Cho đến nay chưa có sự kiện nào, trong thể thao hay ở lĩnh vực khác, có thể được coi là lớn hơn Cúp bóng đá thế giới. Ngay cả Thế vận hội cũng không thể so sánh được với World cup.
Cúp bóng đá thế giới tại Qatar năm nay sẽ có khoảng năm tỷ lượt người xem trên vô tuyến truyền hình và hơn một triệu người đến xem tại chỗ. Với số lượng khán giả khổng lồ như vậy, nhiều người cho rằng đăng cai Cúp bóng đá thế giới là rất có lợi về tài chính, các nước có thể thu tiền vé vào cửa, tiền bán hàng, tiền tài trợ của các công ty, tiền thu của khách sạn, ăn uống. Những khoản tiền này là rất lớn.
Nhưng liệu với nước đăng cai, số tiền thu được có đáng với số tiền đầu tư để tổ chức sự kiện hay không?
Câu trả lời ngắn là không.
Câu trả lời dài thì phức tạp hơn.
Hầu hết các nước đăng cai tổ chức phải chi ra hàng tỷ đô la Mỹ để chuẩn bị, xây dựng cơ sở hạ tầng và khách sạn. Năm 2010, Nam Phi phải chi ra ba tỷ đô la Mỹ để sửa chữa và xây mới 10 sân vận động (hai tỷ đô la), cũng như nâng cấp sân bay, đường cao tốc và đường sắt (một tỷ đô). Đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2014, Brazil phải chi 11,6 tỷ đô la, tiếp đến Nga chi 16 tỷ đô la và Qatar chi 220 tỷ đô la cho Cúp bóng đá hiện đang diễn ra tại Doha.
Đúng, Cúp bóng đá thế giới là máy in tiền. Chỉ tính riêng tiền bán quyền truyền hình năm 2018 đã thu được 4,6 tỷ đô la và Cúp bóng đá hiện tại thu được khoảng 6 tỷ đô la. Tuy nhiên, số tiền thu không phải của nước đăng cai mà là của FIFA. Tại cúp bóng đá thế giới lần này, FIFA đã có một ngoại lệ, trao bản quyền cho hãng truyền hình Al Jazeera của Qatar.
Tương tự như vậy, tiền bán vé vào cửa là của một công ty mà FIFA nắm giữ 100% cổ phần. Quyền tiếp thị, giá trị khoảng 1 tỷ đô la trong giải hiện tại là cũng của FIFA. Lẽ dĩ nhiên, FIFA phải chi cho Qatar để tổ chức Cúp với số tiền khoảng 1,7 tỷ đô la, kể cả 440 triệu đô la tiền thưởng cho các đội đoạt giải.
Với lượng cổ động viên ước tính là một triệu người trong một tháng, nước đăng cai được hưởng từ tiền phòng, tiền thu từ nhà hàng… Tuy nhiên, để có thể thu xếp chỗ ăn và ở cho số lượng người lớn như vậy trong một thời gian ngắn thì cần phải xây dựng cơ sở mới và chi phí cho việc này thường vượt quá thu nhập của các cơ sở mới về ngắn hạn.
Câu hỏi đặt ra là nếu như vậy thì ai là người hưởng lợi?
Nhìn vào Cúp bóng đá hiện tại, chúng ta thấy người hưởng lợi không phải là những công nhân nước ngoài làm việc tại khách sạn. Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết: “Giá khách sạn tăng cao trong những sự kiện đông khán giả, nhưng lương của công nhân dịch vụ không nhất thiết sẽ tăng theo một cách tương ứng. Điều này có nghĩa là lãi vốn sẽ cao hơn nhiều so với lãi lao động”. Cuối cùng thì người có tiền là những người được hưởng nhiều hơn.
Thêm vào đó, nước đăng cai cũng không thể thu thuế từ hàng hoá, nước uống của các đối tác của FIFA do cổ động viên mua do theo quy định của FIFA tất cả những mặt hàng của các công ty tài trợ cho sự kiện được miễn thuế. Tại Cúp bóng đá thế giới năm 2006, số tiền thuế Đức miễn theo quy định là 272 triệu đô la, khoản tiền không nhỏ.
Vì những lý do như vậy, về ngắn hạn đăng cai Cúp bóng đá thế giới không có nhiều ý nghĩa về tài chính. Nhưng còn có những điều lớn hơn tiền.
Về ngoại giao, đăng cai Cúp bóng đá thế giới là hoạt động quyền lực mềm. Đó là dịp chứng minh cho thế giới là có thể đầu tư vào nước mình hay tiến hành kinh doanh với tất cả cơ sở hạ tầng đã được xây dựng.
Về dài hạn, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp các nước đăng cai phát triển kinh tế. Đường xá và các dự án giao thông mới còn có tác dụng nhiều năm sau. Với nước đăng cai, Cúp bóng đá thế giới còn là niềm tự hào, là vinh dự và là cơ hội để quảng bá cho đất nước mình.
Tuy nhiên, với nước đăng cai, bài toán là cái nào lớn hơn, điểm lợi hay điểm không lợi? Do vậy, đăng cai bất kỳ sự kiện nào, trong lĩnh vực thể thao, văn hoá hay các lĩnh vực khác, nước chủ nhà cũng cần phải cân nhắc kỹ chi phí và lợi ích để tránh việc cơ sở hạ tầng xây dựng cho sự kiện không được sử dụng một cách hữu hiệu sau này, chưa nói đến phải trả những khoản nợ lớn, gây khó khăn cho nền kinh tế.
Theo: congdankhuyenhoc