiệm thì sẽ không nhiều người làm được điều này.

Mentoring nguyên tắc là cho đi vô điều kiện. Người được cố vấn được miễn chi phí tư vấn. Vì vậy, nếu hoạt động phổ biến như chương trình khởi nghiệp quốc gia, chúng ta sẽ tận dụng được một nguồn lực khổng lồ từ đội ngũ doanh nhân và những người có nhiều trải nghiệm. Vì vậy, tôi đề nghị trong tiêu chí xét chọn danh hiệu “Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu” của TP.HCM nên đưa thêm tiêu chí “kèm cặp” mentor. Nếu có thêm tiêu chí này, doanh nhân sẽ tự động liên kết, tìm tới các tổ chức khởi nghiệp để làm mentor và từ nhu cầu đó, mentoring sẽ lan tỏa và phát triển. Thành phố có gần 500.000 doanh nghiệp và từng ấy ông chủ doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động này sẽ đào tạo ra biết bao nhiêu thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế cận cho TP.HCM.

Điều tôi mong là các cấp quản lý nhà nước nhìn thấy được hiệu quả của mô hình này, nhân rộng ra để tận dụng nguồn lực sẵn có để giúp doanh nghiệp phát triển. Mà khi doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế cũng sẽ phát triển.

* Xin cảm ơn  chị! Rất mong những mong muốn của chị thành hiện thực trong thời gian sớm nhất!

Theo: DNSG

Có thể bạn sẽ thích