Trang chủ ĐỜI SỐNGẨm thực Phần ăn ấm nóng đổi bằng sinh mạng người giao hàng

Phần ăn ấm nóng đổi bằng sinh mạng người giao hàng

bởi admin

Từ năm 2010 đến nay, tại Hàn Quốc ít nhất 86 nhân viên giao thức ăn thiệt mạng vì tai nạn, 4.500 nhân viên bị thương vì tai nạn trong lúc đi giao thức ăn.

Thực tế hiện nay ngày càng nhiều người nhìn thấy sự tiện lợi của việc chỉ cần ngồi một chỗ tìm kiếm và đặt hàng thức ăn qua các ứng dụng, rồi chỉ cần chờ giao hàng và trả tiền là có một bữa ăn đúng ý.

Trong bối cảnh này không lạ gì khi dịch vụ giao thức ăn tận nơi nở rộ. Và Hàn Quốc (HQ) đang sở hữu thị trường giao thức ăn tại nhà lớn thứ tư thế giới, ước tính trị giá 20.000 tỉ won (tương đương 16,7 tỉ USD).

Sở dĩ HQ đứng ở vị trí gần như hàng đầu này vì hai lý do chính: Sự sinh sôi của các ứng dụng giao hàng nhanh và sự gia tăng của số hộ gia đình chỉ có một người, theo báo SCMP. Những người chọn cách sống một mình này thường có khuynh hướng chọn ăn ngoài thay vì nấu nướng và dịch vụ giao thức ăn tại nhà là một cứu cánh với họ.

Nhu cầu không ngừng tăng

Thực ra thì phần lớn đơn đặt hàng vẫn được nhận qua điện thoại, tuy nhiên số lượng đơn nhận qua các ứng dụng giao thức ăn nhanh luôn tăng không ngừng, từ 24,9% năm 2017 lên đến 34,7% năm 2018.

Loại thức ăn được chọn đặt mua nhiều nhất qua các ứng dụng là gà rán, theo Baedal Minjok – ứng dụng giao thức ăn tại nhà quy mô lớn nhất HQ. Pizza, đồ ăn Tàu… cũng là lựa chọn của những người muốn có bữa trưa nhanh hoặc cho bữa ăn vội vào tối muộn. Cũng có một bộ phận khách đặt một bữa ăn HQ đầy đủ với cơm, canh, thịt, các món ăn kèm…

Số lượng đơn giao thức ăn của Baedal Minjok đã tăng gấp đôi trong năm qua. Trong tháng 8 Baedal Minjok giao tới 36 triệu đơn, tương đương 1,2 triệu đơn mỗi ngày.

Nghề giao hàng bằng xe máy đang được chú ý ở Hàn Quốc. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Nghề giao hàng bằng xe máy đang được chú ý ở Hàn Quốc. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Baedal Minjok bắt đầu hoạt động năm 2011, hiện tại kết nối với hơn 80.000 nhà hàng, quán ăn. Woowa Brothers – nhà điều hành ứng dụng Baedal Minjok đã trở thành một công ty khởi nghiệp lớn mạnh trị giá ít nhất 1 tỉ USD. Lợi nhuận ròng Baedal Minjok mang lại trong năm 2018 là 227,3 triệu USD.

Yogiyo là ứng dụng giao thức ăn lớn thứ hai HQ, bắt đầu hoạt động năm 2011, hiện kết nối với hơn 60.000 nhà hàng, quán ăn và mục tiêu sẽ kết nối với 100.000 nhà hàng, quán ăn vào cuối năm nay.

Hai ứng dụng này chiếm một phần lớn thị phần giao thức ăn ở HQ, đã khiến nhà cạnh tranh quốc tế UberEats phải rút khỏi HQ hồi tháng 10-2017 chỉ sau hai năm hoạt động.

Giao thức ăn – nghề nguy hiểm

Ít ai nghĩ nhiều đến việc đằng sau những con số này là điều gì. Số liệu từ Cơ quan Bồi thường và Phúc lợi cho công nhân HQ cho biết từ năm 2010 đến nay, đã có ít nhất 86 nhân viên giao hàng – phần lớn là thanh thiếu niên – thiệt mạng, 4.500 nhân viên giao hàng bị thương tích trong lúc đi giao thức ăn.

