Trang chủ Bài viết HOT Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á: “Với doanh nhân, điều lớn nhất là giá trị của bản thân”

Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á: “Với doanh nhân, điều lớn nhất là giá trị của bản thân”

bởi admin

Làm chủ một doanh nghiệp (DN) không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn để thực hiện sứ mệnh của con người. Với cách nghĩ như vậy, bà Nguyễn Phi Vân cố gắng gieo “những hạt giống tốt” ở những công ty mà bà đầu tư và viết sách chia sẻ từ trải nghiệm thực tế, từ góc nhìn doanh nhân và một người đi nhiều nơi trên thế giới…

Bà cho biết: “Đối với tôi, làm doanh nhân hay không làm doanh nhân không quan trọng lắm. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi tập trung nghe DN trình bày về công ty, kế hoạch, chiến lược của họ, sau đó sẽ thực hiện các bước kiểm tra thông tin, xác nhận thông tin và đưa ra quyết định đầu tư hay không. Khi đã đầu tư vào một công ty nào đó, tôi thường làm việc với ban giám đốc để có thể giúp họ trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian còn lại tôi làm công việc xã hội, như chia sẻ với cộng đồng, startup, sinh viên và viết sách. Nhưng dịch ập đến khiến tôi phải tăng cường độ làm việc”.

Bà tâm sự: “Tôi đã đầu tư vào 24 DN. Nếu một tuần tôi dành cho mỗi DN một cuộc họp trong nửa buổi là đã không đủ thời gian. Nếu làm việc 5 ngày thì chỉ có 10 cuộc họp thôi. Vì vậy, với 24 DN, tôi phải có hơn ba cuộc họp một ngày và bảy ngày một tuần mới đủ”.

DSC07066-1-JPG.jpg

* Đầu tư vào 24 DN, bà có trực tiếp điều hành DN nào không?

– Tôi không trực tiếp điều hành DN. Vai trò của tôi ở các DN mà tôi đầu tư là mentor (hướng dẫn) và coach (huấn luyện) cho các nhà sáng lập để họ nâng cấp kỹ năng tư duy và khả năng điều hành công ty. Họ càng giỏi thì DN càng phát triển.

* Từ một người làm quản lý tại DN nước ngoài chuyển sang công việc chính là tư vấn và đầu tư, điều mà bà thấy khác biệt nhất là gì?

– Khả năng quản trị của DN Việt Nam so với DN các nước phát triển còn khoảng cách rất xa. Startup thì còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng quản trị DN. Còn với DN vừa và nhỏ thường xuất phát điểm là DN gia đình. DN gia đình thường có ba điểm yếu là không minh bạch về tài chính, không xây dựng được nền tảng quản trị chuyên nghiệp, thiếu khả năng nhìn xa để hiểu gần, nhìn cao để hiểu nền tảng. Vì vậy, tôi phải dành nhiều thời gian chia sẻ từ “chuyện lớn” tới “chuyện nhỏ” với chủ những công ty mà tôi đầu tư. Phải xem họ cần gì, thiếu gì, cần phát triển như thế nào. Dựa vào đó, tôi hỗ trợ phát triển nhân sự để họ phát triển DN.

* Nhưng việc đầu tư và tư vấn thì sẽ nhàn hơn việc phải điều hành trực tiếp một DN…

– Không hề. Nếu tôi trực tiếp đưa ra quyết định và thực hiện, triển khai một việc có thể chỉ mất 1/10 thời gian. Nhưng nếu tôi trực tiếp làm như vậy mãi thì không phát triển được nhân sự và như vậy sẽ không có thời gian làm việc khác. Trong giai đoạn đặc biệt này, ở Việt Nam, đầu tư và hướng dẫn cho DN còn bận bịu và vất vả hơn nhiều so với tự điều hành công ty.

* Vậy bà làm thế nào để có thời gian viết sách?

– Trước đây, tôi viết sách trong những thời gian mình không thể làm được việc gì khác, như ngồi chờ chuyến bay, ở trong khách sạn. Khi du lịch, đắm mình vào di tích lịch sử – văn hóa hay cảnh quan, rồi ngồi uống cà phê, tôi có nhiều cảm hứng để viết. Khi Covid-19 xảy ra, phải ngồi nhà, tôi viết để lấp vào khoảng thời gian di chuyển trước đó.

Trước khi dịch, tôi thường dành khoảng 40% thời gian cho công việc, 30% còn lại cho cộng đồng và 30% cho bản thân và gia đình. Nếu không dành thời gian cho bản thân, tôi sẽ không thể làm việc tốt được, không thể sáng tạo nhất định cho việc viết lách. Đó là lý do dù bận và công suất làm việc phải tăng cao, nhưng năm 2021 tôi ra được tác phẩm Mở cửa tương lai.

* Trong số các tác phẩm đã xuất bản, bà ấn tượng với cuốn sách nào nhất?

