Một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự thế giới trong năm 2019 có thể đến từ nước Mỹ.
Nhìn lại một năm về quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga, cũng như đánh giá cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2019, Tiến sĩ Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ quốc tế Mỹ, bày tỏ hy vọng thỏa thuận hòa hoãn trong 90 ngày mà Washington và Bắc Kinh vừa đạt được để tham vấn và đàm phán sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng trong thời gian tới.
Về triển vọng quan hệ Mỹ – Trung, Tiến sĩ Elizabeth Economy cho rằng thế giới đang chứng kiến thời điểm nền kinh tế thứ hai toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Mặc dù phải chịu những sức ép từ Mỹ và một số nước châu Âu cùng Nhật Bản và Australia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc đang muốn nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo bà Elizabeth, nếu thành công trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế của Trung quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ hạ nhiệt vì thực ra điều mà nước Mỹ muốn đạt được trong cuộc chiến thương mại này không chỉ là giảm thâm hụt thương mại song phương mà thực chất là yêu cầu phía Trung Quốc phải cải tổ cấu trúc kinh tế sâu rộng và thực chất, nhất là các vấn đề như bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, rồi bảo hộ các công ty nhà nước, cũng như mở cửa cho các công ty nước ngoài vào Trung Quốc.
Đề cập đến quan hệ giữa Mỹ – Nga và dự báo về khả năng có tiếp tục căng thẳng trong năm 2019, bà Elizabeth cho rằng căng thẳng kéo dài trong quan hệ Mỹ – Nga là toàn toàn có thể xảy ra, bởi lẽ cho đến nay không có dấu hiệu cho thấy bên nào tỏ ra nỗ lực để giải quyết căng thẳng hay nỗ lực tìm kiếm điểm chung, mục đích chung để tìm ra giải pháp. Việc Mỹ hiện nay vẫn đang tiếp tục điều tra xem Nga có đóng vai trò can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không cho thấy rất ít khả năng chính quyền Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Bà Elizabeth nhận định trong năm 2018, trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp đã bị thử thách, một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự thế giới trong năm 2019 có thể đến từ nước Mỹ. Theo bà, trong bối cảnh, nước Mỹ không còn quan tâm đến việc phản đối hay bảo vệ các cơ chế quốc tế truyền thống nữa, thậm chí nước Mỹ thách thức cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rút khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc…, một khi nền kinh tế hàng đầu thế giới không còn vị trí trong các tổ chức quốc tế lớn, trật tự thế giới bị đe dọa là hoàn toàn có thể hiểu được.
Trong khi đó, Trung Quốc đang muốn thay đổi hệ thống các giá trị, các tiêu chuẩn của các cơ chế quốc tế, trong khi tích cực mở rộng quan hệ với các nước châu Phi như Tanzania, Kenya, Sudan, rồi cả các nước như Afghanistan hay Peru…. Như vậy thách thức không chỉ đến từ việc nước Mỹ đã thay đổi không còn quan tâm đến các vấn đề lớn của thế giới mà thách thức còn là việc Trung Quốc đang nỗ lực muốn thay đổi “luật chơi và kiến tạo sân chơi mới”.
Ngoài những nhân tố như Mỹ, Trung Quốc và Nga, những yếu tố nữa ảnh hưởng đến trật tự thế giới trong năm 2019 phải kể đến là Anh, Đức, hay Nhật Bản. Tuy nhiên, theo bà Elizabeth, trong bối cảnh nhiều nước ở châu Âu còn đang phải đau đầu giải quyết những vấn đề nội bộ, khó có thể tập trung cho những vấn đề lớn và khó như biến đổi khí hậu, nói chung hiện tại không thấy nước nào nổi lên đủ khả năng để đảm trách vai trò dẫn dắt thế giới cả.
Bà Economy là tác giả của nhiều cuốn sách về quan hệ đối ngoại và cũng là cây viết bình luận cho nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Harvard Business Review, New York Times và Washington Post; và giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Đại học Columbia, Đại học Johns Hopkins và Đại học Washington.