Những thói quen này ít người chú ý tới nhưng theo thời gian nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cả nhà.
1. Tắt máy hút mùi ngay khi nấu xong
Nhiều người thường có thói quen tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu xong món cuối cùng. Tuy nhiên, hành động này lại gây hại nhiều hơn là lợi. Lý do là khi vừa nấu ăn xong, trong bếp vẫn còn khói dầu và các khí độc hại như carbon monoxide và nitrogen dioxide do bếp ga sinh ra.
Vì thế, để tránh tình trạng hít phải khói độc này, sau khi nấu xong bạn vẫn nên để máy hút mùi hoạt động tiếp trong 3 phút để loại bỏ khói độc hoàn toàn, đồng thời giảm nhiệt trong nhà bếp.
2. Không rửa chảo sau khi chiên một món ăn
Ở một số gia đình, nếu thực đơn có vài món chiên, để tiết kiệm thời gian, họ thường xào nấu món thứ 2 luôn thay vì rửa chảo. Mặc dù cách này tiện lợi nhưng cặn thức ăn của món trước đó, nếu được thêm muối, nước tương, giấm, rất dễ cô đặc lại bởi nhiệt độ cao và sinh ra các chất có hại.
Đặc biệt là các món xào với nhiều dầu mỡ, nếu không rửa sạch chảo rất dễ gây ra các vấn đề khác nhau như cháy cặn, nồi bị dính, có mùi hôi.
3. Đợi đến khi dầu bốc khói mới nấu
Trên thực tế, khi dầu ăn nóng tới mức bốc khói có nghĩa là nhiệt độ đã đạt khoảng 200 độ C. Lúc này, các loại axit béo và glycerin trong dầu sẽ bị oxy hóa, sinh ra một số chất có hại và tạo thành khói dầu.
Nhiệt độ dầu quá cao sẽ dễ phá hủy các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, đặc biệt là các chất có lợi như vitamin C, axit folic và các chất chống oxy hóa trong rau.
4. Rã đông bằng nước sôi
Ở những gia đình không có lò vi sóng, nhiều người thích dùng nước sôi khi rã đông thịt. Rã đông theo cách này sẽ làm thay đổi chất lượng thịt, ảnh hưởng tới mùi vị và phá huỷ đi các chất dinh dưỡng của thịt.
Rã đông tự nhiên tuy tốn thời gian hơn nhưng đảm bảo chất lượng thực phẩm. Có một số cách rã đông nhanh mà không cần dùng nước nóng.
5. Dùng chung một tấm giẻ lau
Nhiều người thích lau bếp khi đang nấu nướng, vừa sạch sẽ vừa tiết kiệm thời gian, một chiếc giẻ lau có thể đảm đương hết công việc lau chùi nhà bếp
Tuy nhiên, việc dùng chung một loại giẻ lau không chỉ dẫn đến hiệu quả làm sạch kém mà còn tạo điều kiện vi khuẩn lây nhiễm chéo. Giẻ lau dính dầu mỡ dễ sinh ra mùi khó chịu và các loại vi khuẩn gây bệnh.
Giẻ lau phải được làm sạch kịp thời và nên sử dụng vải chuyên dụng cho nhà bếp. Trên thực tế, cách đơn giản nhất để làm sạch vết dầu bếp là sử dụng khăn lau nhà bếp dùng một lần, rất tiện lợi và sạch.
6. Máy hút mùi lâu ngày không được vệ sinh
Nhiều người sẽ kịp thời lau sạch những vết bẩn nhìn thấy trong bếp nhưng lại bỏ qua phần bên trong máy hút mùi mà họ không thể nhìn thấy. Nếu máy hút mùi lâu ngày không được vệ sinh, những vết dầu bên trong sẽ bị oxy hóa thành những vết dầu mỡ cứng đầu.
Loại dầu mỡ cứng đầu này rất khó để vệ sinh, bám vào cánh quạt khiến hiệu quả hút mùi giảm mạnh, ảnh hưởng tới tuổi thọ của máy hút mùi.
Đối với máy hút mùi tầm trung nên vệ sinh định kỳ 1 – 2 tháng / lần. Nếu bạn gặp rắc rối với vấn đề máy hút mùi có nhiều vết dầu, có thể sử dụng chất tẩy rửa vết dầu chuyên dụng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
7. Đồ sống và chín dùng chung một thớt
Thức ăn sống và chín cần được tách biệt, không chỉ sử dụng riêng thớt, dao mà khi bảo quản trong tủ lạnh cũng cần được đóng gói riêng để tránh chạm vào nhau.
Bên cạnh đó, nhiều người cứ nghĩ rằng việc trụng thớt, đũa bằng nước sôi sẽ an toàn, nhưng thực tế vi khuẩn không thể bị tiêu diệt hết bằng cách này. Ngoài việc vệ sinh hằng ngày, thớt, đũa cho đồ sống và chín cần để riêng nơi khô ráo.
Nguồn : 24h