Trang chủ TIN TỨCThế giới Nhật Bản thay đổi văn hóa làm việc ‘quần quật’ vì dịch COVID

Nhật Bản thay đổi văn hóa làm việc ‘quần quật’ vì dịch COVID

bởi admin

Dịch COVID-19 đang khiến các công ty Nhật Bản phải thay đổi văn hóa làm việc, với những giải pháp như làm việc từ xa, thời gian linh hoạt. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy cải cách văn hóa làm việc “quần quật” ở nước này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật kêu gọi các trường học trên toàn quốc đóng cửa đề phòng virus SARS-CoV-2 lây lan. Ảnh: Japan Times

Các công ty Nhật Bản đang phải vội vã sắp xếp phương án hoạt động và lịch làm việc cho các bậc cha mẹ sau khi các trường học trên toàn quốc bắt đầu đóng cửa từ ngày 2/3 để phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).

Ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi các trường học trên khắp Nhật Bản tiếp tục đóng cửa cho đến khi bắt đầu học kỳ mới vào tháng 4 để giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Tại một đất nước nổi tiếng có thời gian làm việc kéo dài, việc đóng cửa trường học đồng nghĩa đã tước đi của nhiều gia đình các dịch vụ chăm sóc trẻ em rất cần thiết.

Linh hoạt mùa dịch

Trước tình hình mới, các công ty Nhật đã phải áp dụng một số biện pháp, bao gồm rút ngắn thời gian làm việc, cho phép làm việc từ xa và thời gian làm việc linh hoạt. Đây cũng chính là những biện pháp mà chính phủ đã cố gắng thúc đẩy trong nhiều năm qua để hiện đại hóa văn hóa làm việc của đất nước cũng như giải quyết các vấn đề như tình trạng tử vong quan đến áp lực công việc.

Chú thích ảnh
Một nhân viên kinh doanh ngủ vật ra hè phố vì quá mệt. Ảnh: Business Insider

Câu hỏi là liệu những thay đổi này có duy trì được sau khi cuộc khủng hoảng đã qua.

Life Corp, chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản, mới đây thông báo rút ngắn thời gian hoạt động tại toàn bộ 280 cửa hàng. Bắt đầu từ ngày 2/3, các siêu thị Life Corp sẽ mở cửa vào lúc 10 giờ sáng thay vì 9 giờ sáng như trước, 86 cơ sở dự kiến đóng cửa sớm hơn 1 hoặc 2 giờ so với lúc 21h30 thông thường.

Hệ thống siêu thị Life vốn tuyển dụng nhiều phụ nữ làm việc bán thời gian, những người vừa đi làm vừa phải lo chăm sóc con cái. Vì thế việc đóng cửa trường học dự kiến gây thiếu hụt nhân sự, một quan chức của Life Corp cho biết. Tình trạng thiếu lao động là một vấn đề kinh niên ở Nhật Bản và virus Corona chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Ngành nhà hàng và bán lẻ phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động bán thời gian. Zensho Holdings, công ty vận hành chuỗi nhà hàng thịt bò Sukiya, sẽ cắt giảm nhiều giờ làm việc, thậm chí đóng cửa một số địa điểm nhất định, bên cạnh giải pháp hợp lý hóa thực đơn trong mùa dịch.

Trong khi đó, chuỗi Cửa hàng bách hóa Odakyu sẽ đóng cửa các địa điểm ở Tokyo và Machida từ  19h30 hàng ngày từ ngày 2/3 đến 22/3. Thông thường, một số cửa hàng của Odakyu mở cửa đến tận 22h30.

Chú thích ảnh
Cửa hàng bách hóa Odakyu ở Tokyo. Ảnh: Tripadvisor

Cửa hàng bách hóa Tokyu sẽ rút ngắn thời gian mở cửa tại bốn địa điểm cho đến muộn nhất là ngày 18/3. Các cửa hàng bách hóa Hankyu Hanshin cũng sẽ rút ngắn thời gian hoạt động từ 1-3 giờ cho đến ngày 17/3. Nhà bán lẻ điện tử K’s Holdings sẽ giảm 1-2 giờ mở cửa so với lịch thông thường tại một nửa trong số 500 cửa hàng trên khắp Nhật Bản.

