Rời bỏ váy áo, xiêm y thời thượng của lớp trẻ; tạm biệt áo chẽn, quần jeans, xe phân khối lớn cùng những chuyến đi ngang dọc; Ngọc Linh xỏ ủng, mặc quần áo bảo hộ lao động, gánh nước tưới từng gốc cây vừa bén rễ trong vườn rừng. Chị đã rời bỏ tất cả những tiện nghi, giải trí, hưởng thụ chốn đô thành để về bản Thổ ăn, ngủ, làm việc gấp mấy lần người nông dân. Điện không có, đường đất lầy thụt; người phụ nữ bé nhỏ ấy vẫn từng ngày hành động để hiện thực khát vọng hồi sinh những cánh rừng, hiện thực giấc mơ sinh kế bền vững cho đồng bào Thổ quê mình.
Nặng lòng hai tiếng “quê hương”
Lê Nguyễn Ngọc Linh giới thiệu: Tôi là một người con dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân – một xã miền núi nghèo, thuộc huyện miền núi rất nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Đất quê tôi được người ta gọi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Trời nắng cuốc xuống đất cuốc nảy lên, trơ trọi toàn sỏi đá, mùa mưa đất dính nhẹm, muốn có ăn, có mặc chỉ có cách thoát ly. Đó cũng là điều cha mẹ tôi lấy ra để răn dạy, rằng cố học mà thoát nghèo, không thì chỉ có kiếp làm nông dân cơ cực. Tôi đã cố học, ra đi, bám trụ ở thành phố và có một công việc rất tốt: Làm truyền thông cho công ty khá lớn – một công việc thu nhập tốt, mơ ước trong mắt bao người.
Ngoài ba mươi tuổi, là “gái một con”, Ngọc Linh vẫn nhỏ nhắn, mỏng mày hay hạt. Chị chọn bỏ phố về quê cùng thời điểm phong trào này rộn lên trong thế hệ trẻ. Chỉ khác, là phần lớn bỏ phố về quê khởi nghiệp với lý do muốn khẳng định bản thân từ những điều khác biệt; thì Ngọc Linh – cô gái mang dòng máu Thổ ấy còn nhiều nguyên cớ khác.
Linh – bao năm phấn đấu, có được những điều tốt đẹp giữa thủ đô vẫn không làm chị nguôi đi nỗi đau đáu, mà mỗi lần nhắm mắt lại, đều thấy hiện lên rất rõ: Là những quả đồi trụi lơ trụi lóc; là bố mẹ, là những người thân đang lăn lộn chật vật kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người; là bản thân Linh cúi đầu khi được hỏi “điểm đặc trưng của dân tộc bạn là gì?”.
Chị muốn con mình lớn lên, được chạy nhảy chơi đủ trò cùng thiên nhiên, trong mắt con vẫn có những cánh rừng xanh ngút ngàn như mình hồi thơ bé. Muốn những người thân của có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình. Và chị muốn bản thân mình, con cháu mình cũng những em bé dân tộc Thổ đều có thể ngẩng cao đầu, cầm tay du khách mà chỉ cho họ thấy, kể họ nghe về dân tộc Thổ.
Đó chính là động lực để Linh bỏ phố về rừng, làm một nông dân trồng rừng, kết nối anh em, bà con lại cùng xây dựng Vườn rừng Bản Thổ – với khao khát vừa tái sinh những cánh rừng, vừa bảo đảm sinh kế bền vững, sung túc và nâng cao vị thế cho người phụ nữ dân tộc miền núi ngay trên chính mảnh đất quê mình. Đồng thời, Ngọc Linh còn mong muốn tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm để mang để cho khách hàng sự kết tinh, sức sống và năng lượng chữa lành từ rừng xanh.
Lợi dụng rừng để phát triển kinh tế bền vững
Năm 2020, tại vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” (do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn tổ chức), dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa” của Nguyễn Lê Ngọc Linh đã xuất sắc giành được giải “Dự án nông nghiệp phát triển bền vững”.
