Trang chủ Bài viết HOT Giám đốc Marketing cấp cao Phạm Minh Nguyệt chia sẻ nghệ thuật xây dựng đội ngũ nhân tài Marketing

Giám đốc Marketing cấp cao Phạm Minh Nguyệt chia sẻ nghệ thuật xây dựng đội ngũ nhân tài Marketing

bởi admin

Khi nền kinh tế ở trong giai đoạn lung lay bởi Covid-19, hầu hết các ngành đều cắt giảm ngân sách, nhân sự. Ngành Marketing cũng không ngoại lệ. Trong giai đoạn biến động, người lãnh đạo có khả năng chèo lái con thuyền giỏi lại càng trở nên cần thiết. Tìm gặp  Phạm Minh Nguyệt – Giám đốc Marketing cấp cao tại Propzy, chúng tôi đã nghe được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo tiếp thị. Đặc biệt là những kinh nghiệm về cách thấu hiểu tâm lý và giữ đội ngũ người tài luôn bên mình vượt qua các trận sóng gió.

Giám đốc Marketing cấp cao Phạm Minh Nguyệt chia sẻ nghệ thuật xây dựng đội ngũ nhân tài Marketing 2
Phạm Minh Nguyệt – Giám đốc Marketing cấp cao Propzy

Trước khi gia nhập Propzy, Phạm Minh Nguyệt có 18 năm kinh nghiệm lãnh đạo tiếp thị thương hiệu tại các Tập đoàn toàn cầu như J. Walter Thompson, Lowe World Wide… giữ vai trò Giám đốc truyền thông – Marketing của các thương hiệu quốc tế và trong nước như Adidas, Vietjet Air, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Beauty Box và gặt hái nhiều thành công, biến các thương hiệu này trở thành thương hiệu dẫn đầu, tăng trưởng nhanh ở Việt Nam và khu vực.

Là một lãnh đạo nhiều kinh nghiệm thực chiến, Phạm Minh Nguyệt có cách nhìn “thép” trong việc quản lý. Khi làm là phải tạo ra hiệu quả cụ thể, quyết liệt và tốc độ nhanh. Tuy nhiên, vì là một phụ nữ “rất phụ nữ”, với khả năng thấu hiểu tâm lý, phong cách truyền cảm hứng một cách nhẹ nhàng, cho nên những quyết định của chị luôn dựa trên nền tảng thấu hiểu tâm lý sâu sắc.

Điều khó khăn nhất trong hành trình làm lãnh đạo

Có hai luồng ý kiến khi bàn về khả năng của một “lãnh đạo giỏi”. Một bên cho rằng, khả năng lãnh đạo là do sự nỗ lực chăm chỉ học tập. Bên còn lại thiên về hướng tố chất trong con người, như một kiểu gen bẩm sinh. Lắng nghe chia sẻ của nữ giám đốc Marketing cấp cao của Propzy, chúng ta sẽ có thêm góc nhìn từ trải nghiệm thực tế.

Lúc còn phổ thông, cô gái trẻ Minh Nguyệt thi đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Vào Đại học, cô gái ấy luôn đạt điểm gần như tối đa ở các bộ môn Tâm lý, logic học. Điều này cũng được xem như là một trong những lợi thế cho Minh Nguyệt ở vai trò lãnh đạo sau này, khi mà sự quản lý luôn cần bắt nguồn từ sự thấu cảm tâm lý, trọng dụng người tài đúng vị trí, khả năng. Cũng nhờ vậy mà nữ lãnh đạo này ngay từ đầu hành trình sự nghiệp đã làm nên nhiều chiến dịch truyền thông thành công lớn.

Dẫn dắt đội ngũ của mình tham gia các chiến dịch truyền thông của các thương hiệu hàng đầu như: Closeup, Clear, OMO, Mead Johnson, Levis, Sanofi… và giành được nhiều giải thưởng quảng cáo, trong đó có giải Hiệu Quả Quảng Cáo của toàn châu Á.

____

Điều gì khó khăn nhất trong quá trình làm lãnh đạo?

Khi ở vị trí lãnh đạo, bạn sẽ không còn làm các công việc mang tính chuyên môn chi tiết. Nếu bạn không xây dựng được một đội ngũ “chiến binh” cho mình để thực thi, bạn sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất của người lãnh đạo là phải xây dựng được đội ngũ.

Một đội ngũ với tinh thần teamwork tốt, họ hiểu rõ việc và họ được truyền động lực bởi tầm nhìn, bởi phong cách làm việc của người lãnh đạo.

