747
Trước khi trở thành chủ nhân của Forever 21, Chang Do Won và Chang Jin Sook từng bơm xăng, lau chùi thuê, cắt tóc… 19 tiếng mỗi ngày.
Chang Do Won (sinh năm 1954) là người gốc Hàn, sinh ra và lớn lên tại Myungdong, Seoul. Từ lúc còn trẻ, Do Won đã xác định được mục tiêu làm giàu và bắt đầu kiếm tiền từ những công việc làm thêm như rửa bát tại các nhà hàng, làm nhân viên bơm xăng, lau dọn văn phòng… Có thời điểm, ông làm việc quần quật suốt 19 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Vulcanpost. |
Chang Jin Sook, vợ của ông Chang, là một người bạn bằng tuổi. Họ kết hôn khi cả hai tròn 22 tuổi. Với điểm chung là hoài bão làm giàu trên đất Mỹ, thoát khỏi thời kỳ khó khăn tại Hàn Quốc giai đoạn năm 1981, họ quyết tâm tìm đường sang “đất nước cờ hoa” để gây dựng sự nghiệp. “Khi đó, người Hàn Quốc sống không được tốt lắm. Cơ hội thực sự rất ít ỏi”, ông Chang chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes. Ảnh: Korea Channel. |
Khi mới chân ướt chân ráo tới xứ người, hai vợ chồng nhà họ Chang bắt đầu kiếm sống bằng những công việc chân tay với mức lương tối thiểu. “Khoảng 3 USD một giờ. Chừng đó không đủ sống”, ông Chang nhớ lại. Vì thế, ông làm thêm 8 giờ nữa ở một trạm xăng. Sau đó lại nhận lau chùi một văn phòng nhỏ cho đến tận nửa đêm. Còn Jin Sook làm thợ cắt tóc – công việc bà từng làm khi còn ở Hàn Quốc. Ảnh: Forbes. |
Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Chang nhận thấy những người làm trong ngành may mặc đều đi xe rất đẹp. Từ đó ông nảy ra ý tưởng xin việc tại một cửa hàng thời trang. Tại đây, ông đã học được rất nhiều điều mà sau này trở nên hữu ích cho vợ chồng ông trong thời gian gây dựng thương hiệu Fashion 21 (tiền thân của Forever 21). Ảnh: Los Angeles Business Journal. |
Sau 3 năm sống tại Mỹ, cả hai dành dụm được 11.000 USD. Với số vốn đó, họ mở một cửa hàng quần áo nhỏ tại Los Angeles, đặt tên là Fashion 21. Do Won cho biết cửa hàng cũ nơi ông từng làm việc chỉ thu về 30.000 USD mỗi năm, còn Fashion 21 ngay năm đầu tiên đã có 700.000 USD bằng cách tận dụng hàng xả kho – mua trực tiếp từ các hãng sản xuất với số lượng lớn và giá rất rẻ. Ảnh: Business Insiders. |
Việc kinh doanh của họ thành công đến nỗi cứ sau 6 tháng là họ lại mở được một chi nhánh mới. Cuối cùng, cả hai đổi tên công ty thành Forever 21. Chang Do Won từng giải thích về tên thương hiệu của mình: “Đối tượng khách hàng mà chúng tôi nhắm đến là những người trẻ thuộc độ tuổi 20. Những người trung niên muốn sống lại tuổi 21 lần nữa trong khi người trẻ chỉ muốn mình mãi mãi tuổi 21”. Ảnh: Business Insiders. |
Sự phát triển của Forever 21 từng khiến cho nhiều chuyên gia trong giới kinh ngạc vì ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008, Forever 21 cũng chỉ buộc phải đóng cửa một vài cửa hàng. Chang Do Won và Chang Jin Sook đã dẫn dắt thương hiệu vượt qua các chướng ngại một cách ngoạn mục trong suốt 30 năm. Tính đến năm 2016, Forever 21 đã có hơn 600 cửa hàng trên khắp thế giới với doanh thu lên đến 4,4 tỷ USD. Ảnh: Business Insiders. |
Khi được hỏi “Giấc mơ Mỹ” có ý nghĩa thế nào, ông Chang đã trả lời: “Với tôi, gia đình là quan trọng nhất. Khi mọi người nói đến ‘Giấc mơ Mỹ’, tức là họ đang nói về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nếu kinh doanh thành công mà gia đình thất bại, tôi cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì”, ông kết luận. Ảnh: LA Times. |
Forever 21 bắt buộc phải nộp đơn xin phá sản nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh vào tháng 9 vừa qua khi trở thành “nạn nhân” tiếp theo của những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Tuy vậy, nhiều người hy vọng đây chưa phải điểm dừng của Forever 21 cũng như sự nghiệp của cặp vợ chồng người Hàn tài giỏi và giàu nghị lực này. Ảnh: Vulcanpost. |
Theo: Zing