Finfluencer (người có ảnh hưởng về tài chính trên mạng xã hội) cung cấp kiến thức miễn phí nhưng hầu hết đều không có chuyên môn về lĩnh vực mình đang chia sẻ.
Reddit có đầy đủ các mẹo về chứng khoán. Instagram có nhiều trang trình bày cách tiết kiệm tiền bạc và lập ngân sách. Hashtag #moneytok của TikTok thu hút 11,8 tỷ lượt xem, ABC News thống kê.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021, 28% thanh niên Australia theo dõi ít nhất một finfluencer trên mạng xã hội và bị những lời khuyên về tiền bạc này tác động đến chi tiêu, đầu tư.
Còn nghiên cứu của công ty đầu tư Hargreaves Lansdown cho thấy những người 18-34 tuổi thường tìm hiểu thông tin, kiến thức tài chính thông qua mạng xã hội thay vì các trang web chính thống.
Tuy vậy, nhiều người không thực sự hiểu về các finfluencer cũng như cách phân biệt những lời khuyên hữu ích và tai hại trên mạng xã hội.
Finfluencer là gì?
Finfluencer (tạm dịch: người có ảnh hưởng về tài chính trên mạng) là cách viết tắt của financial (tài chính) và influencer (người có ảnh hưởng).
Như vậy, finfluencer có thể dùng để chỉ bất kỳ ai nói về tài chính, đầu tư và được mọi người quan tâm theo dõi trên mạng xã hội. Khái niệm này cũng tương tự như những người có ảnh hưởng về thời trang, sắc đẹp.
Trong khi beauty influencer chia sẻ về thói quen trang điểm, chăm sóc da hàng ngày, finfluencer nói về chi tiêu của họ trong tuần hoặc suy nghĩ của bản thân về thị trường chứng khoán.
Angel Zhong, giảng viên cao cấp về tài chính tại Đại học RMIT (Australia) nói: “Finfluencer đã trở nên thực sự nổi tiếng kể từ năm 2020. Rất nhiều người trẻ tuổi tham gia thị trường chứng khoán lần đầu tiên trong đại dịch và họ khao khát những kiến thức liên quan đến tài chính”.
Những người sáng tạo nội dung này rất thành công vì có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường. Họ thường có thể giải thích các khái niệm tài chính phức tạp theo những cách hấp dẫn và dễ hiểu.
Ngoài ra, không giống các cố vấn tài chính, hầu hết finfluencer cung cấp kiến thức miễn phí.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của finfluencer là không được cấp phép để đưa ra lời khuyên. Các cố vấn tài chính trải qua quá trình đào tạo chuyên môn, có giấy phép hành nghề nên họ phải chịu trách nhiệm với khách hàng của mình.
“Trong khi đó, finfluencer thường không có nghĩa vụ pháp lý và thậm chí họ có thể không biết mình đang nói về điều gì”, bà Zhong nói.
Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia (ASIC) gần đây đưa ra một loạt quy tắc hạn chế các loại lời khuyên về tiền bạc trên không gian ảo. Nếu ai đó bị phát hiện đưa ra lời khuyên tài chính nhưng không có bằng cấp liên quan, họ có thể phải đối mặt với án tù 5 năm.
Làm thế nào để phân loại finfluencer?
Tiến sĩ Zhong nói điều đầu tiên nên làm là kiểm tra digital footprint (dấu chân điện tử) của finfluencer. Điều gì xuất hiện khi bạn tìm kiếm tên của họ? Tiểu sử của người này có liên kết đến những trang web uy tín?
Tuy nhiên, bà Zhong lưu ý: “Đừng cho rằng sự nổi tiếng tương đương với độ tin cậy. Cần lưu tâm đến trình độ chuyên môn của các finfluencer. Nếu ai đó không có kiến thức về tài chính, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng họ”.
Còn Sarah Coles, người làm việc tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, đề xuất thêm 4 cách khác để tránh bị lừa gạt bởi những lời khuyên đầu tư vô căn cứ:
– Luôn nhìn vào bức tranh tổng thể: Nếu ai đó nói với bạn khoản đầu tư bitcoin của họ sinh lời 50% vào tháng trước, điều đó có thể đúng. Nhưng phải đặt nghi vấn trong trường hợp giá bitcoin liên tục sụt giảm những tháng gần đây.
– Phải có đủ thông tin trước khi quyết định đầu tư: Không nên nhất nhất nghe theo mọi lời khuyên, đặc biệt với những mẹo kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng trên mạng.
– Đảm bảo đó không phải trò lừa: Action Fraud nói rằng các nạn nhân đã mất 3 triệu bảng Anh trong 356 kế hoạch lừa đảo “làm giàu nhanh chóng” trên Instagram chỉ trong vòng 5 tháng. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi 20-30.
– Đừng phụ thuộc vào những người không có kiến thức chuyên môn: Có rất nhiều người bình thường chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và đầu tư của họ. Bạn có thể tham khảo nhưng không nên quá tin tưởng.
“Chúng ta thích nghe lời khuyên từ những người bình thường. Họ cũng giống bạn nhưng đã làm được điều gì đó có thể gọi là thành công. Tuy nhiên, đó chính là vấn đề, là cám dỗ của mạng xã hội. Chúng ta tìm kiếm những người giống mình thay vì lắng nghe chuyên gia”, bà Coles nói.
Theo: Zing