Việc doanh nghiệp thuộc tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett chuyển sản xuất giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ kéo theo sự dịch chuyển của 8.000 việc làm.
Ngoài giày chạy, Brooks còn sản xuất và bán quần áo thể thao. Ảnh: KOMO News.
Brooks Running, doanh nghiệp thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway của vị tỷ phú nổi tiếng Warren Buffett sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất giày từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chiến tranh thương mại.
Jim Weber, Giám đốc điều hành của Brooks kể từ năm 2001, trong cuộc phỏng vấn với Reuters mới đây cho biết quyết định di chuyển được đưa ra vào tháng Một vừa qua khi vị Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa gia tăng thuế lên mức 45% từ 20% trước đó đối với sản phẩm giày.
Vị giám đốc cho biết mối đe dọa này đã gia tăng sức ép lên doanh nghiệp chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao của tỷ phú Warren Buffett bởi không thể đơn giản tăng giá bán của sản phẩm giày từ 100 USD hiện nay lên mức 160 USD.
Mặc dù thời gian qua căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất đã lắng xuống nhưng doanh nghiệp này cho biết không thể chờ đợi một giải pháp.
“Chúng tôi dự kiến rút hầu hết hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chúng tôi phải đưa ra quyết định mang tính dài hạn trong bối cảnh này. Khá rắc rối nhưng đây là sự thật. Phần lớn sản xuất sẽ đặt tại Việt Nam trước cuối năm nay”, Reuters dẫn lời ông Jim Weber.
Khoảng 8.000 việc làm sẽ được dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam theo sự thay đổi này, ông Weber cho biết thêm.
Phát ngôn viên của Brooks cho rằng đàm phán thương mại đang khiến tình hình trở nên khó lường hơn và do đó, doanh nghiệp này cần vạch ra kế hoạch đảm bảo tương lai cho hoạt động kinh doanh, Asian Nikkei Review đưa tin.
Hiện Việt Nam chiếm khoảng 55% hoạt động sản xuất giày của Brooks và phần còn lại được đặt tại Trung Quốc. Sản phẩm giày của doanh nghiệp này được bán tại 56 quốc gia, mang lại phần lớn doanh thu hàng năm cho công ty.
Năm 2018, doanh thu của Brooks đạt 644 triệu USD, tăng tới 26% so với năm trước đó. 4 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Brooks tăng 22%, đặt mục tiêu 750 triệu USD vào cuối năm và 1 tỷ USD vào năm 2021.
Ông Weber cho biết Brooks có thể bắt đầu sản xuất giày thêm tại quốc gia thứ ba bắt đầu từ năm sau nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng. Tỷ lệ sản lượng cuối cùng của Brooks có thể sẽ là 65% từ Việt Nam, 10% từ Trung Quốc và 25% từ một nước khác.
Việt Nam đang nổi lên là một lựa chọn ưa chuộng của nhiều doanh nghiệp khi có sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì lo sợ thuế quan gia tăng do chiến tranh thương mại.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án liên kết USAID cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết 35% công ty Mỹ tại Trung Quốc được AmCham phỏng vấn trong năm 2018 đã hoặc dự định rời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Điều tra UBS của Bloomberg hồi tháng 2 vừa qua thậm chí còn cho thấy mức độ cao hơn với 62% doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã, đang hoặc xem xét việc dời cơ sở sản xuất ra khỏi Bắc Kinh.
Chiến tranh thương mại như một cú huých kéo nhiều doanh nghiệp tới Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo Bloomberg, hai nhà cung cấp của Apple là GoerTek của Trung Quốc và tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision Industry (hay còn được biết đến là Foxconn) cũng như một số đối thủ khác đã di chuyển sang Việt Nam giữa căng thẳng thương mại.
Nhà cung cấp đồ gia dụng của Mỹ Haverty Furniture cũng đang tăng cường sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này do áp lực thuế quan.
Thời gian qua, chiến tranh thương mại đã có xu hướng dịu đi khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực đàm phán, tìm đến kết quả là một thỏa thuận thương mại.
Vòng đàm phán mới nhất vừa kết thúc tại Bắc Kinh tuần này và dự kiến vòng tiếp theo sẽ diễn ra tại Washington vào tuần sau, gia tăng hy vọng vào cái kết đẹp cho căng thẳng thương mại diễn ra từ năm ngoái.
Theo: TheLeader