471
“Đừng bao giờ quyết định kinh doanh với một cảm xúc trong lòng và chọn được các đối tác cũng vậy”, doanh nhân Lý Xuân Hải viết trên trang cá nhân.
1. Một doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông chủ định cải tổ lại doanh nghiệp nhưng không kịp: Một khoản nợ đến hạn không trả được. Các ngân hàng không cho đảo nợ. Không kiếm đâu ra nguồn. Doanh nghiệp mất thanh khoản.
Điều khoản Cross Default (vỡ nợ chéo) tại các hợp đồng tín dụng được kích hoạt: Khi đã không trả được 1 khoản nợ thì tất cả các khoản nợ khác coi như đến hạn trả. Tất cả chủ nợ cùng đòi trả ngay. Các ngân hàng, quỹ khác nghe doanh nghiệp không trả được nợ… chả ai dám cho vay nữa.
Các nhà cung cấp thấy vậy cũng không bán hàng trả chậm như trước. Thiếu tiền trả lương nhân viên nghỉ việc. Chất lượng công việc đi xuống. Suốt ngày tiếp chủ nợ. Kiện cáo. Công an bắt đầu gọi lên… uống trà. Mọi thứ đảo lộn, chả còn thời gian, đầu óc đâu làm việc. Chủ doanh nghiệp nghĩ đến chuyện bỏ hết… chấp nhận phá sản.
Ông Lý Xuân Hải |
2. Chợt một ngày một người đến gặp chủ doanh nghiệp: “Chúng tôi từ Quỹ của Bill Gate. Thấy doanh nghiệp anh vốn rất tốt. Khó khăn chỉ tạm thời. Đây cho anh mượn 1 triệu USD. Sau 1 năm anh trả tôi!”. Nơi xong rút ra tờ Séc 1 triệu USD thật đưa cho chủ doanh nghiệp.
Mừng húm chủ doanh nghiệp đến ngân hàng định chuyển ra tiền mặt trả bớt nợ cho nhẹ đời.
Nhưng chợt nghĩ: Trả ngân hàng này còn ngân hàng khác, chủ nợ khác, nhà cung cấp… Trả rồi cũng phá sản. Vì hàng tồn kho, thành phẩm dở dang bán ai mua, nợ thì chưa đòi được. Trả ngay hết thì mất doanh nghiệp, để giữ doanh nghiệp cần thời gian.
Anh ta suy nghĩ kỹ rồi quyết định đến ngân hàng uy tín nhất và đặt tờ Séc lên bàn, nói:
“Tờ Séc này sẽ đảm bảo khả năng chi trả trong vòng 1 năm tới. Các ông đừng ngăn giải ngân mới cho tôi và tiếp tục giữ nguyên hạn mức cũ. Tôi sẽ có kế hoạch cải tổ lại doanh nghiệp!”. Ngân hàng thấy anh ta đầy tự tin và quyết đoán, lại có Séc của Quỹ Bill Gate đảm bảo… nên đồng ý.
Nghe tin ngân hàng uy tín nhất cấp tín dụng trở lại, các ngân hàng nhỏ hơn lại giải ngân, nhà cung cấp lại cho nợ, sản xuất lại tiếp tục. Bớt thời gian uống trà với công an và gặp chủ nợ, lại có tờ Séc chống lưng, chủ doanh nghiệp yên tâm bắt đầu suy nghĩ học hỏi, quyết liệt tổ chức lại doanh nghiệp: Nhân sự, tổ chức, loại bỏ khách hàng xấu và sản phẩm không cạnh tranh, tổ chức lại bán hàng. Doanh nghiệp qua cơn nguy khốn và trở lại hoạt động bình thường.
Chủ doanh nghiệp lấy lại tờ Séc từ ngân hàng và đi tìm ân nhân để trả lại. Đến văn phòng Quỹ Bill Gate người ta cười bảo làm gì có cái này, đây là Séc giả thôi. Nhiều người bị lừa rồi: Người cho Séc là một bệnh nhân thần kinh thể hoang tưởng.
Chủ doanh nghiệp choáng váng: Hoá ra toàn bộ thời gian vừa qua với anh ta mọi thứ không đổi. Nhưng nhờ cái Séc anh ta tự tin, bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán hơn để suy nghĩ và hành động… gây được niềm tin ở các chủ nợ. Bản thân tờ Séc chưa khi nào được sử dụng.
Mọi thứ khốn khổ trước đây là do cảm xúc và sau đó cũng vậy. Đều chỉ là cảm xúc!
3. Kết luận:
a. Thanh khoản là sống còn! Doanh nghiệp cần chuẩn bị các kịch bản cho khủng hoảng thanh khoản. Hãy luôn có nguồn thanh khoản dự phòng.
b. Cross Default là điều thường xuyên diễn ra gây “cái chết bất ngờ” với nhiều doanh nghiệp.
c. Cảm xúc, tiêu cực hay tích cực cũng vậy, đều độc hại cho quyết định kinh doanh.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam chúc các doanh nhân khỏe mạnh, hạnh phúc, thành đạt, thanh khoản sẵn sàng để không bao giờ bị Cross Default đe dọa, đừng bao giờ quyết định kinh doanh với một cảm xúc trong lòng và chọn được các đối tác cũng vậy.
Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp) và là tiến sĩ Toán – Lý thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus).
Ông Hải bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Trimex – Moscow. Năm 1996, ông gia nhập Ngân hàng TMCP Á Châu trên cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng. Năm 2005, ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc và trúng cử thành viên HĐQT ACB từ năm 2008 đến năm 2012.
Ông từng được bầu là “lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam” năm 2007 và năm 2010.
Tháng 7/2017, ông Hải bắt đầu công việc mới, đảm nhận vị trí Chủ tịch Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc (Baoloc Silk Group). Ông nắm giữ 27% cổ phần của công ty này.
Cuối năm 2017, ông Hải làm Trưởng ban chiến lược tại Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) theo lời mời của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.
Mới đây, ông Hải bất ngờ có mặt trong danh sách đại diện ủy quyền Kusto Group tại Coteccons, sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm.
Theo: Vietnamdaily