Các nhà mốt xa xỉ trên thế giới như Burberry, Louis Vuitton… đang đối mặt với bài toán khó khi giải quyết lượng hàng tồn kho.
Theo The Star, trong thế giới xa xỉ, các nhà mốt thường lựa chọn tiêu hủy hàng tồn thay vì giảm giá sản phẩm để bán hết.
Julie El Ghouzzi, chuyên gia về hàng xa xỉ tại cơ quan tư vấn Cultz, nói việc giảm giá sản phẩm trong lĩnh vực hàng xa xỉ sẽ khiến sức hút của chúng giảm theo. Tuy nhiên, luật chống lãng phí được Pháp đưa ra hồi năm 2020 đã khiến các nhà mốt xa xỉ đau đầu hơn.
Không thể tiêu hủy
Nhiều hãng thời trang cao cấp có trụ sở chính tại Pháp. Điều này có nghĩa họ phải tuân thủ luật chống lãng phí do Tổng thống Emmanuel Macron ký hồi tháng 2/2020.
Trong luật có nêu rõ cấm tiêu hủy hàng tồn kho không phải là thực phẩm chưa bán được như quần áo, giày dép, sản phẩm làm đẹp, sách hoặc điện tử tiêu dùng. Các nhà sản xuất, nhà phân phối và cửa hàng có hàng tồn kho sẽ được yêu cầu quyên góp hoặc tái chế nó thay vì đốt hoặc đổ vào các bãi chôn lấp.
El Ghouzzi cũng nhấn mạnh bê bối năm 2018 của Burberry đã khiến việc tiêu hủy hàng tồn của các thương hiệu lớn bị chỉ trích dữ dội. Theo thông báo chính thức từ Burberry, thương hiệu xa xỉ của Anh đã đã tiêu hủy 20.000 món đồ, ước tính trị giá tới 38 triệu USD.
Sau khi nhận sự phản đối từ cộng đồng, nhà mốt này khẳng định không tái diễn tình trạng trên từ năm 2019.
“Vấn đề ở chỗ giảm giá hàng hóa chưa bao giờ là lựa chọn trong kinh doanh xa xỉ. Các thương hiệu cần duy trì địa vị thượng lưu của họ. Và giờ, những nhà mốt sang trọng đang thắt chặt quản lý kho hàng của mình cẩn thận hơn”, El Ghouzzi nói.
Thay đổi
Tập đoàn Kering sở hữu các nhãn hiệu Gucci, Saint Laurent và Balenciaga cùng những nhãn hiệu khác. Hiện nay, họ chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để quản lý tốt hơn nguồn hàng của mình.
Đối thủ cạnh tranh của Kering là LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior và Celine cũng đang thay đổi để phù hợp với xu thế chung. Helene Valade, Giám đốc phát triển Môi trường ở LVMH, nói: “Mô hình kinh doanh xa xỉ cần được điều chỉnh chặt chẽ dựa trên nhu cầu thực”.
Điều đó có nghĩa luật mới đang thúc đẩy các nhà mốt sang trọng tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng của họ. Qua đó, thương hiệu dự đoán tốt hơn lượng mua và giảm lượng tồn kho xuống mức tối thiểu.
El Ghouzzi cho biết Louis Vuitton đang làm khá tốt trong việc theo dõi nguồn hàng của mình.
“Họ biết chính xác những gì họ có trong kho và quản lý chúng đến từng milimet. Không phải nhà mốt nào cũng làm được điều này”, cô nói thêm.
Ngoài việc thay đổi cách quản lý nguồn hàng, các thương hiệu cũng có những giải pháp khác để xử lý hàng tồn. Thay vì bán cho khách hàng với giá rẻ, họ chọn để lại cho nhân viên với mức giá tốt.
Các tập đoàn thời trang lớn này đều có đội ngũ nhân viên đông đảo. Với LVMH là 150.000 nhân viên, Kering là 38.000 người. Trong khi đó, Hermès có tới 16.600 nhân sự.
Họ cũng dùng hàng tồn để tặng cho một số hiệp hội. Ví dụ LVMH thường tặng hàng tồn cho Cravate Solidaire. Đây là hiệp hội thu thập quyên góp quần áo và cung cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn đang cố gắng tìm việc làm.
Tái chế cao cấp
Thuật ngữ “upcycling” đang được nhiều nhà mốt danh giá quan tâm. Hiểu đơn giản, nó là cách nâng tầm đồ tái chế. Ví dụ, tái chế là tái sử dụng đồ cũ. Trong khi đó, “upcycling” biến những đồ bỏ đi, vô dụng thành vật liệu chất lượng, tốt cho môi trường.
Valade cho biết: “Trước đây, nhà thiết kế có một ý tưởng xuất sắc sẽ đi tìm kiếm nguyên liệu để hiện thực hóa ý tưởng của họ. Ngày nay, quá trình này đôi khi ngược lại. Một số nhà thiết kế bắt đầu với những vật liệu sẵn có – những bộ sưu tập cũ, những mảnh vải không dùng đến, những mảnh da còn sót lại – để tìm cảm hứng”.
Ví dụ trường hợp của nhà thiết kế người Mỹ quá cố Virgil Abloh, cố giám đốc nghệ thuật tại Louis Vuitton từ năm 2018 đến năm 2021 – khi ông qua đời.
Bộ sưu tập giày LV Trainer Upcycling 2021 của ông được làm lại từ chính những mẫu giày LV Trainer phiên bản Xuân – Hè 2019. Đây là cách Abloh thể hiện tham vọng biến đồ tái chế trở nên đẳng cấp hơn và bền vững hóa mặt hàng xa xỉ.
Nhà mốt Marc Jacobs ở New York (Mỹ) cũng hợp tác với Fabscrap, công ty tái chế vải không sử dụng, để tạo ra vật liệu cách nhiệt hoặc các sản phẩm khác. Marc Jacobs cũng đem tặng chúng cho sinh viên và nghệ sĩ để sử dụng trong các sáng tạo của họ.
Hay LVMH cũng có quan hệ đối tác với WeTurn – công ty thu thập quần áo và vật liệu không bán được – để tái chế thành chỉ và vải mới. Còn theo AFP, trong năm 2020, Hermès đã bán được 39.000 sản phẩm “nâng cấp”.