Trước đó một năm, trên sân khấu của cuộc thi này, Ngọc Linh đã khiến rất nhiều người trong hội trường – từ những “đối thủ” khởi nghiệp đến thành viên ban giám khảo xúc động. Một thành viên ban tổ chức, đồng thời cũng là một diễn giả nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp nhớ: “Khi cô gái người Thổ (một dân tộc ít người tới mức lần đầu tiên tôi nghe thấy) ôm đứa con vài tháng tuổi và khóc vì cuối cùng đã thực hiện được ước mơ xây một khu du lịch sinh thái bằng cách trồng rừng ở quê mình, thì nhiều giám khảo cũng khóc theo”.
Hôm ấy, ngoài chia sẻ về hành trình 5 năm theo đuổi giấc mơ trồng một khu rừng, và làm du lịch bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh nữa – giấc mơ mà ai nghe cũng bảo điên rồ; Linh kể về những gì mình mong muốn, và kết thúc bằng một câu trích dẫn quan trọng: Cho đến khi những cái cây cuối cùng được chặt đi, con thú cuối cùng bị bắn chết, thì người ta mới hiểu rằng, tiền không thể ăn được.
Cả đồi núi Hóa Qùy nhiều năm trơ trụi, chỉ độc canh cây keo nên đất đai bạc phếch, kinh tế của người dân chẳng đáng là bao. Ngọc Linh về bản, bắt đầu đa canh trên diện tích 3 ha với rất nhiều giống cây rừng bản địa, cây ăn trái và cây dược liệu. Cây dược liệu đặc trưng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, lại có tác dụng giữ ẩm cho đất, tạo thảm thực vật cho cây ăn trái và cây rừng.
Nuôi cây rừng, cây ăn trái chính là các loại gia súc, gia cầm bản địa. Thức ăn hữu cơ cũng 100% là của vườn rừng bản Thổ – sản xuất tại chỗ. Nhìn vườn rừng của Ngọc Linh, với tầng tầng, lớp lớp các loại dổi, trám, dẻ, bồ hòn, tai chua…; bưởi, cam, quýt, hồng xiêm, xoài, chuối, đu đủ…; rồi gừng, tỏi, nghệ, tía tô…; đỗ đen, đỗ tương, vừng, lạc… Ai cũng nghĩ về ngày mai, khu vườn rừng này sẽ trở thành cánh rừng đa tầng đúng chất nhiệt đới. Linh bảo phát triển kinh tế rừng bền vững là dựa vào rừng để làm kinh tế mà không cần phải chặt hạ bất kỳ cái cây nào.
Trái ngọt cho người dám hy sinh
Những ngày đầu, ai cũng thắc mắc không hiểu tại sao Linh lại xây dựng mô hình kinh tế rừng bền vững trên vùng đất khó khăn trăm bề này. Riêng Linh thì xác định rất rõ: Nếu ở nơi khó khăn trăm bề như thế này, mô hình của tôi vẫn thành công, thì ở bất kì nơi đâu, rừng cũng sẽ được tái sinh lại, người nông dân sẽ sống thật tốt trên mảnh đất của mình.
Cả tuổi trẻ đổ xuống đất rừng, cùng khát khao hữu ích cho mẹ rừng cũng như cộng đồng bản Thổ; con đường Ngọc Linh đi đã nhận được nhiều giúp đỡ cả trực tiếp và gián tiếp của cộng đồng làm nông nghiệp tử tế. Năm 2020, ngoài phủ xanh 3 ha đồi trọc với hơn trăm loại cây trồng, Ngọc Linh và hợp tác xã (HTX) Vườn rừng Bản Thổ đã bước đầu đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp chế biến – với 100% nguyên liệu bản địa.