– Mỗi cuốn sách tôi viết đều xuất phát từ vấn đề xã hội. Tôi không phải là nhà văn, chỉ viết theo kiểu nhìn thấy một vấn đề xã hội cần viết ra để góp phần giải quyết nó là tôi viết. Nên để trả lời câu hỏi thích cuốn sách nào nhất là rất khó. Tuy nhiên, tôi có cảm xúc nhiều nhất khi viết cuốn Tôi đi tìm tôi, bởi cuốn sách đó là những bài học về làm người của một doanh nhân. Doanh nhân không chỉ là làm kinh doanh. Với doanh nhân, điều lớn nhất là giá trị của bản thân. Tôi làm việc ở nhiều quốc gia, gặp rất nhiều người có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, qua đó tôi học được cách để làm người tốt hơn. Tôi luôn nghĩ phải làm người trước, sau đó mới làm doanh nhân. Chứ không phải doanh nhân phải thành công trên thương trường rồi mới nghĩ đến làm người. Chính vì vậy, tác phẩm Tôi đi tìm tôi, tôi chia sẻ nhiều chuyện về cá nhân mình.

Cho đến nay, tôi đã viết 10 cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy, có ba từ khóa, đó là “tôi”, “tương lai”, “thế giới”. Theo tôi, nếu không hiểu về thế giới thì không thể xây dựng DN thành công ở thị trường quốc tế. Nếu không hiểu về tương lai thì không có cách nào để biết hiện tại phải làm gì để đón đầu tương lai. Và từ khóa “tôi” có nghĩa là tất cả mọi thứ phải bắt đầu từ mình. DN không phát triển là lỗi của giới chủ. Nhân sự không giỏi là lỗi của giới chủ. Công ty không vượt qua được thử thách do Covid-19 là lỗi của giới chủ. Tất cả là do chưa đủ kiến thức, chưa đủ khả năng, chưa đủ quyết tâm. Theo tôi, mình tốt thì mọi thứ xung quanh mình sẽ tốt. Do đó, không được phép đổ thừa mà phải nhìn lại bản thân mình. Thành công trong việc quản trị bản thân thì mới quản trị được tốt DN. Mình sống có giá trị, có mục đích thì DN của mình mới có văn hóa. Chung quy lại là doanh nhân phải thay đổi chính bản thân trước.

Nếu không hiểu về thế giới thì không thể xây dựng DN thành công ở thị trường quốc tế. Nếu không hiểu về tương lai thì không có cách nào để biết hiện tại phải làm gì để đón đầu tương lai.

* Viết sách có mang lại thu nhập nhiều hơn so với việc tư vấn mà bà đang làm?

– Những người viết sách như tôi tốn rất nhiều thời gian nhưng không mang lại giá trị kinh tế. Thu nhập từ viết sách của tôi chỉ bằng khoảng 0,1% giá trị thời gian bỏ ra. Thay vì dành một tiếng đồng hồ để làm ra 200 triệu đồng chẳng hạn, thì một tiếng đồng hồ viết sách chỉ được 0,1% số tiền đó thôi. Cho nên về giá trị kinh tế thì không có, chỉ có giá trị chia sẻ với cộng đồng. Đặc biệt là chia sẻ từ trải nghiệm thực tế, từ góc nhìn doanh nhân, từ góc nhìn của nhà đầu tư và một người đi nhiều nơi trên thế giới để giúp thế hệ tiếp nối, thế hệ doanh nhân trẻ, những bạn trẻ sắp bước vào thị trường rút ra được một kinh nghiệm nào đó. Những thu nhập nếu có từ sách thì tôi đều đưa vào thư viện sách chuyên về nghệ thuật và sáng tạo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, có 60 thư viện đã được xây dựng và mục tiêu là có 1.000 thư viện như vậy ở Việt Nam vào năm 2030. Đây là một quỹ mà tôi và một số bạn doanh nhân phối hợp lập ra, cùng thực hiện sứ mệnh chia sẻ và giúp đỡ cho các bạn trẻ Việt Nam.

* Có thời điểm một tháng thì 25 ngày bà ở nước ngoài, nhưng dịch Covid-19 không thể bay quốc tế, vậy làm thế nào để bà thích nghi với việc chỉ ở trong nước?

– Tôi phải thay đổi thói quen, cách tương tác của mình với thế giới. Tôi thường tư duy sáng tạo trong khi di chuyển. Càng di chuyển tôi càng có cảm hứng sáng tạo, ngay cả trong việc viết lách cũng vậy. Hai năm vừa rồi “bị nhốt”, có người không chấp nhận được, bị trầm cảm. Tôi học được cách chấp nhận và đối diện với nó. Khi xác định phải thích nghi, tôi sắp xếp lại công việc. Khó khăn nhất là tìm cảm hứng sáng tạo và tìm những ý tưởng mới. Khi không được ngồi uống cà phê bên lề đường, ngắm một nhà thờ đẹp ở châu Âu, tôi ngắm hoàng hôn, ngắm mưa rơi qua cửa sổ trên đất nước mình và làm thơ để kích thích khả năng sáng tạo.

