So với những thế hệ trước, các nhân viên Gen Z có nhiều khác biệt về phong cách, tư tưởng, suy nghĩ và không ngần ngại thể hiện quan điểm bản thân.
Là người thuộc thế hệ Millennials, thường xuyên truy cập các nền tảng video, Jessica Fain (34 tuổi, giám đốc sản phẩm tại công ty công nghệ) biết những chiếc quần jeans bó sát đang trên đà “tuyệt chủng”.
Tuy nhiên, khi nghe rằng đến những biểu tượng cảm xúc trên mạng xã hội mà cô yêu thích, ví dụ như biểu tượng “cười ra nước mắt”, cũng đang bị xem là lỗi thời, Fain quyết định tìm hiểu nguyên nhân từ những đồng nghiệp cấp dưới, theo New York Times.
“Đúng vậy, tôi chỉ dùng biểu tượng cảm xúc này khi làm việc cho chuyên nghiệp thôi”, một nhân viên trẻ tuổi nói với Fain.
Không thể phủ nhận rằng sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra, các nhóm nhân viên mới đang định hình lại những tiêu chuẩn và phong cách ở nơi làm việc. Họ cũng không ngần ngại đặt câu hỏi về mọi thứ, từ cách làm việc cổ hủ của những quản lý lớn tuổi hơn đến quan điểm về công việc.
Khác biệt
Tại một doanh nghiệp bán lẻ ở New York, nhiều nhà quản lý đau đầu khi gặp những nhân viên trẻ muốn được nghỉ có lương khi mắc chứng lo âu hoặc bị đau bụng kinh.
Ở doanh nghiệp khác, một nhân viên Gen Z đặt câu hỏi tại sao cấp trên mong đợi cô làm việc tiêu chuẩn một ngày 8 tiếng trong khi cô có thể hoàn thành nhiệm vụ trong buổi chiều.
“Những người trẻ này đang giải quyết các vấn đề, họ kiểu như: ‘Này mọi người, hóa ra chúng ta không cần làm đúng như những gì mấy người già này bảo. Thực ra chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và thành công’. Còn mấy người già chúng tôi kiểu: ‘Chuyện gì đang xảy ra vậy?'”, Colin Guinn (41 tuổi), đồng sáng lập công ty Hangar Technology, nói.
Trong khi nhiều người ở độ tuổi 20 thấy khó chịu với những xu hướng đã cũ của nhóm người lớn tuổi hơn, không ít người trẻ táo bạo đang bắt đầu định hướng thị hiếu. Một số thành viên Gen Z, được định nghĩa là những người sinh từ năm 1997 đến 2012, nhanh chóng khẳng định điều này.
Ziad Ahmed (22 tuổi), nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty marketing JUV Consulting, nhớ lại lần phát biểu ở một hội nghị. Khi đó, một cô gái Gen Z đang là nhân viên cấp thấp nói với anh rằng cô không đồng tình cách làm việc của cấp trên.
“Anh có lời khuyên nào cho công ty chúng tôi không”, cô gái hỏi.
“Bạn hãy trở thành phó chủ tịch, thay vì chỉ là một thực tập sinh”, Ahmed đáp.
Gen Z không ngần ngại
Millennials cho thấy một thế hệ người lao động bước vào môi trường làm việc trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, luôn cảm thấy may mắn khi có được bất kỳ công việc nào. Trong khi đó, Gen Z bắt đầu sự nghiệp ở một cuộc khủng hoảng mới: Covid-19, ảnh hưởng đến giờ giấc, địa điểm và cách mọi người làm việc.
Hiện nay, sự mâu thuẫn giữa các thế hệ đặc biệt rõ ràng, nhất là trong những công ty điều hành bởi Millennials và hướng đến phục vụ nhóm này.
Khi tuyển dụng nhân viên Gen Z, Gabe Kennedy (30 tuổi), người sáng lập thương hiệu thực phẩm bổ sung Plant People, nhận thấy một số người không chấp nhận thói quen làm việc cứng nhắc, vốn quen thuộc với nhóm 10 nhân viên hầu hết thuộc thế hệ Millennials của anh.
Kennedy và người đồng sáng lập công ty đã quen với việc làm đến khuya ở văn phòng, phân tích phản hồi của khách hàng và cùng ăn đêm. Các nhân viên ở nhóm trẻ nhất trong công ty thì thích tự sắp xếp giờ làm việc của mình.
Trong buổi phỏng vấn vị trí nhân viên toàn thời gian, một ứng viên Gen Z từng hỏi Kennedy liệu cô có thể nghỉ ngơi một ngày sau khi hoàn thành việc được giao hay không. Anh đã trả lời rằng với vị trí làm việc này, cấp trên mong đợi cô sẽ làm việc 9h đến 17h.
Trước đây, Ali Kriegsman (30 tuổi), đồng sáng lập công ty Bulletin, không chắc nên phản hồi ra sao khi các nữ nhân viên Gen Z khăng khăng muốn nghỉ phép vài ngày vì bị đau bụng kinh hay gặp vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Hôm nay tôi thấy tinh thần không tốt lắm, tôi sẽ không đi làm”, tin nhắn gửi đến Kriegsman.
Theo bản năng, Kriegsman muốn tán dương ý thức bảo vệ sức khỏe đó song chính cô cũng biết rằng thời gian nghỉ được trả lương của họ có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty.
“Là người quản lý, đôi lúc tôi cũng muốn hoãn lại công việc khi kỳ kinh nguyệt tới gây khó chịu. Tuy nhiên, ở vị trí của mình, tôi phải vượt qua điều đó”.
Các nhà quản lý như Kriegsman hiểu rõ xu hướng Gen Z bảo vệ sức khỏe của mình, cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống song một số vẫn bị bối rối khi những mong muốn đó được thể hiện quá thẳng thắn. Nói cách khác, họ không quen với hình ảnh thứ bậc trong môi trường làm việc không được tuân theo.
Đổi mới văn hóa nơi công sở
Nhiều nhà quản lý cảm thấy việc bỏ qua khoảng cách giữa những người trẻ và nhóm nhiều tuổi hơn không phải là một lựa chọn, muốn hay không. Nó định hình lại việc tuyển dụng, hoạt động tiếp thị hay thậm chí là cách các công ty phản hồi trước những vấn đề xã hội.
Rodriguez là một trong số nhiều nhà quản lý cho rằng các nhân viên Gen Z là những người đầu tiên và lớn tiếng nhất trong việc thúc giục các doanh nghiệp thể hiện sự ủng hộ với các cuộc biểu tình sau vụ việc của George Floyd.
Đối với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, điều này còn khiến họ cân nhắc đưa ra các điều chỉnh sau nhiều thập kỷ, khi các doanh nghiệp hầu như im lặng trước sự bất bình đẳng chủng tộc ở cả trong và ngoài văn phòng, dù một số vẫn phải xoay xở để cân bằng nhu cầu thể hiện quan điểm chính trị của nhân viên với hình ảnh công ty.
Tại nhiều doanh nghiệp, nhân viên Gen Z cũng hỗ trợ thúc đẩy văn hóa nội bộ, giúp mọi người gắn kết hơn. Emily Fletcher (42 tuổi), điều hành trung tâm thiền Ziva Meditation, cho biết văn hóa công ty cô đã thoải mái hơn kể từ khi nhân viên già nhất, 48 tuổi, nghỉ việc.
“Giờ thì mọi người thoải mái thể hiện bản thân hơn, có thể ‘dị’ một chút cũng được”.
Theo: Zing