Bộ phim “Katy Perry – Part of me” (ra mắt từ năm 2012) bỗng dưng gây sốt trở lại một cách khó hiểu như nhận định của giới truyền thông phương Tây. Cơn sốt này bắt nguồn từ việc Katy Perry công bố chuyện đang mang thai nhưng phải hoãn đám cưới vì Covid-19. Dù vậy, nhận định chung của giới chuyên môn đây là một trong những phim tài liệu về ca sĩ ngôi sao đáng xem.

Hấp dẫn bởi chất “huyền thoại”

Tương tự như lý do ra đời của “Truth or Dare” (phim ca nhạc tài liệu về danh ca Madonna), “Katy Perry – Part of me” cũng nhằm tô hồng hình ảnh của ngôi sao ca nhạc ăn khách Katy Perry. Nhưng trong cuốn phim 3D tự làm về mình, Perry thật thà nói về cuộc hôn nhân ngắn ngủi và cả lý do đổ vỡ của mình với diễn viên hài Russell. Dù bộ phim bị đánh giá là màu mè nhưng nó lại thu hút truyền thông, khán giả và cả giới chuyên môn. Nhiều ngôi sao ca nhạc là bạn của Katy Perry cũng xuất hiện trong phim như Rihanna, Lady Gaga, Adele, Britney Spears, Jessie J… giúp “Katy Perry – Part of me” trở nên hút khách. Trang web tổng hợp, đánh giá Rotten Tomatoes nhận định khoảng 76% các nhà phê bình đã đánh giá tích cực về “Katy Perry – Part of me”, với điểm trung bình là 6,4/10. Các ý kiến đều đồng thuận rằng “Katy Perry – Part of me” thành công nhờ vào khả năng thực sự của ngôi sao nhạc pop này, truyền cảm hứng ngay cả khi cảm giác nó đóng vai trò như một chiêu PR”. Còn công chúng, khi được CinemaScore mời đánh giá ngẫu nhiên, họ đã cho “Katy Perry – Part of me” điểm trung bình là A. Vì thế, bộ phim này dù có mức kinh phí thấp nhưng thu về hơn 32 triệu USD tiền vé trên toàn cầu, đứng thứ 7 trong số những phim tài liệu có doanh thu cao nhất nước Mỹ.

Phim về ngôi sao ca nhạc đang lên ngôi - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Judy” Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Hãng phim Paramount cùng 2 đạo diễn Lipsitz và Cutforth, đồng sản xuất và phát hành bộ phim ca nhạc “Justin Bieber: Never say never”, từng thu về gần 100 triệu USD trên toàn thế giới, năm 2011, bỏ xa con số 13 triệu USD chi phí sản xuất ban đầu của bộ phim này. Điều này càng làm cho các nhà làm phim tin rằng phim ca nhạc tài liệu về các ngôi sao dễ kiếm lời.

Nếu so với những dòng phim khác luôn phải đối mặt những rủi ro lớn, phim tài liệu ca nhạc có sẵn lượng khán giả trung thành là người hâm mộ nhân vật chính. Những ngôi sao trẻ như Britney Spears, Justin Bieber, Taylor Swift, Rihanna… lại càng dễ thắng vì lượng fan (người hâm mộ) khổng lồ mà họ đang có, đủ tạo ra sức công phá phòng vé không thua gì các phim “bom tấn”.

Không chỉ là giải trí

Không chỉ nhằm mục đích lăng-xê thành công tên tuổi cho Madonna, bộ phim “Truth or Dare” cho thấy một Madonna đời thực thế nào. Trước máy quay của đạo diễn Alek Keshishian, Madonna biến hóa giữa ngôi sao sân khấu, ngôi sao công chúng và ngôi sao ngoài đời thực nhưng có một điều duy nhất cô không che giấu, đó chính là bản năng. Với ánh đèn, âm nhạc trỗi dậy, cô là hiện thân của sự khiêu khích, mời gọi; đằng sau cánh gà, cô sẵn sàng tranh cãi về tính dục với những vũ công đồng tính. Madonna còn để lộ chuyện chăn gối với bạn trai Warren Beatty nhưng theo một cách khéo léo. Để có được tác phẩm hoàn hảo kể trên, ê-kíp đã mất 5 năm trời để tìm những tư liệu quan trọng. Bộ phim này đã nhận được 6 đề cử giải Emmy.

Mới đây nhất, bộ phim về cuộc đời của Judy Garland, với diễn xuất của diễn viên Renee Zellweger, nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình nghệ thuật, thậm chí còn nhận được đề cử Oscar 2019. Có người nhớ đến Judy Garland thông qua bộ phim kinh điển “The Wizard of Oz” (1939) trong vai Dorothy Gale – vai diễn đã giúp bà chiến thắng giải Oscar năm đó. Ca khúc nhạc phim “Somewhere Over the Rainbow” được cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) cực kỳ yêu thích và tôn bà làm biểu tượng đồng tính đầu tiên của Hollywood (gay icon). Cũng có người nhớ đến Judy Garland nhờ vào giọng hát khỏe, đầy nội lực và trong trẻo. Bà là người phụ nữ đầu tiên thắng giải Grammy cho hạng mục “Album của năm” (1961). Cũng có nhiều người khác lại nhớ đến Judy Garland bởi 5 lần kết hôn và trong đó có người là đồng tính. Liza Minneli – con gái của bà với Vincente Minneli – cũng là chủ nhân của một tượng vàng Oscar. Mặc dù vậy, bộ phim Judy của đạo diễn Robert Goold không khai thác những giai đoạn đó trong cuộc đời Judy Garland mà khắc họa bà ở những tháng cuối đời khi đã là một phụ nữ đơn độc, bị hào quang của quá khứ che lấp, vất vả với sự kỳ thị của xã hội đối với ngôi sao nữ trung niên, cố gắng kiếm tiền để nuôi dưỡng các con. Thật khó khăn để chứng kiến một ngôi sao quen thuộc từng mang đến tiếng cười cho quá nhiều người và được trọng vọng như Judy Garland lại lâm vào tình thế bế tắc như vậy. Điều đó khiến bộ phim tài liệu này trở nên cực kỳ đặc biệt với nhiều xúc cảm và cả nước mắt, dù bộ phim “Judy” mới khắc họa vài góc khuất trong tâm hồn của Judy Garland chứ chưa phải mang đến một “Judy Garland trọn vẹn”.

5 bộ phim không thể bỏ qua

Giới chuyên môn bình chọn ra danh sách 5 phim tài liệu ngôi sao âm nhạc không thể bỏ qua, vì chất lượng nghệ thuật trong đó, gồm: “Amy” (bộ phim cảm động và chân thực phản ánh đời sống ngắn ngủi nhưng rực rỡ của ngôi sao dòng nhạc R&B Amy Winehouse), “Gaga: Five foot two” (với cái nhìn gần gũi vào cuộc sống cá nhân của Joana – tên thật của Lady Gaga và sự nghiệp của cô dưới danh nghĩa ngôi sao ca nhạc), “Jimi Hendrix: Voodoo child” (bộ phim về bậc thầy của việc “chơi” âm thanh và “bẻ” không khí, một trong những tượng đài lớn của dòng nhạc rock and roll Jimi), “Rapture” (cho khán giả cái nhìn chân thật nhất về đời sống của những tên tuổi nổi trội trong dòng nhạc rap như Logic hay T.I.), “Quincy” (bộ phim về Quincy Jones – một trong những nhà sáng tác và sản xuất âm nhạc nhiều thành tựu để đời nhất mọi thời đại).

Theo: NLD