____
Trở thành người lãnh đạo ở vị trí cấp cao trong nhiều năm qua, làm thế nào chọn được người tài để đưa vào đội ngũ của mình?

Yếu tố cốt lõi là sự quan sát một cách tinh tế và đánh giá dựa vào hành động thực tế của họ. Tôi quan sát, nhận định về một người ngay từ bước đầu gặp phỏng vấn. Tôi tìm hiểu được khả năng thực lực, cũng như mong muốn, mục tiêu của họ. Tôi  sẽ có một số những câu hỏi để kiểm tra câu trả lời của họ có đúng không.

Tôi nhìn qua hành động nhiều hơn. Ví dụ nếu bạn ấy giỏi về Design Graphic (thiết kế đồ họa), tôi sẽ bảo bạn ấy cho tôi xem một số hình ảnh mà bạn đã làm và cảm thấy tự hào nhất. Từ đó, tự tôi sẽ nhận định qua kết quả sản phẩm đó của ứng viên.

Hoặc để nhìn nhận con người trong các mối quan hệ cuộc sống, tôi thường đánh giá dựa trên hành động mà người ta làm, chứ không đánh giá trên lời nói của họ. Điều này cho tôi nhìn nhận con người chính xác hơn.

____
Ở vị trí cấp cao luôn cần nhiều tố chất và khả năng lãnh đạo, đó cũng chính là lý do mà không phải ai cũng có thể ngồi được ở vị trí này. Lãnh đạo là nhất thiết phải có năng khiếu hay do luyện rèn, cố gắng mà có được?

Mọi người hay nhận xét tôi có năng khiếu “People Smart” (khả năng thông minh về nhìn nhận con người). Nhưng thú thật, tôi không biết là tôi làm được là nhờ năng khiếu hay còn do yếu tố nào khác.Trước đây, tôi làm một cách tự động, tự nhiên. Hôm nay bạn hỏi điều này, tôi mới suy nghĩ về nó.

Giữa hai yếu tố năng khiếu và sự nỗ lực, tôi đánh giá cao sự nỗ lực học hỏi. Trong thực tế, suốt hơn 18 năm qua, tôi đã không ngừng nỗ lực học hỏi.

Nếu bạn có được năng khiếu trời cho, đó là điều may mắn. Song, nếu không có may mắn đó, bạn có thể tạo ra may mắn cho mình bằng sự nỗ lực học hỏi. Tôi đánh giá sự nỗ lực là điểm tuyệt vời. Có thể thấy, thiên tài âm nhạc Mozart là người có năng khiếu bẩm sinh, còn thiên tài âm nhạc Beethoven, ông đã phải nỗ lực rất nhiều, rất vất vả từ cuộc đời. Nhưng trong hành trình nỗ lực học vất vả đó, mồ hôi đó, chất chứa sự đồng cảm, rất thực và rất đẹp. Nó cho thấy một điều: chúng ta có thể mài dũa tài năng tỏa sáng nếu như bản thân không ngừng nỗ lực.

____
Có thể chia sẻ 1 yếu tố quan trọng và cần thiết cho cho hành trình phát triển sự nghiệp?

Chăm chỉ. Lời khuyên này nói ra thì đơn giản nhưng khó là ở chỗ áp dụng nó vào cuộc sống. Hầu như những người thành công, họ đều là người chăm chỉ, tự giác, chịu khó.

Để chăm chỉ, bạn phải vượt khó. Bạn muốn chăm chỉ, bạn phải thức dậy từ 4 giờ sáng để làm việc. Muốn thức dậy 4h sáng, nghĩa là bạn phải bỏ qua những thoải mái của bản thân, phải vượt khó. Muốn chăm chỉ, bạn thậm chí phải vượt qua mọi cám dỗ, những giới hạn của bản thân.

Chăm chỉ còn là tinh thần tự giác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, giải quyết những phát sinh khác. Khi ở vị trí lãnh đạo, tôi sẽ không có suy nghĩ vì sao phải làm thêm việc này, phải làm thêm giờ này. Tôi cứ thấy việc gì cần thì giải quyết và tôi chỉ nghĩ làm cách nào để giải quyết việc đó tốt nhất.

Nghệ thuật xây dựng đội ngũ người tài bên mình

Một người được cho là nhân tài khi trong họ có yếu tố Tài (Tài năng, năng khiếu) và yếu tố Nhân – Con người (phẩm chất, tinh thần), cách người đó ứng biến trong khó khăn.

