Để cuộc sống bớt khó khăn, nhiều người chấp nhận xa tổ ấm gia đình đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, ít ai biết rằng, phía sau những chuyến xuất khẩu lao động đó là cả trăm nỗi niềm cơ cực của kẻ ở, người đi.
Có nhà lầu, xe hơi… nhờ xuất ngoại
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần có mặt tại xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về vùng quê này là sự đổi thay không ngờ. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Trên những con đường bê tông sạch đẹp được trang trí bằng những dải cờ đuôi nheo, đèn nháy đủ màu sắc, trẻ con nô đùa trong những bộ quần áo mới…
Người dân Cương Gián trước đây sống chủ yếu bằng nghề biển, nhưng gần 30 năm trở lại đây, một số người dân Cương Gián mạnh dạn theo đường biển sang Hàn Quốc, Đài Loan làm ăn và cho thu nhập ổn định hơn các ngành nghề khác. Từ đó, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) rộ lên, nhiều người “kéo” nhau đi, người đi trước hướng dẫn người đi sau khiến đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt.
Hôm nay về xã Cương Gián, nhà hàng, quán mọc khắp nơi, ban đêm đèn điện sáng rực. Bóng dáng của quá trình đô thị hóa len lỏi vào từng nếp nhà, lối sống và suy nghĩ của nhiều người. Khung cảnh đó tạo nên cái sự viên mãn, giàu có của một làng quê, nhưng phía sau nó lại ẩn chứa biết bao tâm sự.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng hơn 2.700 người đang lao động tại nước ngoài. Chủ yếu là các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… và một số nước châu Âu.
Lãnh đạo xã Cương Gián đánh giá, số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, nhận thức của người dân nâng lên từng ngày… XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình, tạo nguồn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã và làm cho diện mạo xã ngày càng khởi sắc.
“Vì muốn cải thiện đời sống nên nhiều người dân đã phải sang xứ người làm thuê. Hầu hết gia đình nào cũng có người đi XKLĐ, vì thế nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt” – ông Hà cho biết thêm.
Trước kia, người dân nơi đây chịu khó làm ăn, đầu tắt mặt tối chăm lo cho vài sào ruộng, ra biển đánh bắt hải sản…, vất vả là vậy mà cuộc sống cũng chỉ tạm đủ ăn. Còn bây giờ đã hoàn toàn khác. Có gia đình cùng lúc có cả 4, 5 người con đi XKLĐ. Tiền gửi về rất nhiều, có người bỏ cả mấy chục tỷ đồng để xây nhà thờ họ, tiền gửi ngân hàng thì vô kể, nhiều gia đình từ nông dân chân đất đã trở thành những tỷ phú với nhiều bất động sản tại TP Vinh, TP Hà Tĩnh…
Chuyện buồn vui ngày giáp Tết
Cương Gián trước đây thì nghèo nhưng giờ thời đó đã xa, ở đây giờ không còn nhà cửa lụp xụp mà đã là những nhà đúc, nhà xây, biệt thự. Đến cả những khu lăng mộ ở nghĩa trang cũng họ cũng xây dựng chu đáo, tiền triệu tiền tỉ cả. Những hình ảnh đó đúng như cái tên mà nhiều người hay gọi “xã xuất ngoại” hay “xã tỷ phú”. Thế nhưng, sau những ánh hào quang đó là những câu chuyện buồn – vui của nhiều gia đình đang có người xuất ngoại làm công cũng mang nhiều màu sắc, cảm xúc khác nhau.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang còn mùi sơn mới, bà Dương Thị T. (SN 1970, ở thôn Bắc Sơn) rưng rưng tâm sự: “Con trai tôi đi XKLĐ biển gần bờ tại Hàn Quốc đã được gần 4 năm, thu nhập cũng khá. Sau khi nó gửi tiền về trả xong nợ lãi, còn dư giả chút ít, tôi vay mượn thêm người thân xây căn nhà này. Nghĩ cảnh con bán mồ hôi nơi xứ người, tôi thấy thương đứt ruột. Bên kia (Hàn Quốc – PV) lạnh lắm. Thỉnh thoảng nó mới tranh thủ gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình”.
Cách đó không xa là nhà chị Nguyễn Thị Vân (SN 1992, ở thôn Trung Sơn), chị Vân lấy chồng được 5 năm, vợ chồng chị có một đứa con trai 4 tuổi. Theo lời kể của chị, sau khi lấy nhau chồng chị là anh N.Đ.T không có việc làm ổn định nên gia đình vay mượn tiền để đi XKLĐ Đài Loan, sau 3 năm hết hợp đồng anh T. trở về địa phương. Cuộc sống vẫn khó khăn nên anh T. quyết định đi Canada. Gần 4 năm nay anh T. chưa về thăm vợ con, bố con anh chỉ nhìn thấy nhau qua những cuộc gọi điện thoại.
“Đáng lẽ năm nay chồng tôi về ăn Tết thế nhưng do dịch COVID-19 công việc bên đó bấp bênh, tiền làm ra không được nhiều mà chi phí để về Việt Nam lại cao nên năm nay anh ấy lại phải lỡ hẹn cùng gia đình”, chị Vân tâm sự.
Còn đối với ông bà Hoàng Đức T. (81 tuổi) và Hoàng Thị K. (80 tuổi) ở thôn Tân Thượng, có thời điểm trong gia đình ông bà có 15 người từ con trai, con gái, dâu, rể và cháu đi XKLĐ. Người đi lâu nhất hơn 16 năm, để lại hai đứa con nhỏ cho ông bà trông nom.
Bà K. sụt sùi: “Mặc dù tiền bạc được các con gửi về đầy đủ nhưng hai thân già cũng hiu quạnh lắm, nhất là những ngày tết nhà láng giềng thì con cháu đến chúc tết cười nói rôm rả, còn các con tôi đều nơi đất khách. Ngày Tết đến vợ chồng tôi chỉ được nhìn con, cháu qua màn hình điện thoại, nhiều hôm các cháu trò chuyện với bố mẹ chúng nó rồi khóc nức nở. Buồn là vậy nhưng vì cuộc sống nên đành chấp nhận”.
Có tiền xây biệt thự, nhiều gia đình chịu chơi ở Cương Gián còn nảy sinh nhu cầu sắm xe hơi. Từ một làng quê vốn phổ biến là xe đạp, lác đác xe máy cách đây ít năm, đến nay, không quá khó để bắt gặp những chiếc xe hơi đậu ở lề đường hay trong ngõ xóm. Một người dân Cương Gián cho biết: “Ở đây chỉ thiếu xe sang thôi, chứ xe trên dưới 1 tỷ đồng không phải là hiếm ở vùng quê này nữa rồi”.
Rời Cương Gián, nhìn lại những ngôi nhà tầng san sát nhau, chúng tôi nghĩ đây như là một đô thị phồn hoa nào đó chứ không phải một vùng quê biển nghèo. Chỉ là, ở sau những ngôi nhà khang trang kia là những giọt nước mắt của những người chồng xa vợ, người con xa mẹ, mong một ngày Tết được quây quần, đoàn tụ bên nhau.
Theo: Giadinh