Trang chủ GIẢI TRÍ Châu Phi – thị trường điện ảnh mới

Châu Phi – thị trường điện ảnh mới

bởi admin

Châu Phi đang trở thành thị trường điện ảnh tiềm năng được các hãng phim lớn quan tâm. Những phim có nội dung châu Phi đang được đầu tư ngày càng nhiều, mở ra cơ hội cho thị trường này phát triển.

Phim “Iwájú” của Disney.

Mosunmola Abudu, chủ công ty EbonyLife Media tại Nigeria, cho biết: “Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi mới thấy bước ngoặt của phim ảnh châu Phi. Công ty của chúng tôi có chi nhánh ở Anh và Mỹ; tạo cơ hội giới thiệu những câu chuyện về người châu Phi”. EbonyLife Media hiện là công ty châu Phi đầu tiên ký hợp đồng sản xuất phụ đề với Netflix. Trong đó có các phim đã hoàn thành như: “Castle & Castle”, “Oloture”, “Death and the King’s Horseman”, “Blood Sisters”. EbonyLife Media còn hợp tác với nhiều đơn vị khác từ Hollywood: Sony Pictures Television, Westbrook Studios, Will Packer Productions và Universal Studios để sản xuất các phim điện ảnh, truyền hình ở châu Phi.

Nhiều hãng lớn của Hollywood cũng tìm đến những đối tác ở châu Phi để mở rộng thị trường. Amazon vừa ký hai hợp đồng lớn với công ty sản xuất phim Inkblot Studios và Anthill Studios ở Nigeria. Còn Disney+ sẽ mở rộng thị phần ở châu Phi trong năm nay, bắt đầu từ Nam Phi. Ðể chuẩn bị cho việc này, Disney hợp tác cùng xưởng phim hoạt hình Triggerfish Animation Studios để sản xuất phim “Kizazi Moto: Generation of Fire”. Disney cũng đã công bố hình ảnh đầu tiên của “Iwájú” – loạt phim về nền văn hóa Yoruba. Ðây là dự án phim do hãng Kugali Media của châu Phi hợp tác cùng Disney sản xuất.

Châu Phi đang là thị trường tiềm năng, với lượng người đăng ký các nền tảng gia tăng. Do đó nội dung về châu Phi sẽ được gia tăng sản xuất. Ben Amadasun, Giám đốc phụ trách nội dung của Netflix tại châu Phi, cho biết: “Trước đây, những câu chuyện châu Phi được kể bởi người nước ngoài. Còn hiện tại chúng tôi muốn giúp các tài năng địa phương kể câu chuyện của họ với thế giới”. Netflix đang mở rộng nội dung ở khu vực này với sự đầu tư lớn. Từ năm 2020, Netflix đã ký hợp đồng với UpperRoom Productions để sản xuất các phim không nói tiếng Anh lấy bối cảnh ở Tây và Ðông Phi. Một trong những tác phẩm thành công là “Amina” – phim Nigeria đầu tiên vào danh sách top 10 phim toàn cầu của Netflix. Ðạo diễn Kunle Afolayan nói: “3-4 năm trước, tôi rất chật vật mới bán được phim châu Phi cho các nền tảng quốc tế, còn giờ thì bình quân tôi có thể làm từ 1-2 phim trong năm và dễ tìm đầu ra”.

Chuyên gia phân tích thị trường Tony Maroulis cho biết lượng người đăng ký nền tảng trực tuyến ở châu Phi đang gia tăng, nhất là với Netflix. Trong khi thị trường ở Bắc Mỹ, Tây Âu đã gần như bão hòa; thì châu Phi, nhất là khu vực cận Sahara, được xem là thị trường rất tiềm năng. Tony Maroulis dự báo năm 2022 ở châu Phi sẽ có khoảng 1,4 triệu người dùng đăng ký dịch vụ xem trực tuyến tính phí (SVOD). Ðến năm 2026 con số này có thể là 2,4 triệu. Việc rót vốn xây dựng nội dung châu Phi là một trong những chiến lược mở rộng thị trường của các hãng lớn, trong đó vấn đề then chốt là sản xuất nội dung địa phương cho khán giả địa phương. Hiện tại các khoản đầu tư quốc tế vào nội dung châu Phi đang tập trung về Nigeria, Nam Phi và Kenya- ba quốc gia sở hữu ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình tương đối phát triển, có số dân nói tiếng Anh đông tại châu Phi.

Theo: Baocantho

Có thể bạn sẽ thích