Tấm bằng tiến sĩ không phải là trái ngọt duy nhất sau nhiều năm nghiên cứu gian nan của những nghiên cứu sinh. Tấm bằng chỉ là khởi đầu cho nhiều thành quả dài lâu khác trong sự nghiệp của họ.
Hành trình tiến sĩ là chìa khóa mở ra những cánh cửa mới trong sự nghiệp
Kể lại hành trình từ một sinh viên từ một huyện nhỏ ở Thanh Hóa nơi sinh kế người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp đến khi trở thành Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch do Bộ trưởng bổ nhiệm, anh Lê Ngọc Tuấn cho rằng chính những năm tháng theo học Tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Du lịch theo diện học bổng toàn phần của Chính phủ Việt Nam và Trường đại học Victoria Wellington (New Zealand) đã góp phần mang đến cho anh cơ hội này.
Học tiến sĩ là ước mơ của anh Tuấn từ thời còn ngồi trên ghế phổ thông những năm 1990. Ngay từ lúc đó, anh cũng hiểu rằng càng học lên cao thì càng phải hy sinh thời gian, sức lực và cả những cơ hội làm việc trong thực tiễn. Nhưng đổi lại, “học vị hiện tại đã mở ra nhiều cơ hội công việc tốt cho tôi. Tôi vừa đảm trách công việc của mình ở bộ và vẫn tham gia được công tác giảng dạy, hướng dẫn sinh viên tại một số đại học.”, anh cho biết.
Không chỉ thế, đề án nghiên cứu thời nghiên cứu sinh đã định hình lĩnh vực giảng dạy của anh Tuấn một cách sâu sắc. Sau khi một phần kết quả luận án của anh được công bố trên tạp chí chuyên ngành International Journal of Hospitality Management, anh dần đạt tới vị trí một nhà nghiên cứu độc lập và thường xuyên được mời thỉnh giảng tại các trường đại học xoay quanh chủ đề chuyên môn của mình. “Tôi hiện giờ ít gặp khó khăn hơn khi triển khai các công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học, không chỉ ở Việt Nam mà cả tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này”, anh Tuấn hào hứng chia sẻ.
Nhờ vào quá trình học Tiến sĩ ở New Zealand, anh Tuấn ít gặp khó khăn hơn khi triển khai các công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học, không chỉ ở Việt Nam mà cả tầm quốc tế. |
Hành trình tiến sĩ là hành trình thay đổi sâu rộng về nhân sinh quan và lối sống
Bằng tiến sĩ tuy là thành quả dễ nhìn thấy nhất, nhưng chỉ là một phần trong “gia tài” mà các nghiên cứu sinh có được trong thời gian học tập miệt mài. Những thử thách trên hành trình nghiên cứu còn giúp họ mài giũa và nhận ra những đam mê thực thụ của mình và những cái nhìn khác về cuộc sống.
Từng làm việc trong lĩnh vực Tài chính cho nhiều tập đoàn trên thế giới như Intel hay Pfizer, chị Quyên Nguyễn, người hiện đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu Tài chính Khí hậu tại trường Đại học Otago, trường đại học lâu đời nhất của New Zealand, nhận ra tuy chị đam mê với số liệu tài chính, nhưng những hiểu biết thu thập được khi làm việc tại các doanh nghiệp chỉ ở mức bề mặt. Bởi vậy, chị quyết định rẽ hướng sang làm nghiên cứu – điều mà chị gọi là “quyết định đúng đắn nhất trong cuộc sống của mình”. “Việc nghiên cứu đã dạy tôi phải luôn tư duy sâu sắc về một vấn đề”, chị nói.
Chị Quyên thú thực rằng trước khi làm nghiên cứu về mối quan hệ giữa tài chính và khí hậu, chị không có nhiều khái niệm về biến đổi khí hậu, thậm chí là người có lối sống không bền vững, bị phụ thuộc vào chủ nghĩa tiêu thụ không bền vững. Đề tài này được chính giáo sư hướng dẫn của chị gợi ý, và càng đi sâu nghiên cứu, chị lại càng cảm thấy say mê hơn và đang dần áp dụng tư duy bền vững vào cuộc sống. Chị giải thích về điều này như sau: “Rủi ro biến đổi khí hậu có thể tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế. Ai cũng thấy COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta như thế nào. Nhưng nếu virus chỉ là cơn sóng nhỏ, thì biến đổi khí hậu như cố sóng thần vậy. Riêng ở Việt Nam, một quốc gia với đường bờ biển dài, tuy mô hình dự báo còn nhiều giới hạn nhưng không nghi ngờ gì đất nước ta là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi nước biển dâng lên.”
Chị Quyên chia sẻ về cụm từ “bi kịch vượt thế hệ” (Carney, 2015) mà mình thường dùng trong chuyên ngành. Biến đổi khí hậu là một bi kịch như thế vì những người ảnh hưởng nhất chính là con cháu của chúng ta trong khi người phải chịu trách nhiệm chính là chúng ta và những thế hệ đi trước. Chị hy vọng thông qua việc nghiên cứu sâu vấn đề này, chị có thể góp phần vào công cuộc nâng cao nhận thức của cộng đồng, dự báo ảnh hưởng của nước biển dâng tới nhà đất và tài chính trong nền kinh tế Việt Nam, cũng như tạo nên những tiếng nói đa chiều trong cam kết từng bước từ bỏ điện than.
Thông qua nghiên cứu của mình, chị Quyên dần áp dụng tư duy bền vững vào cuộc sống, cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. |
Hành trình tiến sĩ – một hành trình đầy ý nghĩa của cả gia đình
New Zealand là một trong những quốc gia hàng đầu về giáo dục và phúc lợi xã hội. Học tiến sĩ ở New Zealand, nghiên cứu sinh còn có thể đưa cả gia đình tới đây và để con cái được cùng mình tận hưởng sự ưu việt trong nền giáo dục của xứ sở kiwi.
Chị Phương Cao vừa là nghiên cứu sinh diện học bổng (Victoria Doctoral Scholarship) tại khoa Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng, đại học Victoria Wellington, vừa là một người mẹ của hai người con, trong đó cô con gái thứ hai được y học chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển. Hoàn cảnh đặc biệt ấy khiến chị Phương Cao bắt đầu hành trình tiến sĩ muộn hơn mọi người, nhưng bù lại, con trai lớn của chị năm nay 21 tuổi có thể theo học đại học ngay tại Wellington với học bổng bán phần, con con gái chị được theo học lớp giáo dục đặc biệt của một trường phổ thổng công lập.
Môi trường giáo dục tiên tiến tại New Zealand không chỉ cho phép chị Phương phát huy năng lực của mình và có cơ hội được công bố những kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khảo thí hàng đầu thế giới, mà còn cho phép các con chị Phương được phát triển tự nhiên, phù hợp với khả năng của bản thân, và có một cuộc sống hạnh phúc. Bởi vậy mà với chị Phương, hành trình học tiến sĩ là hành trình dài của cả gia đình, một hành trình nhiều gian khó nhưng cũng nhiều trải nghiệm, nhiều ý nghĩa và nhiều niềm vui trọn vẹn.
Với chị Phương, hành trình học tiến sĩ là hành trình dài của cả gia đình, một hành trình nhiều gian khó nhưng cũng nhiều trải nghiệm, nhiều ý nghĩa và nhiều niềm vui trọn vẹn. |
Theo: Tienphong