Niềm tin như một trụ cột tinh thần, một ngọn đuốc soi đường, cổ vũ cho mỗi chúng ta hành động, biến ước mơ thành hiện thực. Mất đi niềm tin trong cuộc sống, con người ta dễ lâm vào cảm giác chông chênh, chán nản, mất đi mục đích sống cũng như động lực để hành động. Tuy vậy, niềm tin cũng cần phải đặt đúng chỗ, đúng cách, nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho bản thân cũng như cho xã hội. Ví như đó là sự cả tin.
Sự cả tin được hiểu là khi chúng ta đặt hết niềm tin vào một đối tượng nào đó mà không cần suy xét, phân tích đến sự đúng sai. Nói đúng hơn đó là một sự tin tưởng tuyệt đối, vô điều kiện. Sự cả tin được xây dựng chủ yếu dựa trên nền tảng tinh thần từ những ước vọng, mong muốn mang tính chất thuần túy, ít có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Bởi vậy, suy cho cùng: cả tin cũng chính là mê tín.
Dù trong xã hội hiện tại, con người đã tiến đến một bước tiến văn minh mới về khoa học, kỹ thuật, thậm chí có những sáng tạo, phát minh vượt bậc về công nghệ thế nhưng vẫn còn tồn tại đầy rẫy những hình thức mê tín, cả tin. Đó có thể đơn giản như các hình thức kiêng cữ: kiêng đàn bà có chửa xông đất đầu năm hoặc dự cỗ ma, cỗ cưới; kiêng khởi đầu một việc gì đó vào ngày 13 hoặc các ngày lẻ; kiêng mèo tự nhiên vào nhà; kiêng tặng mực đầu năm,…
Đó có thể phổ biến như các hình thức xem tướng số, bói toán: bói dáng người, bói chỉ tay, bói chân gà, bói chữ viết, bói chữ ký, bói bài, gieo lá số tử vi… Các hình thức chữa bệnh bằng ma thuật thịnh hành ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa: trừ tà ma, đồng bóng, thư yểm bùa… Hay các hình thức lễ bái, cúng tế, cầu xin vào những dịp lễ tết, hội hè, đình đám: cúng cô hồn, vong linh; cúng sao giải hạn; cầu tài lộc; cầu tự; cầu tình duyên, gia đạo; xin xăm, số đề; những hành vi hiến tế, dày vò thể xác…
Từ khi còn nhỏ, bên cạnh những câu chuyện cổ tích thần kỳ với những phép nhiệm mầu của tiên, bụt, tôi còn được nghe người lớn kể và cả sự rỉ tai, thậm thụt của đám bạn trong làng về những câu chuyện ma quái. Và rồi suốt một thời tuổi thơ tôi dưới lũy tre làng rợp bóng, tôi đã đinh ninh rằng có thần cây đa ma cây gạo, rằng đi đêm sẽ có ngày gặp ma, rằng làm điều ác thì khi chết sẽ bị đày xuống mười tám tầng địa ngục…
Lớn lên, tôi biết nhiều người mỗi lúc gặp rủi ro hay thất bại, họ lại cho rằng: đó cũng là cái số. Và rồi chỉ nên cam chịu, chấp nhận, bởi có cố gắng vùng vẫy cũng không thoát khỏi cái số tiền định đó. Học đại học rồi ra đi làm, tôi lại chứng kiến ngay cả những sinh viên, viên chức, nhiều người vẫn thường xuyên đi xem bói hay cầu khấn.
Điều đó cho thấy sự cả tin có thể đến với bất kỳ ai. Sự cả tin, nếu không có ý thức cảnh giác, nó sẽ có khả năng thâm nhập, lan truyền rất nhanh, dần dần trở thành ý thức, kiểu tư duy, quan niệm cố hữu ăn sâu vào máu thịt của mỗi người và không dễ gì thay đổi được.
Bàn về nguyên nhân khiến con người ta có thể cả tin đến mức mê muội, mất hết cả lý trí, một người bạn của tôi cho rằng, điều đó xuất phát từ những rủi ro, bất trắc, nhất là những chuyện đau buồn, thất bại liên tiếp xảy ra đối với con người. Khi liên tiếp gặp phải những điều không hay, con người ta dễ tin rằng có một lực lượng siêu nhiên, vô hình nào đó đang đứng đằng sau điều khiển, sắp đặt số phận chúng ta.
Dần dần, chúng ta đánh mất niềm tin vào bản thân, chỉ còn biết tin vào những thứ ngoài mình, những điều huyễn hoặc. Một người bạn khác lại cho rằng, đôi khi, chỉ vì lòng tham hay sự sợ hãi mà con người ta dễ dàng cả tin, tìm đến các hình thức mê tín dị đoan.
Với tôi, thiếu hiểu biết, nhất là những kiến thức thực tế, khoa học mới là nguyên nhân chính dẫn con người ta đến với sự cả tin. Chúng ta cũng cần phải nhận thức rằng, sự cả tin, mê tín không đồng nhất nhất với niềm tin từ những truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của con người.
Trên thực tế, sự cả tin có thể gây ra biết bao hệ lụy, đau buồn. Chỉ vì tin con bị ma nhập, cha mẹ đã để cho thầy cúng cầm roi mây đánh con đến thập tử nhất sinh. Chỉ vì tin lời thầy bói, rằng đứa bé là nghiệp chướng mà bà nội đã đang tâm sát hại chính cháu ruột của mình…
Người cả tin thường có những mong ước viễn vông, ảo tưởng, thiếu thực tế. Vì đánh mất niềm tin vào bản thân nên họ không có khả năng vượt qua những khó khăn, thử thách và dễ dàng bỏ cuộc, thất bại. Đó còn là kẽ hở, mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, hãm hại, làm việc bất chính, vô nhân đạo, đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của con người.
Niềm tin đúng đắn phải là niềm tin được xây dựng trên cơ sở thực tế, khoa học hay là sự kế thừa những truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp, nhân văn; nhất là phải biết tin và phát huy tối đa năng lực vốn có trong chính bản thân mỗi người. Mất đi niềm tin vào bản thân cũng đồng nghĩa chúng ta đã đánh mất chính mình.
Theo: Doanhnhanplus