Từ mật ong chăn nuôi giữa rừng, Ngọc Linh mày mò ra sản phẩm mật ong lên men, rồi kết hợp mật ong lên men với các loại dược liệu như gừng, tỏi, nghệ, chùm ngây, sâm bố chính, thiên môn đông… vừa có các chất dinh dưỡng, kháng sinh tự nhiên, lại chứa nhiều enzyme, các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người, vừa mang lại nguồn doanh thu đủ để vận hành hệ thống. Bốn lao động cố định và hàng chục lao động thời vụ của HTX Bản Thổ đều là những phụ nữ nghèo tại địa phương, những người đã quá tuổi để có thể đi tìm việc làm nơi khác.
Những sản phẩm của HTX Bản Thổ đều được Ngọc Linh gửi gắm “sứ mệnh”: “Thực phẩm chính là thuốc tốt nhất”, “thực phẩm là cội rễ của vạn vật, chính thực phẩm và chỉ có thực phẩm chữa bách bệnh”. Chị muốn người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm, sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cơ thể từ nguồn nguyên liệu được canh tác minh bạch từ rừng.
Đại dịch Covid-19 khiến HTX Bản Thổ gặp nhiều khó khăn trong đi lại, các đơn vị giao hàng ngừng hoạt động làm hàng hóa đình trệ, không giao tới khách hàng được, khiến doanh thu sụt giảm; các đối tác cung cấp nguyên liệu cũng không giao hàng được tới, dẫn tới việc các hoạt động sản xuất của HTX cũng diễn ra không trơn tru, đôi khi phải tạm dừng; thu sụt giảm dẫn tới nhiều hạng mục của HTX chưa thể triển khai, để duy trì thu nhập ổn định cho lao động cố định, HTX cũng khá chật vật.
Song, trong nguy luôn có cơ. Cũng chính trong đại dịch, ngày càng nhiều người quan tâm hơn tới việc nâng cao sức đề kháng, sức khỏe từ các sản phẩm thiên nhiên. Và đó là cơ hội của Bản Thổ. Ngọc Linh chia sẻ: Các sản phẩm của Bản Thổ đi theo xu hướng này, bởi vậy dung lượng thị trường của sản phẩm mở ra lớn, nhu cầu ngày càng tăng. Do vậy, HTX Bản Thổ vẫn dựa vào xương sống của mình là việc phát triển bền vững, tái tạo rừng, khôi phục và phát huy những tài nguyên bản địa, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có khả năng tăng sức đề kháng với những nguyên liệu được canh tác sinh thái, giàu dinh dưỡng và sạch từ đất, nước, không khí. Đó cũng là dòng sản phẩm mà xu thế xã hội trong và sau dịch Covid-19 cần tới.
Trước mắt, Ngọc Linh và HTX Bản Thổ sẽ chuyển giao cho một số địa phương kỹ thuật làm chế phẩm vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại vật nuôi; chuyển giao quy trình phân loại rác, cách thức để hạn chế rác thải nhựa trong mỗi hộ dân, đồng thời biến rác hữu cơ thành phân bón, giảm thiểu chi phí đầu tư phân bón hóa học cho bà con. Vườn rừng Bản Thổ thành công, tới đây, Ngọc Linh sẽ kết hợp với hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ tập huấn bà con làm chế phẩm vi sinh tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ xung quanh, về cân bằng sinh học. HTX Bản Thổ cũng đang liên kết với một số hộ dân theo quy trình canh tác sạch, không sử dụng hóa chất hóa học để bà con trồng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến của HTX.
Đầu năm mới, Ngọc Linh khoe vừa về từ công ty điện lực Như Xuân, “điện sắp về “bản em” rồi. Đường dây điện gần trăm triệu là nhờ “vụ Tết” của mật ong lên men Bản Thổ đấy”. Người phụ nữ bản Thổ ấy hy vọng, thành công và câu chuyện của Vườn rừng Bản Thổ sẽ truyền cảm hứng, hút thêm cộng sự đồng trang lứa trở về quê làm kinh tế trên đất quê và gây dựng cho quê hương những cánh rừng bền vững.
Theo: Nhandan