Mặc cho bố mẹ Thanh còn tính nói thêm gì nữa, Linh đi xuống nhà dưới đón con. Cô đã quyết định rồi. Cô sẽ phải cắt bỏ cả hai khối u này.
Gần ba mươi tuổi, Linh mới quen Thanh. Thanh hơn Linh hai tuổi, gia cảnh cũng khá giả. Thanh đang làm cho công ty cung ứng vật tư dầu khí của ông chú họ. Điều kiện như thế là quá ổn với một cô gái như Linh.
Buổi đầu tiên, Linh dẫn Thanh về ra mắt bố mẹ. Thanh mặc áo sơ mi trắng, đi giày Tây bóng loáng, ngồi vào bàn ăn, uống vui vẻ. Mấy anh chị Linh khen Thanh đẹp trai lại nhiệt tình. Anh rể Linh lúc về còn lè nhè bảo: “Dì Linh lấy thằng này, anh với bố có thêm bạn nhậu”.
Thế nhưng bố Linh lại lo lắng: “Tao thấy thằng ấy chả biết làm gì, ngoài vụ nhậu. Với lại đã ngoài ba mươi rồi mà nó vẫn không có nghề nghiệp, công việc ổn định, như thế là không có chí tiến thủ”.
Mẹ Linh cũng nhẹ nhàng bảo: “Đến nhà người yêu mà chỉ ngồi cầm cái điều khiển tivi, không đứng lên nhòm vào bếp xem bố mẹ vợ tương lai làm món gì thì con cũng nên để ý xem lại nhé!”. Linh vâng dạ nhưng bụng lại nghĩ: Mới lần đầu thì cũng còn là khách. Lười thực ra cũng không phải là tội nặng. Mình không hoàn hảo sao đòi người ta hoàn hảo chứ.
Sau khi cưới, hai vợ chồng Linh về sống ở căn nhà trước đây là phòng trọ của gia đình Thanh. Nhà nhỏ, cũ, lại ở ngay phía sau nhà Thanh nhưng anh chị em cũng động viên Linh, nói như thế cũng tốt, không phải đi thuê nhà mà cũng không phải làm dâu.
Cuộc sống sau khi kết hôn của hai vợ chồng Linh thời gian đầu như phần lớn cuộc sống của các cặp vợ chồng son khác, tương đối hạnh phúc. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, Linh bắt đầu thấm thía lời cha mẹ. Đầu tiên là chuyện việc nhà. Thanh cứ đi làm về là đi nhậu hoặc nằm khểnh lướt điện thoại. Linh nói thì Thanh bỏ sang nhà bố mẹ, biết chắc Linh chẳng dám sang gọi chồng về.
Việc sống sát vách với gia đình chồng cũng chẳng dễ chịu gì. Người nhà Thanh lại hay soi xét, để ý. Phụ nữ đi làm, chuyện áo dài, váy ngắn cũng là bình thường nhưng chị Thoa, chị gái Thanh, lại nói Linh ăn diện, điệu đà, tốn kém. Linh đành cắn răng bỏ bớt những chiếc váy ngắn và những chiếc áo dài trơn, mỏng.
Tiền điện nước cũng là vấn đề vì tuy nhà nhỏ, có đồng hồ nước riêng nhưng hóa đơn tổng vợ chồng Linh vẫn trả. Ấy vậy mà khi Linh muốn mua cái máy giặt mới thì bố mẹ Thanh lại ngăn cản với lý do hai nhà cách nhau có vài bước chân, nếu ngại giặt tay thì mang đồ sang giặt chung máy giặt của bố mẹ, vừa đỡ tốn tiền mua máy lại đỡ tốn điện.
Linh ngao ngán, phản ứng thì Thanh bảo: “Bố mẹ nói cũng phải, mang sang nhà ông bà giặt, ông bà phơi, rút luôn cho chẳng sướng sao!?”. Thế là để khỏi phải gặp mặt bố mẹ chồng liên tục, Linh đành phải giặt tay quần áo của hai vợ chồng mỗi ngày. Nhiều lần Linh chỉ giặt đồ của mình, gom hết đồ của Thanh lại để anh mang sang nhà bố mẹ giặt. Thế là mẹ Thanh lại nói Linh bắt nạt chồng.
Thời gian mang bầu bé Ly, Linh còn tình cờ phát hiện ra Thanh có học đại học kinh tế thật nhưng nợ môn, không lấy được bằng tốt nghiệp. Chuyện làm ở công ty gas mà trước đây Linh từng nghĩ, ai vào được đó chắc cũng trình độ khá thì thực ra là do Thanh nộp đơn thi tuyển nhưng không được nhận.
