Khi được lựa chọn để trở thành “Thánh nữ”, cuộc đời của những bé gái này cũng thay đổi rất nhiều.
Unika Vajracharya là một trong những “nhân vật tiếng tăm” ở Nepal. Cô bé mới 6 tuổi, có phần hơi nhút nhát nhưng đôi mắt sáng lấp lánh vẫn ánh lên sự tò mò. Không quen tiếp xúc với người lạ, cô bé cười làm nổi rõ lúm đồng tiền trên má khi được hỏi sẽ thế nào khi được chọn làm Kumari – một nữ thần sống.
“Cháu sẽ im lặng, không được phép tới trường mà học ở nhà và thờ phụng mỗi ngày”, cô bé nói.
Unika thuộc nhóm dân tộc Newar ở Nepal. Cô bé sống ở Patan với tên chính thức là Lalitpur – một thành phố khoảng 230.000 người đa số theo Phật giáo ở thung lũng Kathmandu màu mỡ thuộc chân núi Himalaya.
Từ lâu, người Newars vốn tự hào bảo vệ rất tốt những phong tục văn hóa cổ truyền và nền tảng lịch sử lâu đời của họ, trong đó là việc tôn thờ những cô bé gái như “Thánh nữ đồng trinh”.
Kumari hay Kumari Devi vốn là tín ngưỡng tôn thờ nữ thần sống ở Nepal. Đây là từ có nguồn gốc từ tiếng Phạn, mang ý nghĩa là “công chúa”. Theo truyền thống, người ta sẽ chọn những bé gái từ 2 đến 4 tuổi là Kumari.
Những cô bé được chọn sẽ dành phần lớn thời gian của mình để ngồi, không được chạm chân xuống đất. Khi tới tuổi dậy thì, Kumari sẽ được tôn thờ và bảo vệ như nữ thần bởi hàng ngàn Phật tử và người theo đạo Hindu ở Nepal.
Lịch sử tuyển chọn “Kumari” diễn ra rất khắt khe, theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Các “trinh nữ” phải vượt qua nhiều bài kiểm tra về khả năng giữ bình tĩnh và sự can đảm.
Người Nepal tin rằng, Kumari là người đại diện cho dân chúng để kết nối với thần linh, cầu xin những điều tốt lành. Theo truyền thống, Kumari được lựa chọn từ các bé gái 3-5 tuổi, thuộc dòng tộc Shakya. Và đặc biệt, “nữ thần sống” phải có lá số tử vi không xung khắc với Quốc vương đang trị vì.
Sau khi được lựa chọn, Kumari sẽ rời gia đình từ rất nhỏ, tới sống biệt lập trong cung điện cùng người bảo hộ. Tại đây, “nữ thần sống” luôn mặc màu đỏ, mang các món trang sức được truyền từ nhiều đời trước đó, ngồi trên ngai có trạm trổ cầu kỳ.
“Nữ thần” sẽ xuất hiện hai lần ngắn ngủi trong ngày để người dân được chiêm ngưỡng. Kumari có thể rời khỏi cung điện vào dịp đặc biệt, nhưng không được phép về thăm gia đình. Trong quá trình di chuyển, “nữ thần sống” không chạm chân xuống đất và luôn có người bế.
Trước kia, các Kumari sống trong cung điện không được đến trường, phải ở gần như biệt lập. Kể từ năm 2008, Tòa án Nepal đưa ra quy định nên để “nữ thần” được tiếp cận với giáo dục, nên hiện nay, họ được dạy học ngay trong cung điện.
Mỗi dịp lễ tế, Kumari được trang điểm, ăn vận như “Thánh nữ” để ban phước lành cho người dân. Họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ tới tuổi dậy thì. Đó là lúc người ta sẽ lựa chọn một bé gái khác để kế nhiệm, còn Kumari quay lại cuộc sống đời thường.
Nhưng đó cũng là lúc những cô gái phải đối diện với cú sốc tâm lý bởi không có kỹ năng giao tiếp từ trước. Đặc biệt, các Thánh nữ thường yếu ớt và rụt rè. Họ cũng không có đôi chân khỏe mạnh như bạn bè đồng trang lứa. Hầu hết sẽ học lại từ đầu và thời gian có thể kéo dài tới vài năm.
Mặc dù vậy, việc được lựa chọn trở thành Kumari vẫn được coi là vinh dự cao nhất, mang lại nhiều phước lành cho các gia đình. Bất chấp gánh nặng tài chính và cả những khó khăn để duy trì một bé gái nhỏ tuổi trở thành “Thánh nữ sống” giữa thế giới hiện đại, một số gia đình vẫn sẵn lòng với hi vọng con mình được chọn.
Theo dantri