Khi các biện pháp trừng phạt khiến việc chuyển tiền trở nên khó khăn, doanh số bán hàng của thương hiệu Bvlgari (chuyên về trang sức và đồng hồ cao cấp) từ các đại lý ở Nga tăng cao trong mấy ngày qua.

Giám đốc điều hành Bvlgari Jean-Christophe Babin nhận thấy: “Trong ngắn hạn, điều này có thể thúc đẩy công việc làm ăn của chúng tôi”. Hiện tại, mua trang sức của Bvlgari được cho là “đầu tư an toàn”.

Trong khi các thương hiệu hàng tiêu dùng như Apple và Nike đến những tập đoàn năng lượng như BP, Shell và ExxonMobil rút khỏi Nga, một số thương hiệu hàng xa xỉ lớn nhất châu Âu đến nay vẫn cố gắng bám trụ ở thị trường này.

Nhà giàu Nga giữ của bằng cách nào giữa chiến sự với Ukraine? - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại cửa hàng sang trọng ở Moscow .Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Thương hiệu trang sức cao cấp Bvlgari của Tập đoàn LVMH không hề đơn độc. Thương hiệu Cartier của tập đoàn Richemont vẫn tiếp tục bán trang sức và đồng hồ. Ngoài ra, đồng hồ Omega của Swatch Group và Rolex vẫn được bày bán nhiều ở Nga.

Ông Babin nhấn mạnh: “Chúng tôi ở đây vì người dân Nga, không phải vì chính trị. Chúng tôi làm ăn ở nhiều nước khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn bất ổn và căng thẳng”.

Giống như vàng thì đồng hồ cao cấp và trang sức cũng có thể đóng vai trò tích trữ tài sản trong giai đoạn lạm phát. Theo trang Bloomberg, giá đồng hồ cao cấp và trang sức thậm chí tăng thêm khi kinh tế bất ổn do chiến tranh và xung đột. Những chiếc đồng hồ được yêu thích có thể mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường thứ cấp với giá cao gấp 3-4 lần ban đầu.

Tuy nhiên, tác động của chiến dịch quân sự do Nga tiến hành ở Ukraine ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của các mặt hàng xa xỉ. Nhà phân tích Luca Sola của Công ty nghiên cứu đầu tư Sanford C. Bernstein chia sẻ trong email gửi Bloomberg: “Đúng là các thương hiệu cao cấp có thể quyết định không phục vụ thị trường Nga. Tuy nhiên, họ có thể chịu thiệt hại”.

Doanh số bán hàng ở thị trường Nga và cho người Nga ở nước ngoài chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu của LVMH và Swatch Group, và gần 3% của Richemont, theo báo cáo tuần này của ngân hàng Morgan Stanley.

Điều đó một phần do khoảng cách thu nhập ở Nga. Trừ số lượng nhỏ tỉ phú, người dân ở thủ đô Moscow có thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 113.000 rúp (1.350 USD). Con số này tại vùng nông thôn thấp hơn nhiều.

Sức ép lên các thương hiệu lớn ngày càng tăng. Dù có tăng doanh thu, các nhà sản xuất đồng hồ, đồ trang sức cao cấp đều có thể sớm gặp khó khăn trong việc bổ sung lại nguồn hàng cho các cửa hàng. Nga đã đóng cửa không phận với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các công ty logistics lớn nhất của châu Âu đã tạm dừng các chuyến hàng đến Nga. Burberry Group cho biết ngưng giao hàng sang Nga để chờ thêm thông tin.

Theo: nld