IELTS lên ngôi

bởi admin

Vừa để đổi điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, vừa dùng trong xét tuyển đại học, chứng chỉ IELTS trở nên có giá, khiến học sinh và phụ huynh dốc sức để lấy.

Lên lớp 11, Nguyễn Thị Thúy ở quận Hà Đông đăng ký khóa học IELTS (bài kiểm tra Anh ngữ quốc tế), học 4 buổi mỗi tuần. Thúy còn học thêm một lớp tiếng Anh bổ trợ, với mục tiêu sẽ đạt điểm 7.0.

“Hai phần ba các bạn lớp em đã luyện IELTS, có bạn học từ lớp 8”, Thúy nói.

Phạm Thu Hà, lớp 11 một trường THPT ở quận Hoàn Kiếm, gần hai tháng qua cũng theo khóa IELTS căn bản. Lớp học hai buổi mỗi tuần trong 2,5 tiếng, hôm nào cũng có bài về nhà. Em dành buổi tối làm lại các dạng bài trên lớp, tự luyện đề và luyện nói cùng bạn.

Thúy và Hà là hai trong hàng chục nghìn học sinh đang tìm cách giảm áp lực thi cử và chắc suất đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Năm nay, số học sinh dùng chứng chỉ IELTS để miễn thi tiếng Anh tốt nghiệp lên đến hơn 46.600.

Hội đồng Anh và IDP, hai đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS tại Việt Nam, không tiết lộ số lượt người thi và số chứng chỉ cấp ra. Tuy nhiên nhìn vào quy mô hoạt động, có thể thấy số kỳ thi đang tăng mạnh mẽ.

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT tại điểm trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội, sáng 28/6. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT tại điểm trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội, sáng 28/6. Ảnh: Giang Huy

Năm 2014, tần suất thi trên giấy của cả BC và IDP là 3 hoặc 4 kỳ mỗi tháng ở thành phố lớn. Năm ngoái, con số tăng lên 4-6 kỳ. Nếu thi trên máy, thí sinh có thể đặt lịch hầu hết các ngày trong tuần, mỗi ngày có đến 3 buổi thi.

Các điểm thi của IDP ở Hà Nội hiện không còn chỗ hoặc sắp hết suất. Muốn thi, thí sinh phải đợi đến tháng 1/2024. Thi trên máy có nhiều suất hơn song cũng trong tình trạng sắp hết chỗ.

Nhu cầu chứng chỉ IELTS cấp thiết đến mức hồi tháng 11/2022, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ thi trên toàn quốc, nhiều học sinh đã phải khăn gói sang ngay Thái Lan để làm bài cho kịp, dù tốn kém hơn chục triệu đồng.

Xét tuyển đại học chắp cánh cho IELTS

Cô Đoàn Thị Nương, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ ECE, cho hay việc học tiếng Anh ngày càng được chú ý, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên quy đổi sang điểm thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT.

Riêng tại Hà Nội, trong ba năm kể từ 2019, số học sinh đủ điều kiện này tăng từ hơn 3.000 lên 10.800, bằng 360%. Tại TP HCM, gần 7.900 thí sinh được miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ năm 2022, tăng 133% so với năm trước.

Số lượng học sinh thi IELTS tăng đều đặn còn do có nhiều trường đại học chấp nhận chứng chỉ này như một phương thức tuyển sinh.

Năm 2017, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) tiên phong đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, vào xét tuyển. Đến năm 2023, có khoảng 100 trường, gồm cả trường khối kinh tế, kỹ thuật và y dược. Các hình thức xét tuyển kết hợp có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường chiếm 5-20% tổng chỉ tiêu. Một vài trường dành chỉ tiêu cao cho diện chứng chỉ, như NEU lên đến 45%.

NEU năm nay nhận được khoảng 11.000 hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh, nhiều nhất trong 6 năm qua. Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trong lần đầu dùng IELTS để xét tuyển, trường chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ. Chỉ một năm sau, số thí sinh có chứng chỉ tăng lên 400, gấp 10 lần. Năm tiếp theo, con số là 2.000, gấp 40 lần.

Hàng loạt trường khối y dược như Đại học Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y Dược TP HCM vốn chỉ tuyển sinh thuần bằng tổ hợp B (Toán, Hóa, Sinh) và A (Toán, Lý, Hóa), cũng đã dùng tới IELTS trong đề án tuyển sinh trong ba năm qua theo hướng ưu tiên thí sinh có chứng chỉ. Đại học Y Hà Nội, năm 2023, điểm chuẩn ngành Y khoa đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là 26, nhóm không có chứng chỉ là 27,73.

Ngày càng nhiều sinh viên quan tâm và sử dụng phương thức xét tuyển dùng IELTS, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho biết. Với các trường, việc này cũng có ý nghĩa trong tuyển sinh.

“Các bài thi chứng chỉ quốc tế không chỉ đánh giá về ngoại ngữ mà còn đánh giá được tư duy phản biện, kỹ năng phân tích – tổng hợp và kỹ năng thuyết trình của thí sinh. Kết quả bài thi được xét cùng một số tiêu chí khác, hoàn toàn phù hợp để nhiều trường tuyển sinh”, ông Hà nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, nói việc xét tuyển đối với thí sinh có các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế còn hỗ trợ đánh giá được khả năng học tập sau này.

Ông Dũng và ông Hà cùng nhận định thời gian tới, việc xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế, trong đó có IELTS, sẽ vẫn được các trường áp dụng.

