Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 14/11 nêu bật các biến chứng của căn bệnh mạn tính.
Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe lan rộng và tiếp tục gây ảnh hưởng đến mọi người trên toàn cầu. Đây là tình trạng khi lượng đường hoặc glucose trong máu cao quá mức, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác như suy thận và đột quỵ. Với căn bệnh đáng sợ này, điều quan trọng là tạo ra nhận thức về nó.
Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 14/11 để nêu bật các biến chứng của căn bệnh này. Ngày này do Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế đề xuất vào năm 1991 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và trở thành Ngày chính thức của Liên hợp quốc vào năm 2006.
Nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường, bạn bắt buộc phải kiểm tra thói quen ăn uống của mình, phải biết cách quản lý lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol.
Dưới đây là một số thực phẩm có lợi mà người có bệnh tiểu đường nên đưa vào chế độ ăn uống của mình:
Trái cây có múi
Các loại trái cây có múi như cam và chanh được biết đến nhiều nhất với sự tươi mát và vị chua. Chúng thường được sử dụng để thêm hương vị cho nhiều món ăn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tiêu thụ chúng.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, trái cây họ cam quýt có chứa chất xơ lành mạnh cùng với kali và folate có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường.
Sữa chua
Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên đưa sữa chua vào chế độ ăn uống của mình. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard (HSPH) của Mỹ đã phát hiện ra rằng tiêu thụ sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, sữa chua rất giàu canxi và protein và có thể cải thiện sức khỏe tổng thể.
Hạt chia
Hạt Chia được coi là một siêu thực phẩm giúp giảm cân hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng hạt chia cũng có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường. Chúng chứa chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, magiê và chất xơ. Những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng liên quan đến bệnh.
Các loại hạt
Hãy thường xuyên thưởng thức các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó…. Những thực phẩm này rất giàu axit béo omega-3 và có chỉ số đường huyết thấp. Ngoài ra, các đặc tính khác của các loại hạt là giúp giảm viêm do tiểu đường, lượng đường trong máu và mức LDL. Vì vậy, hãy tiêu thụ khoảng 30 gr các loại hạt mỗi ngày.
Các loại ngũ cốc
Nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường, bạn phải cố gắng bổ sung ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch và yến mạch vào chế độ ăn uống của mình.
Loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, có thể hạn chế lượng đường trong máu tăng đột biến.
Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt cũng giàu Vitamin B, sắt và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể.
Việc tiêu thụ những thực phẩm trên hàng ngày, kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường.
Theo: SKĐS