Những cái chết này đã nhấn mạnh tính áp lực mà các nhân viên giao hàng phải đối mặt: Bằng mọi cách phải giao thức ăn đến tay người đặt mua càng sớm càng tốt, khi thức ăn vẫn còn nóng ấm. Và “mọi cách” đó có thể là: Lái xe nhanh hơn, bất chấp hơn, bỏ qua luật lệ giao thông… trong khi phần lớn họ không có bảo hiểm tai nạn.

Mức thông thường nhân viên giao thức ăn nhận được 3.500 won (2,92 USD) cho mỗi đơn hàng giao, tuy nhiên lại bị áp lực giao hàng càng nhanh càng tốt. Ngoài văn hóa “vội vã”, nhân viên giao thức ăn còn thường xuyên bị khách hàng phàn nàn nếu phải nhận thức ăn bị nguội. Một áp lực nữa là lượng đơn hàng quá nhiều, nhiều người có khi phải giao tới 11 đơn hàng mỗi giờ.

Đường phố Hàn Quốc luôn rập rình nguy hiểm với các nhân viên giao hàng nhanh. Ảnh: SCMP
Đường phố Hàn Quốc luôn rập rình nguy hiểm với các nhân viên giao hàng nhanh. Ảnh: SCMP

Thực ra thì các công ty giao thức ăn lớn này một khi mở rộng quy mô đã chú trọng hơn vào chuyện nâng cao sự an toàn của bộ phận giao hàng. Nhân viên giao hàng của các công ty này được sử dụng các xe máy hiện đại, mới, được sơn màu sắc và biểu tượng của công ty và buộc phải đội mũ bảo hiểm.

“Mỗi nhân viên giao hàng đều được huấn luyện một khóa lái xe trên đường trước khi bắt đầu lái xe đi giao hàng. Hằng tháng chúng tôi cũng đều gửi thư về an toàn giao thông trên đường đến nhân viên và cảnh sát Seoul cũng đến tuyên truyền về sự tỉnh táo khi lái xe trên đường” – SCMP dẫn lời một đại diện của Công ty Yogiyo tên Choi Hyun-jin.

Yogiyo có ưu tiên an toàn trên đường cho bộ phận giao hàng của mình và đã không còn thuê thiếu niên làm việc. Tuổi tối thiểu Yogiyo thuê làm nhân viên giao hàng là 21.

Đại diện Công ty Yogiyo cũng cho biết thêm “các nhân viên giao hàng của chúng tôi được công ty cung cấp bảo hiểm tai nạn”.

Tuy nhiên, không phải công ty giao hàng nhanh nào cũng như Công ty Yogiyo. Theo Bộ Giao thông HQ thì chỉ có 5,7% nhân viên giao hàng được đăng ký bảo hiểm tai nạn. Theo hiệp hội nhân viên giao nhận, chi phí bảo hiểm tai nạn cho một nhân viên giao hàng nằm ở mức 10-15 triệu won (8.350-15.000 USD) mỗi năm.

Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều nhà hàng, quán ăn không phải là đối tác của các công ty giao hàng lớn như Baedal Minjok hay Yogiyo vẫn để nhân viên sử dụng xe máy cũ, thiếu an toàn để giao thức ăn và cũng không có quy định chặt chẽ về khâu này. Cộng thêm sự lái xe bất cẩn, bốc đống của các tay lái trẻ, đa phần ở tuổi thanh thiếu niên thì chuyện tai nạn xảy ra là không tránh khỏi.

SCMP dẫn câu chuyện của anh Shin Sung-sub năm nay 27 tuổi và hiện đang là một công nhân xây dựng ở thủ đô Seoul, từng làm công việc giao thức ăn tại nhà những năm trước. Thời gian đó anh Shin Sung-sub làm việc cho hàng loạt nhà hàng địa phương ở ngoại ô TP Guri, tỉnh Gyeonggi. Anh làm việc đều đặn sau giờ học mỗi ngày và được trả 250.000 won/tuần (209 USD). Cùng làm công việc này với anh còn có nhiều bạn cùng lớp.

“Tôi bắt đầu với việc nói dối ông chủ rằng tôi đã có bằng lái từ khi tôi 17 tuổi” –  anh Shin Sung-sub kể lại.

“Giao thức ăn được trả tốt hơn và vui hơn các công việc bán thời gian khác vào lúc đó, vì thế sau đó tôi cũng thi lấy bằng lái để làm công việc này” – anh Shin Sung-sub kể lại.

