“Với giới trẻ ngày nay, tiền là thứ để tiêu. Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và cũng không bận tâm về điều đó”.
Liu Biting (25 tuổi, Trung Quốc) kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (32,4 triệu đồng) mỗi tháng từ công việc tiếp thị ở Thượng Hải. Liu dành khoảng 1/3 để trả tiền nhà. Phần còn lại 9X dùng để ăn uống, mua sắm quần áo và chi tiêu cho các sở thích khác.
Cô gái 25 tuổi không có khái niệm tiết kiệm.
Sau 3 năm đi làm, bố mẹ Liu luôn hỏi cô đã dành dụm được bao nhiêu. Liu thừa nhận mình không có đồng nào và nói thêm bạn bè cô đều thế cả.
“Đối với bố mẹ tôi, họ muốn một công việc tốt, thu nhập ổn để có thể tiết kiệm tiền mua nhà và nuôi con cái. Nhưng với giới trẻ ngày nay, tiền là thứ để tiêu. Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và cũng không bận tâm về điều đó”, Liu nói.
Khi những thế hệ trước lớn lên trong nền kinh tế, xã hội bất ổn và đề cao việc tiết kiệm, các nhà kinh tế phương Tây cho rằng Trung Quốc cần một nền tảng “người tiêu dùng kiểu Mỹ” để tăng trưởng kinh tế bền vững.
Và hiện tại, đất nước tỷ dân đã có hơn 330 triệu người thuộc thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) làm được điều đó: thoải mái mua sắm đồ hiệu, quan tâm đến giải trí, sở thích cá nhân và đi du lịch nhiều hơn.
Giới trẻ Trung Quốc sinh ra trong từ 1990 đến 2009 thoải mái “chi tiêu kiểu Mỹ”. |
Lối sống “không cần biết đến ngày mai”
Không chỉ ở Trung Quốc, tại Nhật Bản, quốc gia được mệnh danh là “tiết kiệm nhất châu Á”, giới trẻ cũng đang tiêu xài thoải mái hơn trước.
Bước ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế cuối những năm 1990 đầu 2000, thanh niên Nhật Bản từng được hình dung là những người làm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu: thích săn lùng phiếu giảm giá, ăn uống tại nhà thay vì tụ tập ở ngoài…
Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục trong những năm gần đây, giới trẻ xứ Phù Tang trở thành những “người tiêu dùng lạc quan”.
Kết quả mới nhất của MRI, nghiên cứu về mô hình chi tiêu của giới trẻ được thực hiện từ năm 2011, cho thấy hơn 45% người trong độ tuổi 20 sở hữu ôtô vào năm 2017.
Kể từ năm 2016, các hoạt động giải trí như uống bia và du lịch nước ngoài của thế hệ Z đã tăng vọt so với mức trung bình của cả nước .
Hiroshi Ishida, giáo sư Xã hội học tại ĐH Tokyo, người điều hành một nghiên cứu về lối sống của giới trẻ, lưu ý rằng những người 20-34 tuổi “tương đối hài lòng” với cuộc sống.
Người trẻ Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang tiêu xài nhiều hơn vì những lý do khác nhau. |
Còn tại Hàn Quốc, “shibal biyong” (tạm dịch: chi tiêu chết tiệt) là từ dùng để mô tả lối sống “không cần biết đến ngày mai”. Trong tiếng Hàn, “biyong” có nghĩa là chi phí còn “shibal” là một từ chửi thề.
Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, “có đồng nào xài đồng ấy” mà không muốn tiết kiệm vì tương lai kém triển vọng. Bạn mua chiếc áo khoác đẹp vì nghĩ để dành cả đời cũng không đủ tiền mua nhà. Bạn ăn bít tết bởi cho rằng không bao giờ tiết kiệm đủ cho quãng đời sau khi về hưu.
Trong mắt những người lớn tuổi, “shibal biyong” là một điều gì đó rất tiêu cực, dùng để chỉ những kẻ phá tiền cho những việc vô bổ, không bao giờ có suy nghĩ tằn tiện cũng như ý chí phấn đấu.
Nhưng đối với những người trẻ Hàn Quốc, “shibal biyong” được xem là phương thuốc tức thời cho những mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống hàng ngày.
Gánh nặng nợ nần
Thói quen chi tiêu của giới trẻ châu Á đang gây lo ngại. Cuối năm ngoái, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Zhou Xiaochuan cảnh báo nhiều người trẻ nước này mua sắm quá mức nhờ các dịch vụ tín dụng online.
Theo một nghiên cứu của ĐH Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu hậu quả nếu nợ phình to đến mức khiến các hộ gia đình cạn tiền, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.
Yang Huixuan (22 tuổi) làm việc trong ngành truyền thông cho một câu lạc bộ bóng đá ở Nam Kinh, nói rằng cô đã sử dụng ứng dụng tín dụng ảo Huabei từ khi còn đi học.
Vì 215 USD trợ cấp mỗi tháng từ bố mẹ không đủ để Yang chi tiêu, cô thường vay khoảng 100 USD để trả tiền cho các bữa ăn, mỹ phẩm và quần áo.
Giới trẻ Trung Quốc dùng ứng dụng tín dụng online để mua sắm thoải mái. |
Ngoài ra, 9X còn sử dụng chức năng thanh toán trả góp của Huabei để mua những thứ đắt đỏ hơn như máy ảnh và smartphone.
“Huabei thực sự là thứ gây nghiện. Nó khiến tôi ảo tưởng rằng mình không phải trả bất kỳ đồng nào”, Yang nói.
Dong Tao, một nhà kinh tế ở Hong Kong, cho rằng thế hệ trẻ ngày nay chưa từng biết đến khủng hoảng, dường như không có bất kỳ dự trù nào cho tương lai.
Ông Tao cho rằng việc bố mẹ thường giúp con cái mua nhà, một thực tế phổ biến tại các nước châu Á, là một mối nguy tiềm ẩn.
Điều này có thể khiến thị trường bất động sản phát triển quá nóng, dẫn tới hiện tượng “vỡ bong bóng”. Ngoài ra, nhiều thanh niên lấy nhà làm tài sản thế chấp đã vay tiền nhưng không có kế hoạch trả nợ.
“Tình trạng này đã xảy ra tại Nhật Bản vào những năm 1980. Một số hộ gia đình phải gánh nợ qua nhiều thế hệ khi khủng hoảng kinh tế và bong bóng bất động sản kéo dài hơn 15 năm”, nhà kinh tế cho biết.
Theo: Zing