Buồn bực và thất vọng, tuy nhiên “ván đã đóng thuyền”, Linh cũng chỉ đành hi vọng, biết đâu có vợ, con rồi Thanh sẽ khác. Song, làm bố rồi, Thanh vẫn như đứa trẻ. Việc gì cũng dựa dẫm vào bố mẹ. Từ việc lớn đến việc vặt, câu cửa miệng của Thanh luôn là: “Để hỏi ý ông bà đã!”.
Vài lần Linh tự ý quyết định thì Thanh lại nói Linh cậy làm ra tiền, lộng quyền. Thanh kiếm ra ít tiền đã đành nhưng lại thích tiêu hoang, thế nên gần như chẳng bao giờ Thanh có tiền đưa cho vợ. Tệ hơn thế, tháng trước, Thanh lại về hỏi Linh:
– Em có tiền dự trữ không?
– Sao anh lại hỏi thế?
– Sắp tới mùa mưa rồi, ông bà cần tiền sửa nhà.
– Ông bà sửa nhà trên làm gì, nhà vẫn còn tốt mà. Nhà mình đây mới cần sửa này.
– Ông bà bảo căn nhà này cho vợ chồng mình. Nó trị giá gần hai tỷ. Ông bà chỉ lấy một nửa. Mình đưa cho ông bà một tỷ thì cái nhà này sẽ thuộc về hai vợ chồng. Em xem gom tiền tiết kiệm rồi về nói ông bà ngoại cho thêm một ít. Ông bà nội cho cả tỷ bạc được thì ông bà ngoại kém gì mà lại không cho được mấy trăm.
Linh hơi bực. Trước giờ cô vẫn đinh ninh căn nhà hai phòng trọ chưa đầy năm chục mét vuông này là nhà của mình nên có đồng nào cô cũng chăm chút sắm sửa cho nó hết. Chưa kể mặc dù nhà đã được sửa chữa nhưng nếu không tách được sổ thì giỏi lắm cũng chỉ được hơn một tỷ. Vậy mà lại bắt cô về xin bố mẹ mình tiền. Vô lý làm sao. Tuy vậy, biết tính Thanh, Linh chỉ nhẹ nhàng:
– Anh biết thừa là mình làm gì có tiền tiết kiệm. Còn bố mẹ cũng chả có tiền dư mà cho mình. Với lại cho là phải bố mẹ tự ý cho, chứ tự nhiên xin, kỳ lắm.
Chẳng biết Thanh kể với bố mẹ sao mà sau đó lại về bảo vợ:
– Một năm làm nhà, ba năm trả nợ. Mình dùng tiền mua nhà, mua đất chứ có tiêu hoang xài phí hay đầu tư mạo hiểm gì đâu mà bảo tự nhiên xin. Cứ xin đi, ông bà biết cần thì mới cho, chứ không nói thì ai biết.
– Nhưng ông bà lấy đâu ra nhiều tiền thế?
– Thì vay mượn, thế chấp căn nhà của ông bà thì muốn vay bao nhiêu mà chả được. Nói gì một tỷ.
– Anh nói thế mà nghe được. Tự nhiên bắt ông bà thế chấp nhà vay nợ tiền tỷ cho con. Nếu vậy thì tốt nhất anh nói ông bà nội cho vợ chồng mình một tỷ, để em mang hai tỷ đi mua nhà chỗ khác luôn.
– Cô đừng có điên!
Lời qua tiếng lại, hai vợ chồng cãi nhau một trận to. Con bé Ly về mách với ông bà ngoại. Sợ con gái lo lắng, buồn phiền về chuyện tiền bạc, bố mẹ gọi Linh về bảo: “Bố mẹ chẳng có nhiều. Vay nợ ngân hàng thì cũng sợ mất nhà. Thôi còn cuốn sổ tiết kiệm hai trăm triệu, để mẹ rút ra, con cầm về góp với ông bà ấy sửa nhà cho yên chuyện. Có gì bố mẹ sẽ vay mượn, đưa thêm cho ít nữa. Mà con phải lo giữ gìn sức khỏe đấy chứ cứ lo tiền nong, nhà cửa quá lại sinh bệnh ra”.
Nhân bảo như thần bảo. Đưa tiền cho chồng hôm trước, hôm sau, Linh cầm thẻ bảo hiểm đi khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ siêu âm nói cô có khối u ở vú, nghi u ác, bắt cô đi chụp nhũ ảnh và làm sinh thiết gấp. Kết quả Linh bị ung thư vú giai đoạn hai. Linh choáng váng, tưởng trời sập ngay trước mắt.
