Trang chủ GIA ĐÌNH Nghĩa tình phu thê ẩn sâu sau sự tích ông Công ông Táo

Nghĩa tình phu thê ẩn sâu sau sự tích ông Công ông Táo

bởi admin

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn. Vậy nhưng lại rất ít người biết đến ý nghĩa về một câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, tình cảm vợ chồng và tình người xung quanh sự tích Táo quân.

Khi đọc về sự tích ông Công ông Táo, chúng ta thường chỉ quan tâm về nguồn gốc nhưng dường như lại quên đi ý nghĩa về một câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, tình cảm vợ chồng và tình người xung quanh sự tích Táo quân.

Truyền thuyết “Sự tích Táo quân” có nhiều dị bản nhưng cốt truyện nhìn chung để ngợi ca tình yêu, tình cảm gia đình khăng khít. Sau đây là 2 sự tích được nhiều người biết đến hơn cả.

Sự tích 1

Táo quân cũng còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà. Ảnh minh họa

Câu chuyện kể về đôi vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao, ăn ở với nhau mặn nồng tha thiết, nhưng mãi không có một mụn con. Dần dà, Trọng Cao thường kiếm cớ dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Cuối cùng, Trọng Cao quyết tâm đi tìm vợ về.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, Thị Nhi đang đốt vàng mã ngoài sân, một người hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt vàng mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm Lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.

Trên cao Ngọc Hoàng thượng đế, đã chứng kiến hết câu chuyện nên phong cho 3 người mỗi người một chức vụ khác nhau:

Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.

Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.

Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

Sự tích 2

Nghĩa tình phu thê ẩn sâu sau sự tích ông Công ông Táo

Tương truyền có hai vợ chồng vì quá nghèo khổ nên phải bỏ nhau để đi tha phương cầu thực. Người vợ may mắn nên lấy được một anh chồng giàu, có của ăn của để. Còn người chồng trở thành kẻ hành khất kiếm sống qua ngày.

Năm ấy vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người vợ đang lúi húi đốt vàng mã ngoài sân thì có một người ăn xin ăn mặc tả tơi, nhem nhuốc bước vào, nhận ra đó chính là người chồng cũ mà mình từng yêu thương người vợ động lòng. Nhanh chóng vào nhà lấy tiền bạc, cơm gạo ra cho.

Người chồng mới nhìn thấy, biết chuyện, nổi cơn ghen nghi ngờ vợ. Khó xử, tuyệt vọng vì không giải thích cho chồng mới hiểu, người vợ lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ vì vẫn còn yêu thương, đau xót cũng nhảy vào chết theo. Người chồng mới vì ân hận nên cũng nhảy vào đám lửa đỏ rực.

Lúc ấy, trời xanh trên cao cảm động bởi tình nghĩa sâu nặng của 3 người nên phong làm vua bếp. Và từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:

“Thế gian một vợ một chồng

Chẳng như vua bếp hai ông một bà”

Câu ca tưởng chừng đơn giản ấy bao hàm những ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống. Nó nhấn mạnh rằng, trên thế gian, chỉ tồn tại mối quan hệ “một vợ, một chồng”.

Tết ông Công ông Táo 2019 năm nay rơi vào thứ Hai, ngày 28/1/2019. Lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất là trong khoảng thời gian tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

Có thể nói, điều mà những tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý mà chính là cái tình. Tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau. Đã là phu thê “đầu ấp tay gối” thì muôn đời tình nghĩa sắt son.

Chẳng bởi vì như thế mà họ mới hóa thành những vị thần trông coi những phần quan trọng nhất trong gia đình hay sao?

Từ đó, vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm, các Táo cưỡi cá chép lên Thiên Đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của mọi người trong gia đình. Đến đêm Giao thừa các Táo mới trở lại trần gian, tiếp tục công việc trông coi bếp núc  của mình.

Từ câu chuyện về ông Công ông Táo ta có thể thấy được tình người, tình phu thê hết sức ý nghĩa. Đồng thời cũng thể cho thấy một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt qua các thế hệ được kính cẩn giữ gìn cho đến hôm nay.

Theo: Baonhandao

Có thể bạn sẽ thích