Ngay cả với khối trường y dược, việc ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được triển khai trong những năm tới. Đại diện Đại học Y Hà Nội nhiều lần khẳng định phương thức này giúp trường tuyển được những sinh viên có ngoại ngữ tốt, góp phần tăng chất lượng đào tạo. Thiếu ngoại ngữ, sinh viên khó có thể tìm tòi tài liệu, tham gia các diễn đàn y học quốc tế, từ đó khó phát triển nghề nghiệp.

Vào guồng IELTS

Để tăng cơ hội đỗ đại học top đầu, phụ huynh sốt sắng cho con luyện IELTS sớm dù tốn kém. Con gái vừa vào lớp 10, chị Đặng Khánh Ly ở quận Hà Đông đã rốt ráo gom nhóm, lập lớp.

“Chúng tôi mời thầy về dạy nhóm 6-7 bạn, với mục tiêu miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ và có lợi thế hơn trong xét tuyển đại học”, chị Ly nói.

Theo chị, chỉ dựa vào điểm tổ hợp xét tuyển ba môn để vào đại học sẽ nhiều rủi ro và áp lực, bởi thi tốt nghiệp THPT chỉ có một lần, còn thi IELTS vô số lần.

“Thêm điểm IELTS, tôi yên tâm hơn”, chị nói.

Mức học phí trung bình để luyện IELTS phổ biến từ 2 đến 5 triệu mỗi tháng. Khóa chuyên sâu Nói, Viết có giá 9 triệu đồng. Các khóa luyện cả 4 kỹ năng phổ biến ở mức 13 đến 15 triệu đồng tùy thời lượng.

Mức chi phí này chiếm từ 1/4 đến vượt quá mức thu nhập trung bình 7,88 triệu đồng/tháng của một lao động, theo kết quả khảo sát đời sống việc làm tiền lương của Viện Công nhân Công đoàn.

Cầu lên cao, nguồn cung bung ra mạnh mẽ. Các trung tâm ngoại ngữ thiết kế nhiều khóa, từ cơ bản đến nâng cao, từ trình độ đầu vào làng nhàng đến khá giỏi, học trực tiếp hoặc trực tuyến. Các cơ sở học được mở rộng thêm. Chẳng hạn, Summit – trung tâm luyện thi tiếng Anh và tư vấn du học – hiện có tới 8 cơ sở ở Hà Nội và TP HCM.

“Số học viên đăng ký học IELTS tăng trưởng đều trong vài năm gần đây, mức tăng tới 30% mỗi năm. Số người học lấy chứng chỉ để xét tuyển đại học tăng nhanh nhất, chiếm 60%”, bà Trần Phương Hoa, Giám đốc điều hành Summit, cho hay.

Các trung tâm mới thành lập cũng có tỷ lệ tăng trưởng học viên 20%. Trung tâm IELTS của một giáo viên từng nhiều lần đạt điểm 9.0 có gần 40.000 người đăng ký học cả trực tiếp và trực tuyến mỗi năm ở ba tỉnh thành.

“Từ năm 2017 đến 2020, chúng tôi tăng trưởng 3 chữ số, còn giờ giữ mức ổn định 15-20% một năm”, người này cho biết.

Điểm mạnh của các khóa luyện IELTS là dạy học sinh dùng được tiếng Anh trong các ngữ cảnh khác nhau, thay vì chỉ tập trung ngữ pháp và bài đọc như trong trường phổ thông. Nếu ôn luyện đúng đắn, người học xây dựng được kiến thức nền, từ vựng, ngữ pháp chắc và có thể sử dụng tiếng Anh ở mức độ học thuật cũng như đời thường.

Trong guồng máy “luyện IELTS”, cũng có những ý kiến thận trọng. Anh Luyện Quang Kiên, sáng lập Trung tâm Ngoại ngữ IELTS iFIGHT, đánh giá đây là bài thi đáng tin cậy và có khả năng đánh giá chính xác, toàn diện năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. Nhưng Kiên khuyến cáo mọi người không nên tham gia cuộc đua điểm cao nếu không cần thiết để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.

“IELTS là xu thế, nhưng càng là xu thế càng cần phải áp dụng đúng lúc đúng chỗ, không phải cứ lao vào học mà không tính toán gì”, anh Kiên nói. Người học cần chú trọng cải thiện trình độ trước và cố gắng duy trì thói quen học ngay cả khi đã có chứng chỉ rồi. Nếu không sẽ có nguy cơ nhà nhà đổ xô học Ielts để tuyển sinh cho bằng bạn bằng bè, rồi lại bỏ bẵng.

Ngoài ra, tập trung học Ielts nhưng cũng không nên lơ là các môn học khác, nhất là trong cuộc chạy đua điểm số thời gian tới, điểm Ielts ngày càng cao lên khiến việc xét tuyển càng khó khăn. Lúc đó, có Ielts cao nhưng vẫn không chắc cửa đại học.

Với người đang “cày IELTS” như nhà chị Ly, ngoài việc cố gắng lấy chứng chỉ để xét tuyển đại học, chị và con cũng nhận thấy rõ mặt tích cực, đó là: động lực để đạt một mục tiêu cụ thể, tự tin hơn trong giao tiếp, công việc. Vì thế, việc Bộ Giáo dục có tiếp tục dùng chứng chỉ này quy đổi điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh hay không, cũng không ảnh hưởng đến lộ trình của mẹ con chị.

“Luyện IELTS giống như một mũi tên trúng hai đích”, chị Ly nói.

Hai cô học sinh lớp 11, Thúy và Hà, vẫn quyết tâm theo đuổi chứng chỉ. “Em sợ đến năm em thi đại học lại có sự thay đổi. Em phải học IELTS để đề phòng”, Hà nói.

Nguồn: vnexpress

Có thể bạn sẽ thích