Một đặc điểm của đứa trẻ trung thực là nhẫn nhịn và dễ thỏa hiệp nhưng khi lớn lên chúng sẽ không có chủ kiến riêng, nhút nhát và luôn ẩn nấp giữa đám đông.
Bởi vậy cha mẹ cần dạy con 5 điều, để trẻ làm người tốt chứ không phải là làm người khờ khạo.
Hãy dũng cảm nói “không”
Đại học Harvard từng tiến hành một nghiên cứu với 1.000 người trong vòng 3 năm và kết luận: Nếu có thể học cách từ chối hợp lý, có thể giảm 90% rắc rối không cần thiết.
Gần đây, một bà mẹ tại Pháp đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Theo người mẹ này, cô đưa con trai đến công viên chơi. Đột nhiên có 6 cậu bé vây quanh và yêu cầu con trai cô chia đồ chơi. Cậu con trai sợ sệt ôm chặt món đồ chơi trước ngực, nép phía sau lưng mẹ. Người mẹ khi đó bình tĩnh nói: “Con không có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu của người khác. Nếu con không muốn, chỉ cần nói không, và cần dứt khoát”.
Chia sẻ này của người mẹ nhận được hàng trăm lượt ngàn yêu thích.
Trẻ rất dễ bị dụ khi người khác năn nỉ hoặc được hứa được tặng món quà hấp dẫn. Để con không dễ bị lung lay trước mọi lời mời gọi, ở nhà bố mẹ nên lập ra một số tình huống cho con đối phó. Mỗi tình huống con cần biết nên giải quyết ra sao, từ chối thế nào.
Nếu con từ chối một cách nửa vời, điều này sẽ gây hại cho trẻ. Thứ nhất dễ lâm vào tình trạng nguy hiểm khi gặp những đối tượng xấu. Thứ hai, con sinh ra tính cả nể, câu trước từ chối nhưng câu sau lại gật đầu. Tính cả nể sẽ khiến con bị mọi người lợi dụng vì họ biết con không thể từ chối.
Học cách “tấn công để phòng thủ”
Trong tâm lý học có một hiệu ứng gọi là “Hiệu ứng buột miệng”. Khi một người đáp lại một số câu hỏi bình thường (như Bạn có khỏe không?) với một câu trả lời bình thường (như Tôi khỏe) thì sau đó sẽ có khả năng đồng ý nếu được nhờ việc gì. Đặc biệt nếu người hỏi nói rằng “Tôi rất vui khi nghe điều đó” thì người được hỏi sẽ càng chịu áp lực lớn hơn. Hiện tượng này được sử dụng để thao túng tâm lý con người.
Trên Zhihu, trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc, có một bà mẹ kể liên tục phải mua bút và tẩy mới cho cô con gái tên Đồng Đồng. Khi hỏi nguyên nhân, bé nói bạn ngồi cùng bàn mượn nhưng không trả lại. “Bạn ấy nói, nếu không cho mượn, bạn sẽ không chơi với con”, đứa trẻ ngập ngừng. Nhìn thấy vẻ ngoan ngoãn của con gái, người mẹ cảm thấy đau lòng. Cô đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì để con mình không bị bắt nạt?”.
Trên thực tế, trước yêu cầu của người khác, cha mẹ nên dạy trẻ về cách “tấn công như phòng thủ”. Cách thức này nên hiểu là: Nếu muốn nhận được thứ gì đó, phải có sự trao đổi. Không có gì là miễn phí trên thế giới này. Nếu tình bạn mà bên kia chỉ muốn lợi dụng, nên chấm dứt càng sớm càng tốt.
Học cách ứng xử khi bị từ chối
Hãy giúp trẻ hiểu rằng bị từ chối là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi. Bố mẹ có thể cho trẻ xem các chương trình như cuộc thi ca hát trên truyền hình, nơi nhiều người bị từ chối, để từ đó con thấy được những người khác đã vượt qua thất bại như thế nào. Cha mẹ cũng nên lấy ví dụ từ chính cuộc sống của mình khi bị từ chối nhưng đã xử lý tốt.
Đôi khi, sự từ chối giúp trẻ được trải nghiệm nhiều thứ, thậm chí còn thú vị hơn những thứ mà chúng không đạt được. Khi buồn, con người không thể nhìn thấy những mặt tươi sáng và không thể nghĩ ra những chọn lựa tốt hơn. Hãy chia sẻ về lựa chọn khác cùng mặt tích cực của mọi vấn đề với trẻ.
Tạo dũng khí để đối mặt với sự bắt nạt
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, 64% trẻ em chọn im lặng sau khi bị bắt nạt. Chúng không chống trả và không nhờ người lớn giúp đỡ. Tuy nhiên, làm như thế không khiến kẻ bắt nạt dừng lại, thậm chí còn khiến tinh thần trẻ tồi tệ hơn.
Khi trẻ bị bắt nạt, cha mẹ đừng nói “không sao”, mà sẽ trấn an cảm xúc, hiểu và thông cảm với trẻ. Những cuộc nói chuyện sau đó hãy để trẻ hiểu rằng bị bắt nạt không phải là lỗi của chúng, cho trẻ sự khẳng định và hỗ trợ đầy đủ, sau đó tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ tự giải quyết vấn đề, dạy chúng cách “không gây rắc rối, cũng không sợ đụng chạm”.
Không thể ép ai đó thích mình
Khi lớn lên, trẻ sẽ gặp gỡ nhiều người. Với người này, trẻ sẽ nhận được sự đồng tình và yêu mến, nhưng cũng không tránh khỏi những nghi ngờ và phủ nhận của người khác.
Cha mẹ nên dạy con, người bạn tốt rất đáng trân trọng và duy trì quan hệ, nhưng với người ở khác tần số, mất đi mối quan hệ cũng không quá quan trọng. Đừng mong làm hài lòng tất cả mọi người. Quá chiều chuộng cảm xúc của người khác chỉ khiến trẻ thêm mệt mỏi. Sống đúng với con người thật của mình, trẻ sẽ hạnh phúc hơn.
Theo: vnexpress