Trang chủ CÔNG NGHỆ Người giàu và biến đổi khí hậu

Người giàu và biến đổi khí hậu

bởi admin

Một số chuyên gia cho rằng, những người giàu có thể đóng góp hiệu quả để góp phần hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu.

Bạn càng sở hữu nhiều tài sản và càng đi du lịch nhiều, thì càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch và càng thải ra nhiều khí nhà kính vào khí quyển. Đi khắp nơi, mua hàng xa xỉ, giữ ấm lâu đài, và lái siêu xe – tất cả đều thải ra khí carbon.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính rằng lượng khí thải carbon trung bình của một người thuộc nhóm 1% giàu nhất thế giới có thể gấp 175 lần so với một người thuộc nhóm 10% nghèo nhất. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Nhưng theo một số chuyên gia, những người giàu có thể tham gia đóng góp tích cực hơn trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Dưới đây là cách họ có thể tạo ra sự khác biệt.

Chi tiêu khôn ngoan

Quyết định mua sắm của người giàu có ý nghĩa hơn nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu so với quyết định của hầu hết mọi người.

Nhà nghiên cứu Ilona Otto và các đồng nghiệp của bà tại Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng của khí hậu Potsdam (Đức) ước tính, một gia đình “siêu giàu” gồm hai người (mà họ định nghĩa là có tài sản ròng hơn 1 triệu USD) có lượng khí thải carbon là 129 tấn CO2/năm, nghĩa là mỗi người thải ra khoảng 65 tấn CO2/năm, gấp hơn 10 lần mức trung bình toàn cầu.

Bà Otto lưu ý rằng, vì số lượng mẫu trong nghiên cứu nhỏ nên các con số chỉ mang tính tương đối. Bà nói: “Có lẽ ước tính của chúng tôi còn thấp hơn mức phát thải thực sự của các triệu phú”.

“Về việc lựa chọn lối sống của chính họ, người giàu có thể thay đổi rất nhiều. Ví dụ, đặt các tấm pin Mặt trời trên mái nhà. Họ cũng có thể mua ô tô điện và tốt nhất là nên hạn chế sử dụng máy bay”, bà Otto nhận định.

Theo nghiên cứu, các cặp đôi siêu giàu chủ yếu di chuyển bằng đường hàng không.

Cũng như lựa chọn tiêu tiền vào việc gì, người giàu có thể chọn đầu tư vào những ngành nào. Oxfam cho biết, quy mô tài sản của các tỷ phú kinh doanh trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đã mở rộng từ 200 tỷ USD năm 2010 lên hơn 300 tỷ USD vài năm gần đây.

Nhưng hiện nay có một xu hướng đang nổi lên là các nhà đầu tư giàu có bán cổ phần của họ, thoái vốn khỏi các ngành gây hại cho khí hậu.

Hơn 1.100 tổ chức và 59.000 cá nhân, với tổng tài sản 8,8 nghìn tỷ USD, đã cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch thông qua phong trào trực tuyến DivestInvest.

Trong số đó, có nam diễn viên Hollywood Leonardo DiCaprio, cùng một nhóm 22 cá nhân giàu có ở Hà Lan, những người đã cam kết rút cổ phần của họ khỏi 200 công ty dầu khí và than đá.

Bà Otto nói: “Họ không đầu tư vào than, dầu và khí đốt, cũng như vào một số công ty sản xuất ô tô thông thường hoặc hàng không. Nếu một số nhà đầu tư thoái vốn, các nhà đầu tư khác sẽ không đầu tư vào các tài sản nhiên liệu hóa thạch đó vì họ cũng sợ mất tiền”.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Tài sản là quyền lực

Những người giàu không chỉ là những người ra quyết định kinh tế, họ còn có thể có ảnh hưởng về mặt chính trị. Họ có thể tài trợ cho các đảng phái và chiến dịch chính trị và có quyền tiếp cận các nhà lập pháp.

Bà Otto cho rằng, những người giàu có thể sử dụng quyền lực chính trị của họ để thúc đẩy những thay đổi tích cực đối với chính sách khí hậu.

Theo bà Otto, những người giàu có khả năng tác động đến những người làm chính sách để góp phần chống biến đổi khí hậu. Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng của khí hậu Potsdam cho rằng: “Có nhiều nghiên cứu về người nghèo, tác động của biến đổi khí hậu đối với người nghèo, các mục tiêu phát triển bền vững… Nhưng khi nói đến những hành động và những thay đổi mang tính bền vững thì người nghèo không thể làm gì, vì họ còn chật vật lo mưu sinh. Nhưng những người giàu và siêu giàu thì hoàn toàn khác. Họ có tiền và nguồn lực để hành động, và họ còn có cả mạng xã hội”.

Nhà nghiên cứu Stephanie Moser (Đại học Bern, Thụy Sỹ) cho biết: “Chúng ta phải tìm kiếm những cách thức mới để hưởng thụ cuộc sống giàu có mà không phụ thuộc vào của cải vật chất. Chúng ta phải xác định lại sự giàu có trong xã hội, sao cho cuộc sống tốt đẹp mà không phát thải nhiều khí nhà kính”.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra từ ngày 1-12/11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng: Các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho các nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu.

Các nhà quan sát đánh giá, Hiệp ước khí hậu Glasgow là một chiến thắng với việc lần đầu tiên một thỏa thuận của Liên hợp quốc đã đề cập rõ ràng tới than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Theo: Baoquocte

Có thể bạn sẽ thích