Còn Nikkei, một công ty đồ uống lớn, đã khuyến khích 1.500 nhân viên trong nước, bao gồm cả những người giao hàng và hậu cần, nên làm việc tại nhà từ ngày 2 đến 13/3. Người phát ngôn của công ty cho biết ông đang ngồi ở nhà tham dự một cuộc họp qua video.

Thay đổi văn hóa làm việc Nhật Bản

Theo trang Nikkei Asian Reviews, trong khi các công ty tìm mọi cách để thích nghi với quyết định đóng cửa trường học, nhiều chuyên gia đã nhận thấy cơ hội cải thiện điều kiện cho các lao động nữ làm mẹ và thúc đẩy hơn nữa chương trình cải cách văn hóa làm việc mà chính phủ phát động từ trước.

Ông Yasuyuki Tokukura, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy cải cách phong cách làm việc tại Nhật Bản, cho biết: “Việc đóng cửa trường học trên toàn quốc sẽ giúp phụ huynh có cơ hội suy nghĩ về việc nghỉ làm thay vì chỉ chăm chăm ở lại văn phòng làm càng nhiều càng tốt”.

Chú thích ảnh
Nhân viên văn phòng Nhật Bản chợp mắt chốc lát buổi trưa ngay tại cabin làm việc. Ảnh: Japan Times

Năm 2018, chính phủ của Thủ tướng Abe ban hành luật cải cách công việc – yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo nhân viên của họ được nghỉ có lương, đồng thời đặt ra giới hạn về thời gian làm thêm và bảo vệ nhiều hơn cho các nhân viên không thường xuyên thông qua điều khoản “trả lương công bằng cho công việc tương đương”.

Vào tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, được cho là một ngôi sao chính trị đang lên, trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Lao động, đã trở thành nam bộ trưởng Nhật Bản đầu tiên được nghỉ thai sản sau khi vợ ông sinh con đầu lòng.

Sửa đổi văn hóa làm việc của Nhật Bản là một chủ đề ‘nóng” từ lâu, nhưng tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của đất nước đang khiến các doanh nghiệp thay đổi. Chẳng hạn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Seven-Eleven Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi hoạt động 24/7, cho phép người được nhượng quyền lựa chọn đóng cửa các cửa hàng vào đêm khuya và sáng sớm.

Tình trạng bão và thiên tai khác xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây cũng đã khuyến khích một số doanh nghiệp áp dụng cách làm việc từ xa nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Nhiều công ty Nhật Bản cho phép nhân viên làm việc từ xa.

Làm việc từ xa cũng đang được quảng bá như một cách để giảm tắc nghẽn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic mùa Hè Tokyo sắp tới. Tháng 7 năm ngoái, Chính quyền thủ đô Tokyo đã phát động một chiến dịch yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện teleworking như một màn chạy thử cho Thế vận hội mùa Hè. Ước tính hơn 600.000 người lao động đã tham gia vào chiến dịch.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã coi làm việc từ xa là một ưu tiên trong kế hoạch tầm nhìn của bà về thành phố được công bố năm ngoái.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi làm việc từ xa để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ảnh: Japan Today

Tuy nhiên cho đến nay, tiến trình áp dụng một phong cách làm việc linh hoạt hơn vẫn còn hạn chế. Mùa Hè năm ngoái, số lượng hành khách trên phương tiện giao thông công cộng chỉ giảm 4,3% tại Tokyo trong chiến dịch giảm đi lại.

Việc đóng cửa trường học có thể cải thiện tình hình bằng cách buộc nhiều công ty tham gia vào nỗ lực cải cách của chính phủ, mặc dù những gì phù hợp với Tokyo có thể không hiệu quả ở những nơi khác. Trong khi đó các nhà sản xuất đã phản ứng thờ ơ hơn với sáng kiến của Thủ tướng Abe, cho rằng nó không phù hợp với các ngành công nghiệp phi dịch vụ như của họ.

Thành phố Ota ở tỉnh Gunma, phía Bắc Tokyo, đã quyết định không đóng cửa các trường tiểu học. Đây là nơi đặt nhiều nhà máy, bao gồm cả những nhà máy của hãng sản xuất ô tô Subaru. “Mọi người phàn nàn rằng họ không thể nghỉ làm,” Takahashi Yoshiya, người phụ trách giáo dục trường học ở Ota nói. “Mô hình của Tokyo cho teleworking có lẽ không phù hợp với phần còn lại của Nhật Bản”, ông nhận xét.

Theo: Baotintuc

Có thể bạn sẽ thích