Trang chủ Bài viết HOT Một thế hệ không đi xin việc, tự mở công ty riêng

Một thế hệ không đi xin việc, tự mở công ty riêng

bởi admin

Muốn có quyền tự quyết và làm chủ, nhiều bạn trẻ đứng ra làm riêng ngay ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Họ gặp không ít khó khăn nhưng khẳng định mọi đánh đổi đều xứng đáng.

“Mình mở cửa hàng từ năm 3 đại học nên chưa từng đi xin việc ở đâu. Khi ấy, mình đã xác định là ra trường không đi làm bên ngoài”, Nguyễn Vân Anh (27 tuổi) chia sẻ.

Gia đình kinh doanh các mặt hàng về đá quý, từ nhỏ, Vân Anh đã phụ bố mẹ bán hàng. Năm nhất đại học, cô tập tành kinh doanh online, sau đó bán vòng tay phong thủy với số vốn 2 triệu đồng. Từ khách quen, cô lại được giới thiệu đến nhiều người hơn.

Sau 2 năm tích cóp, Vân Anh thuê cửa tiệm đầu tiên tại Hà Nội. Lúc đó, số tiền thuê 10 triệu đồng khiến cô đắn đo rất nhiều và quyết định đánh liều. Vân Anh cũng có sự đồng hành của anh trai từ những ngày đầu tiên.

Tương tự Vân Anh, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước không muốn đi xin việc sau khi ra trường hoặc xác định chỉ làm thuê một vài năm. Họ có nhiều lựa chọn hơn như làm tự do, mở công ty riêng, học đầu tư… xuất phát từ mong muốn tự làm chủ công việc của mình.

Không hối hận

“Lúc mở tiệm, mình chỉ có 2 người phụ. Sáng nào từ 7h, mình cũng quay cuồng tiếp khách, chụp ảnh, đăng bài, gói hàng… đến tối mịt mới được nghỉ ngơi. Nhiều lần, mình theo chân thợ khai thác đá đi lên núi, vất vả và nguy hiểm do địa hình hiểm trở”, Vân Anh nhớ lại.

Vân Anh cho biết việc kinh doanh khi ấy chỉ làm theo bản năng vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Khó khăn là vấn đề nhân sự khi cô chưa biết quản lý, tuyển dụng, hướng dẫn nhân viên ra sao.

nguoi tre khong thich di xin viec anh 2

Vân Anh không hối tiếc về quyết định tự kinh doanh riêng.

“Nhiều lúc khó khăn, mình cắn răng khóc vì thấy vất vả quá. Nhưng dù thế nào, mình luôn tin tưởng vào lựa chọn làm kinh doanh riêng vì có thể giúp được nhiều người hơn từ khách hàng cho tới nhân sự. Mình chưa bao giờ phân vân vì quyết định đó”, cô nói.

Vân Anh nói cô may mắn được khách hàng tin tưởng, ủng hộ lâu dài nên duy trì được cửa hàng và phát triển thêm vào TP.HCM, Đồng Nai. Trước dịch Covid-19, cửa hàng cô có 60 nhân viên, giờ cắt giảm còn khoảng 20 người.

Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính tại ĐH Deakin, Australia, Ngô Võ Minh Tú (21 tuổi, TP.HCM) trở về Việt Nam, làm tại một công ty chuyên sản xuất nhạc và TVC, đồng thời làm nhà sản xuất âm nhạc tự do vì vốn đam mê lĩnh vực này từ cấp 3.

Một thời gian sau, Tú nghỉ việc để mở studio riêng và làm thêm một số việc kinh doanh, đầu tư khác.

“Khoảng thời gian làm việc trước đó cho mình nhiều ý tưởng và định hướng, giúp hiểu rõ bản thân hơn”, anh nói với Zing.

Ngoài tiền tiết kiệm, Tú vay mượn bạn bè một ít làm vốn. Lập nghiệp ở độ tuổi trẻ, Tú cho biết thách thức đầu tiên chính là bản thân. Cậu phải vượt qua sự lười biếng cũng như rèn kỷ luật, thói quen làm việc.

