Hiện nay, giá các sản phẩm tour nước ngoài từng được người Việt yêu thích đang bị đẩy lên cao do nhiều yếu tố. Điều này khiến việc du lịch trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ với Zing, nhiều doanh nghiệp lữ hành có thế mạnh về mảng outbound (đưa khách Việt Nam đi nước ngoài) bày tỏ sự vui mừng trước thông tin mở cửa lại hoạt động du lịch cũng như mở lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, để thị trường outbound sôi động trở lại vẫn cần chờ thêm thời gian khi còn nhiều cản trở trước mắt.
Giá tăng chóng mặt
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, giá các tour từ Việt Nam đi nước ngoài đang tăng mạnh so với thời điểm trước dịch.
Ví dụ, tour đi Campuchia ngày trước có thể di chuyển bằng đường bộ, qua các cửa khẩu với giá chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/người. Hiện nay, khách buộc phải di chuyển bằng máy bay với mức giá lên tới khoảng 18-20 triệu đồng/người.
Trong khi đó, tour Thái Lan ngày trước phổ biến với mức giá 6-10 triệu đồng/người, đã bao gồm ở khách sạn 5 sao. Bây giờ, số tiền du khách phải từ 12 triệu đồng.
Tour bờ Tây nước Mỹ cũng “độn giá” từ 40 triệu đồng/người lên khoảng 80-100 triệu đồng/người lúc này. Các tour châu Âu quen thuộc không nằm ngoài quy luật tăng giá chung. Điều nay gây ra nhiều trở ngại với khách du lịch có nhu cầu.
“Xương sống của một tour du lịch nằm ở giá vé máy bay. Hiện nay, giá vé máy bay tăng lên rất nhiều. Trước kia, mỗi ngày có nhiều hãng bay hoạt động. Mỗi hãng bay lại có rất nhiều chuyến. Nhưng giờ chuyến bay nội địa còn ít thì nói gì đến bay quốc tế. Đó là chưa kể giá nhà hàng, khách sạn, xe… tăng và phí xét nghiệm PCR nữa”, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ.
Nhìn chung, theo đa số công ty du lịch, các tour lúc này chắc chắn không thể đông khách. Khi đoàn ít khách, mức giá bị độn lên là điều dễ hiểu. Ví dụ, tour Pháp – Luxembourg – Bỉ – Hà Lan – Đức từng có giá khoảng 54 triệu đồng/người, nay khoảng 69 triệu đồng/người. Tuy nhiên, mức 69 triệu đồng/người sẽ chỉ áp dụng được nếu đoàn đủ 20 khách. Nếu đoàn chỉ có khoảng 10 khách, mức giá sẽ đội lên thêm tầm 5-6 triệu đồng/người nữa.
Bị động
So với du lịch inbound, các công ty outbound nói họ đang trong tư thế bị động hơn về nhiều mặt. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, nói: “Cứ tưởng tượng một bên là mình mở cửa nhà mình, đón khách vào, bên còn lại là mình đòi mở cửa nhà hàng xóm vậy”. Nhiều quốc gia là điểm đến yêu thích của khách Việt Nam chưa có chính sách thông thoáng như Nhật Bản, Trung Quốc hay các quốc gia châu Âu.
Một số nước chỉ chấp nhận visa dài hạn, chưa cho phép các du khách sở hữu visa ngắn hạn nhập cảnh. Hay một số quốc gia vẫn áp dụng quy định cách ly với du khách nhập cảnh.
Trong khi đó, thời gian du lịch của khách Việt thường hạn chế khoảng 4-10 ngày. Do đó, vấn đề cách ly khi tới nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến hành trình, chi phí của họ.
“Hiện nay, nhóm sẵn sàng đi nước ngoài sớm chỉ có người đi vì mục đích thăm thân, công việc. Họ có thể kết hợp du lịch trong chuyến đi luôn. Khách du lịch thuần túy chắc phải chờ thêm thời gian”, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism, chia sẻ.
Cũng theo bà Ngần, hiện tại, nhu cầu đi nước ngoài du lịch cũng khá cao. Nhóm khách từ 50 tuổi trở lên đang là đối tượng quan tâm nhiều nhất. Họ có điều kiện tài chính, thời gian dư dả hơn. Tuy nhiên, nhóm này ở độ tuổi cao nên có những e ngại nhất định về việc lỡ mắc Covid-19 trong chuyến đi. Họ cũng đặc biệt quan tâm về công tác tổ chức, bảo đảm an toàn cho du khách của các công ty du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có chính sách rõ ràng đối với người trở về từ nước ngoài sau khi mở cửa hoạt động du lịch trở lại. Các công ty lữ hành nhận định du khách chắc chắn không muốn bị cách ly khi trở về và điều này cần được thông báo rõ ràng.
Mặt khác, trong buổi làm việc với một hãng hàng không lớn ở Việt Nam, đại diện Vietfoot Travel tiết lộ đã có những đề xuất về việc hỗ trợ du khách đổi vé không mất tiền nếu mắc Covid-19 trong thời gian ở nước ngoài. Tuy nhiên, hãng hàng không này chỉ mới hứa tạo điều kiện, chưa khẳng định gì thêm.
Bán tour
Các tour nước ngoài hiện được nhiều công ty bán ra nhưng lượng khách đặt nhìn chung vẫn ở mức thấp. Đa số cho biết hiện họ đang tập trung sản phẩm chính ở các thị trường “thoáng” như Dubai (UAE) hay Thái Lan để triển khai.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cũng xác nhận vấn đề này. Công ty cho biết thêm sản phẩm Dubai hứa hẹn thu hút khách vì mức giá tương đối cạnh tranh, không bị đẩy nhiều so với trước dịch (tăng nhẹ từ 22 triệu đồng/người lên 29 triệu đồng/người).
Trong khi đó, các tour đi Mỹ cũng được quan tâm nhiều bởi nhu cầu thăm thân từ Việt Nam rất cao. Đại diện một công ty xác nhận lượng hồ sơ cấp visa dồn dập khiến quá trình xét duyệt tương đối lâu. Họ có đoàn khách phải tới 3/6 mới có lịch phỏng vấn.
Năm nay, tour đi xem World Cup tại Qatar được nhiều công ty giới thiệu và hứa hẹn “đắt khách cao cấp”. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số đơn vị đã chuẩn bị gần xong chương trình để bán ra. Dù vậy, họ đang chờ tới khi kết thúc vòng loại để xác định các cặp đấu hấp dẫn tại vòng chung kết, qua đó sắp xếp lịch trình hợp lý hơn. Mức giá tour này có thể rơi vào khoảng 200 triệu đồng/người.
Nhìn chung, du lịch outbound có thể khởi động rục rịch từ tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, theo dự đoán của đa số công ty, phải đến mùa thu (tháng 7, tháng 8), thị trường này mới sôi động trở lại.
Theo: Zing