* Nhắc đến Nguyễn Phi Vân, nhiều người nghĩ đến một con người sáng tạo, còn bà nghĩ về mình thế nào?

– Nguyễn Phi Vân là một người đơn giản nhất về mọi mặt. Tất nhiên, có người sẽ ngạc nhiên khi tôi nói như vậy. Họ sẽ nghĩ, làm sao có thể có một con người đơn giản khi đã làm việc trong nhiều DN ở nước ngoài cũng như trong nước, ở khách sạn 5 sao này tới khách sạn 5 sao khác… Nhưng tôi là một phụ nữ bình thường và đơn giản. Bởi muốn hạnh phúc thì phải biết những gì mình đang có. Ví dụ như đi xe đạp cũng được, ở nhà cỡ nào cũng xong, gặp ai cũng nghĩ đó là một con người mình trân trọng, có thể nói chuyện được, chứ không phân biệt họ có đeo túi hàng hiệu Hermes hay Gucci, họ là doanh nhân tiền tỷ hay là một người trẻ chỉ có vài trăm nghìn trong túi. Tôi không đánh giá người khác bởi những gì họ có. Có những người chẳng có gì trong tay, nhưng có “trái tim trong veo”. Nhưng có những người có tất cả mọi thứ mà “trái tim vẩn đục”. Đó là điều mà ít ai hiểu tại sao lại có thể như vậy. Đây cũng là chủ đề gây tranh cãi trong nhóm bạn tôi.

Tôi làm việc ở nhiều quốc gia, gặp rất nhiều người có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, qua đó tôi học được cách để làm người tốt hơn. Tôi luôn nghĩ phải làm người trước, sau đó mới làm doanh nhân. Chứ không phải doanh nhân phải thành công trên thương trường rồi mới nghĩ đến làm người.

* Khởi đầu năm 2022, bà có thể chia sẻ những dự định của mình?

– Trong năm 2022, có hai việc tôi muốn làm. Việc đầu tiên đó là có thể bay lại được để đi thăm gia đình và bạn bè ở nước ngoài. Việc thứ hai là tham dự một số hội nghị tầm thế giới. Tôi rất thích những hội nghị lớn, bởi gặp được nhiều người mới, học được rất nhiều điều mới mà mình đã bị tước đoạt mất quyền đó trong năm 2021. Và đi được trở lại cũng giúp tôi giải phóng năng lượng, tìm lại được những năng lượng tốt.

Trong hai năm vừa qua, tôi dành thời gian cho DN mà mình có đầu tư, giúp những DN ấy có nền tảng tốt hơn. Bây giờ có thể bước ra thế giới, giúp cho DN của mình có thể phát triển ở thị trường toàn cầu. Hai năm qua, tôi càng thấm thía về nhân sinh. Mình gặp một ai đó hôm nay, nhưng có thể ngày mai không gặp nữa. Mình làm ra bao nhiêu đó tiền, ngày mai không còn nữa… Cho nên với tôi, năm 2022 sẽ cố gắng làm hết những gì muốn làm và chưa làm được. Đồng thời, trong năm nay, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành những mục tiêu xã hội…

* Cụ thể chút được không, thưa bà?

– Tôi có một kế hoạch cho cuộc đời mình là đi hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến năm 2019, tôi đã đến 120 quốc gia trong số 195 quốc gia (nếu kể cả Vatican và Palestine).Tôi cũng chưa đi hết 11 vùng lãnh thổ của thế giới. Trước đây, tôi nghĩ cho đến gần cuối đời, mỗi năm mình có thể đến ba bốn quốc gia, nhưng từ bây giờ có thể nhiều hơn.
Việc nữa là viết sách. Trước đây, tôi thường dùng “thời gian chết” để viết sách, còn bây giờ thì tiện lợi lúc nào viết lúc đó để chia sẻ những kiến thức đến với người thu nhận nó.

Nhưng tôi nhận ra một điều, văn hóa đọc ở nước ta rất thấp. Một cuốn sách của ai đó, nếu là best seller cũng chỉ bán được khoảng chục nghìn bản. Điều đó có nghĩa là sách tiếp cận tới người đọc còn rất hạn chế. Tôi dự định không dừng lại ở sách viết mà còn làm video, voice, có thể cả phim. Tôi đã học một khóa đạo diễn phim ở Ý. Năm 2022, tôi nghĩ mình sẽ bắt tay làm phim, làm những thứ tôi chưa bao giờ làm.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ cởi mở! 

Theo: DNSG

Có thể bạn sẽ thích