“Hồi đầu, có những ngày mình tự cho bản thân nghỉ vì ‘thấy không khỏe’. Nhưng dần dần, mình cải thiện và xây dựng được lịch trình tối ưu hơn. Mặt khác, thi thoảng, mình hay đối mặt với sự cô đơn, khó chia sẻ với ai. Khi ra một số quyết định khó, liên quan tới chi phí vận hành chẳng hạn, mình dễ thấy bế tắc và căng thẳng. Tâm mình biến động nhiều”, Tú kể.

Ngoài tinh thần, Tú còn liên tục gặp thử thách về kiến thức, kỹ năng, ví dụ như khách hàng yêu cầu nhiều và khó hơn, hay việc trễ deadline do quản lý thời gian thực hiện dự án chưa tốt.

nguoi tre khong thich di xin viec anh 3

Tú dùng tiền tiết kiệm và vay mượn thêm bạn bè để mở studio riêng.

Đối mặt với nhiều thử thách cùng lúc, Tú kể có giai đoạn khoảng 2 tháng cậu cảm giác cơ thể kiệt sức.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Tú từng có chút hoài nghi rằng “Vì sao mình không phát triển sự nghiệp theo con đường truyền thống?”, một phần vì nghĩ tới gia đình và áp lực đồng trang lứa.

Sau đó, chàng trai dần vượt qua nhờ rèn tính kiên nhẫn và bình tĩnh.

“Trong nửa năm trở lại đây, mọi thứ dần ổn định và mình có chút dư dả. Nếu bản thân bỏ cuộc, mình không thể đi đến đây. Hiện, mình và các anh em có 4 phòng thu âm, sản xuất, mix nhạc và nhóm khách hàng đã mở rộng hơn. Ban đầu chỉ có 2 người trong studio nhưng hiện team mình tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu”, Tú chia sẻ.

Chấp nhận rủi ro, lương thấp

Nuôi mong muốn khởi nghiệp từ thời đại học, Nguyễn Đức Hiếu (24 tuổi, cựu du học sinh Phần Lan ngành Kinh doanh Quốc tế) tiến hành mở công ty truyền thông của mình vào năm 2019 với số vốn 50 triệu đồng tiền tiết kiệm.

Hiếu gọi 2 năm đi làm trợ lý trực tiếp cho các CEO/Founder ở các doanh nghiệp nhỏ sau khi về nước là bước đệm cho kế hoạch sau này.

“Tuy công việc tốt và lộ trình thăng tiến nhanh, các quy định về thời gian ở nơi làm việc khi đó không hợp với tính cách thích tự do của mình và việc không có quyền tự quyết cũng không phải điều mình mong muốn”, Hiếu nói.

Quyết định ra riêng dù đã tính toán kỹ nhưng vẫn có một phần liều lĩnh trong đó vì mất đi nguồn thu nhập ổn định và dấn thân vào lĩnh vực chưa có kinh nghiệm.

Lúc mới “chân ướt chân ráo”, Hiếu phải lên mạng xã hội chuyên về cộng đồng doanh nghiệp để liên hệ, đi tham gia sự kiện rồi chào hỏi, kết nối với từng người. Sau khoảng 1 tháng, team có hợp đồng đầu tiên, đến từ khách hàng nước ngoài.

nguoi tre khong thich di xin viec anh 4

Đức Hiếu đánh giá việc ra kinh doanh riêng đem lại cho anh những trải nghiệm mà đi làm thuê khó thể có.

“Cảm xúc khi đó vui lắm vì nó thể hiện sự tin tưởng dành cho mình. Nhớ lại, mình vẫn rất trân trọng khởi đầu đó vì ‘job’ đó đem về hoàn toàn bằng công sức bản thân, không phải dựa vào mối quan hệ quen biết từ trước”.

Theo Hiếu, việc tự đứng ra làm chủ ở độ tuổi ngoài 20 có cả lợi thế và hạn chế riêng.

“Khi còn trẻ và trách nhiệm ràng buộc chưa nhiều, mình sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn và mức thu nhập thấp hơn. Điều này rất quan trọng ở bước đầu khởi nghiệp vì mình cần chấp nhận lùi lại để gây dựng cho công ty. Ngoài ra, tốc độ, sự quyết đoán cộng với khả năng học hỏi lúc này là điểm mạnh.

Còn về hạn chế, mình chưa có nhiều mối quan hệ để tạo dựng mạng lưới đối tác, nhân viên và thiếu sự tin tưởng trên thị trường vì còn mới”.