Trong các công ty cắt giảm ngân sách, lợi ích, sẽ thấy những người quyết định ở lại làm với tinh thần đồng cam, cộng khổ. Sướng thì cùng sướng, khổ thì cũng chịu khổ chung, cùng hiệp lực gánh vác và họ mang lại giá trị đối với công ty.

____
Làm thế nào để có thể có đội ngũ nhân tài luôn kề vai sát cánh bên mình?

Yếu tố để cả đội ngũ người tài chủ động gắn bó và duy trì với mình, hay còn được gọi là sự thấu hiểu, đồng cảm và chung giá trị tư duy với nhau là khi mọi người cảm thấy mình cùng một chiến tuyến, bảo vệ cho cùng một mục tiêu, cùng chung một tầm nhìn. Đây chính là sợi dây gắn kết tất cả mọi người, giữ tất cả mọi người lại với nhau trong những thời điểm khó khăn.

Ngoài ra, điều này còn liên quan đến yếu tố vai trò của người lãnh đạo – Người lãnh đạo phải truyền được động lực và phong cách làm việc đến đội ngũ của mình. Đội ngũ người tài sẽ muốn làm ở nơi có người lãnh đạo có thể thấu hiểu được họ, tạo cho họ môi trường làm việc thoải mái với đúng sở trường yêu thích của họ.

Mỗi người đều có khả năng khác nhau sâu bên trong bản thân của họ, dù họ nhận ra hay chưa nhận ra. Người lãnh đạo cần thấu hiểu sâu sắc, phát hiện và đặt đúng chỗ để phát huy tốt nhất cho họ.

Có thể hiểu đơn giản như sau: Sinh ra là cá thì cá phải được bơi ở trong nước. Nếu sinh là khỉ, thì khỉ phải leo cây. Cá không thể bị ép làm công việc leo cây. Khi một người được đặt làm trong thế mạnh nhất của bản thân họ, họ sẽ không thấy mệt mỏi nhiều. Mỗi ngày đi làm, thoải mái như tận hưởng niềm vui, sở thích. Họ sẽ làm nhiệt tình, thậm chí không cần nhắc, không cần giao việc họ vẫn tự động làm thêm cho công việc.

____
Trong không gian cần thoải mái, sáng tạo, bay bổng, liệu bà có đưa ra “luật” cho đội  ngũ khi làm việc?

Tôi sẽ thả họ vào một bể nước để họ tự bơi và khi nào họ cần cứu thì họ la lên. Tôi không bao giờ ép người ta phải đi đúng, đu theo một sợi dây để đi đúng con đường đó. Nhưng họ phải đảm bảo chắc chắn là không làm bất ngờ vào phút chót với tôi. “No Surprise” (đừng gây bất ngờ) cũng là điều mà tôi học được ở Adidas trong phong cách lãnh đạo toàn cầu.

Ở Adidas có một gu làm việc là “No surprise”. Họ cho bạn không gian làm việc chủ động, bạn tự chịu trách nhiệm. Bạn có thể làm sai lầm, mắc lỗi hay bất cứ thứ gì nhưng bạn phải dự phòng trước. Tự lãnh đạo sẽ tìm cách chung tay, chung sức để giải quyết với bạn, nhưng bạn đừng gây bất ngờ với lãnh đạo của mình.

____
Câu danh ngôn truyền cảm hứng nào mà bà tâm đắc nhất?

“Love the life you live. Live the life you love” (Hãy yêu cuộc sống mà bạn đang sống, và hãy sống cách sống mà bạn yêu).

Giám đốc Marketing cấp cao Phạm Minh Nguyệt chia sẻ nghệ thuật xây dựng đội ngũ nhân tài Marketing 3Sau Covid, chúng ta có lẽ càng hiểu rõ hơn, sự sống quan trọng thế nào. Khi bạn hiểu nó quan trọng, bạn sẽ biết cách yêu nó như thế nào và chọn cách sống mà bạn yêu. Bạn cũng học được cả cách yêu công việc của mình, điều mà như chúng ta cũng thấy nó đầy ý nghĩa khi nuôi sống bản thân chúng ta.

Trong công việc, điều tôi luôn luôn cố gắng là làm sao để mỗi ngày làm việc của bản thân và tất cả những người trong đội ngũ Marketing của mình luôn thật vui vẻ. Trong cuộc sống mà bạn đang sống, mỗi ngày là một hành trình. Tôi luôn luôn chúc mọi người trong hành trình đi làm với nhau mỗi ngày phải là một ngày vui vẻ.

Theo: Doanhnhanplus

Có thể bạn sẽ thích