May gặp vị bác sĩ đầy kinh nghiệm, ông an ủi cô rằng bệnh này bây giờ vẫn có thể chữa khỏi. Cô chỉ cần mổ, cắt khối u theo phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp với ăn uống, nghỉ ngơi khoa học thì sẽ khỏe. Về nhà, Linh đưa giấy xét nghiệm cho chồng, chưa kịp nhắc lại lời của vị bác sĩ tốt bụng, anh đã bảo:
– Số đã vậy cũng đành chịu thôi. Đã ung thư là xác định chỉ có chết. Thôi thì nghỉ ngơi, ăn uống cho sướng thân, chạy chữa chi cho tốn tiền. Để tiền đó lo việc khác.
Mệt mỏi, thất vọng nên Linh chẳng thanh minh, giải thích gì, lẳng lặng thu xếp quần áo, đưa con về nhà bố mẹ đẻ. Suốt nửa tháng trời, Linh quay cuồng với lịch khám, xét nghiệm của bệnh viện, Thanh viện cớ bận công việc không đưa cô đi một lần. Bố mẹ Linh thương con, đành gọi cho Thanh bảo: “Bố mẹ biết con bận nhưng chuyện nhà cửa tính sau. Cần nhất là việc chữa trị của con Linh”.
Thanh vâng dạ nhưng lại chẳng đả động gì tới số tiền mấy trăm triệu Linh đưa bữa trước. Có lịch mổ, Linh gọi cho Thanh, nói anh chuyển gấp cho cô năm chục triệu để cô ứng tiền mổ dịch vụ, chứ mổ bảo hiểm thì phải cả tháng sau may chăng mới sắp xếp được lịch. Thanh hỏi rành rẽ chi phí giữa chuyện mổ bảo hiểm và mổ dịch vụ. Sau đó, Thanh nhăn nhó, kêu ca về chuyện cùng bác sĩ, cùng nơi, cùng cách mổ mà giá dịch vụ đắt gấp mấy lần. Cuối cùng Thanh nói tuột: Số tiền ấy coi như là tiền đặt cọc mua nhà và khi đã đặt cọc rồi thì làm sao mà lấy lại.
Linh tắt máy, khóc không thành tiếng. Chiều đó, cô đến ngay nhà bố mẹ chồng, nói thẳng:
– Số tiền đưa cho bố mẹ vừa rồi hoàn toàn là tiền của bố mẹ con. Bây giờ con bệnh nặng, rất cần tiền để mổ. Chuyện nhà cửa tạm thời con không mua nữa. Bố mẹ cho con xin lại tiền.
Thanh dắt con xuống dưới nhà. Mẹ Thanh lau lau mặt bàn trà khẽ nói:
– Làm cha mẹ ai cũng phải đặt lợi ích của con lên đầu. Con Ly nó còn nhỏ thế, nhỡ con có mệnh hệ gì, nó cũng có cái nhà. Với lại hôm qua bố mẹ đã mang số tiền đó đi đặt vật tư và thuê thầu thợ để xây sửa nhà hết rồi.
Linh muốn gào lên nhưng cuối cùng cô cũng nén lại được nhẹ nhàng nói: “Chính vì con Ly nó còn nhỏ nên mẹ nó cần phải sống để lo cho nó, mẹ ạ. Nhà chưa đập ra, bố mẹ đặt mua vật tư ở cửa hàng nào, con sẽ đi cùng tới đó, nói với người ta thông cảm mà trả lại. Con không tin họ lại nhẫn tâm tới mức thấy chết mà mặc kệ”.
Lúc ấy bố chồng Linh mới thủng thẳng:
– Nghe thằng Thanh nói, trước mắt con chỉ cần năm mươi triệu. Số tiền ấy con Thoa nó vẫn còn. Để bố nói nó chuyển cho con.
Đúng ra tiền ca mổ theo thông báo của bác sĩ chỉ hết khoảng bốn chục triệu, nhưng Linh kiên quyết:
– Số tiền năm chục triệu chỉ là tiền mổ thôi, còn tiền hóa trị, xạ trị nữa. Ai cũng nói bệnh này phải tốn cả tỷ. Con sợ ba trăm cũng không đủ nên bố mẹ thông cảm lấy hết về cho con. Cần thì con sẽ đưa bệnh án ra, giải thích cho người ta.
Mặc cho bố mẹ Thanh còn tính nói thêm gì nữa, Linh đi xuống nhà dưới đón con. Cô đã quyết định rồi. Cô sẽ phải cắt bỏ cả hai khối u này.
Theo: PNVN