Anh Shin Sung-sub nhớ lại mình đã gặp 2-3 tình huống nguy hiểm tính mạng và 2-3 tai nạn nghiêm trọng trên đường nhưng may mắn chỉ bị thương.

“Tình trạng thường xuyên là luôn có hơn 10 đơn hàng đợi tôi khi tôi vừa đi giao một đợt hàng về. Vì thế tôi cố gắng sắp xếp giao 3-4 đơn cùng một lúc. Và một phương châm làm việc của tôi khi đó là lờ đi các tín hiệu giao thông, lái len lỏi giữa làn ô tô và lái nhanh có thể kể cả trong các con hẻm hẹp để đảm bảo giao thức ăn còn ấm nóng đến người đặt mua” – anh Shin Sung-sub nói về áp lực công việc.

Gà rán Hàn Quốc. Nhiều nhân viên giao hàng phải liều lĩnh bất chấp an toàn giao thông để giao thức ăn còn ấm nóng đến tay người mua. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Gà rán Hàn Quốc. Nhiều nhân viên giao hàng phải liều lĩnh bất chấp an toàn giao thông để giao thức ăn còn ấm nóng đến tay người mua. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Anh Shin Sung-sub kể lại một trong những chiếc xe máy mà anh lái đã quá cũ để lưu thông.

“Một số nhà hàng trang bị những chiếc xe máy mới và có kiểm tra bảo dưỡng định kỳ nhưng chỗ làm việc đầu tiên của tôi đưa cho tôi một chiếc xe đã đứt thắng. Lời khuyên an toàn duy nhất mà tôi nhận được từ ông chủ là “cẩn thận trên đường”” – anh Shin Sung-sub nhớ lại.

Làm gì để thay đổi?

Năm 2018, nhân viên giao thức ăn Kim Eun-bum 17 tuổi thiệt mạng trong khi đang lái một chiếc xe máy đi giao thức ăn ở đảo Jeju. Kim Eun-bum vẫn được chủ nhà hàng cho điều khiển xe dù chưa đủ tuổi sở hữu bằng lái xe. Chủ nhà hàng sau đó bị phạt 300.000 won (249 USD) vì thuê một thiếu niên chưa đủ tiêu chuẩn lái xe đi giao thức ăn nhưng không bị truy tố vì cái chết của thiếu niên này.

Và không khó hiểu ngành công nghiệp này đang đối mặt với cái nhìn tiêu cực.

“Với tôi, chúng như tụi du côn. Khi có người còng lưng bóp ga, rú ga trên một chiếc xe máy thì thường đó là các tay lái trẻ” – SCMP dẫn lời Choi Tae-il 30 tuổi, cư dân TP Paju, tỉnh Gyeonggi.

Các nhân viên chạy xe máy giao hàng nhanh trên đường đang ngày càng bị chú ý không chỉ từ người đi đường mà cả từ cảnh sát, các nhà lập pháp. Đã có một số quy định được ban hành để chấn chỉnh hoạt động này như yêu cầu các chủ nhà hàng phải đảm bảo nhân viên giao thức ăn có bảo hiểm trên đường.

Anh Choi Tae-il cho rằng mọi người nên thay đổi cách ứng xử với dịch vụ giao thức ăn để dịch vụ này bớt tiêu cực.

“Chúng ta nên cởi mở với suy nghĩ thời gian giao hàng có thể lâu hơn chỉ 30 phút kể từ lúc thức ăn được chuẩn bị xong cho đến khi thức ăn được đưa đến cửa nhà mình” – theo anh Choi Tae-il.

Baedal Minjok và Yogiyo đã có hình thức thông báo cho khách hàng cụ thể thời gian khách hàng sẽ nhận được thức ăn, chẳng hạn 45-50 phút.

Cũng có nhiều câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội rằng thay vì nhắn nhân viên giao hàng “đến nhanh” như trước, ngày càng nhiều khách hàng đã có lời nhắn “không cần phải vội”. Dù thế, hình ảnh chung thường thấy những ngày này trên đường phố vẫn là các nhân viên giao thức ăn chạy xe len lỏi giữa bao làn xe để mong kịp giao thức ăn còn ấm nóng đến khách hàng.

Theo: PLO

Có thể bạn sẽ thích