Ở vị trí đứng đầu, Hiếu từng gặp áp lực lớn vì phải lo cho nhiều người, cộng với sự hoài nghi lẫn chán nản khi hoạt động kinh doanh gặp trở ngại, như lần đầu tư thêm khoảng 100 triệu đồng mở rộng quy mô nhưng sai hướng và vướng dịch nên thất bại.

“Giờ, cảm giác ấy vẫn còn nhưng mình đã học cách kiểm soát tốt hơn. Ngày xưa, mình cũng có thể chịu phần thiệt để dự án về tay nhưng giờ độ cẩn trọng, khả năng phân tích đã tốt hơn. Mình thoải mái khi nói ‘không’ với một số cơ hội”, anh chia sẻ.

Sau 2 năm công ty đầu tiên đi vào guồng vận hành ổn định, Hiếu tham gia thêm vào team sáng lập một start-up mới trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Đến giờ, Hiếu đánh giá quyết định khởi nghiệp của bản thân là đúng đắn, không hối hận vì có thêm những bài học mà “nếu đi làm thuê có lẽ không bao giờ có”.

Ngoài ra, Hiếu cho hay vẫn thỉnh thoảng đi phỏng vấn ở các bên khác để làm dày network và có thêm thông tin thị trường.

“Cá nhân mình không coi chuyện quay lại làm thuê là thất bại. Với kinh nghiệm trong 2 năm qua, hoàn toàn không khó để mình có được công việc mong muốn nếu đi xin việc lại. Mình giữ tâm thế thoải mái và coi đó là một đường lui nếu sau này dừng tự kinh doanh”, anh bày tỏ.

Trưởng thành là thành công lớn nhất

Giống Đức Hiếu, hồi tháng 3, Trịnh Hồng Thủy (24 tuổi, tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cùng một người bạn khác mở công ty truyền thông sau gần 2 năm ra trường.

“Nhảy việc qua 5 chỗ và chưa tìm thấy công việc phù hợp với định hướng cá nhân nên mình lựa chọn thay đổi”, Thủy kể lại.

Từ một nhân viên văn phòng “làm công ăn lương” chuyển sang quản lý, tự “đứng mũi chịu sào”, cô không tránh khỏi một loạt bỡ ngỡ.

nguoi tre khong thich di xin viec anh 5

Đến nay, start-up của Hồng Thủy đã chạy được 9 tháng.

“Trước kia, mình có khối lượng công việc được giao và chỉ cần hoàn thành là xong nhiệm vụ. Nhưng giờ thì mình phải biết nghĩ ra việc mà làm, cân đo đong đếm sao cho phân chia công việc và triển khai hiệu quả nhất có thể. Mình cũng không thể chỉ nghĩ đến mỗi lợi ích của bản thân như trước, mà phải đặt mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho các cộng sự và những người hợp tác cùng nữa”, cô nói.

Công ty mới hoạt động, mọi thứ đều cần cân nhắc kỹ, “nâng lên đặt xuống” rồi mới đi đến quyết định cuối. Chuyện đau đầu vì suy nghĩ nhiều diễn ra thường xuyên.

Tuy nhiên, cô cho rằng việc tự mở công ty ngay ở thời kỳ đầu của sự nghiệp cũng có điểm mạnh, vì có sự đồng điệu, dễ hiểu nhu cầu, mong muốn hay vướng mắc của các bạn trẻ khi làm việc cùng nhau.

“Start-up mới mở, lại vướng dịch bệnh nên chắc chắn không thể suôn sẻ như ý mình. May mắn, công ty chuyển đổi sang làm online cũng không gặp nhiều vấn đề. Dù khối lượng công việc chưa đều và bị giảm bớt, cả đội vẫn đủ khả năng xoay xở đến hiện tại”, cô nói thêm.

Sau khoảng gần 1 năm “ra riêng”, Thủy cho hay cô thấy bản thân học được thêm nhiều điều nhỏ nhặt nhưng có giá trị, như cách giao tiếp, bộc lộ ý kiến một cách khéo léo mà thẳng thắn.

“Trải nghiệm trong thời gian qua chưa dài nhưng đủ để mình thấy bản thân đã trưởng thành thêm. Đối với mình, vậy là thành công rồi”.

Theo: Zing

Có thể bạn sẽ thích