Ca sĩ Thùy Dung và nhạc sĩ Trương Quý Hải trong chương trình Quán thanh xuân tháng 12/2021 |
Mùa đông mang lại bao cảm xúc thi vị. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong chương trình “Những mùa đông yêu dấu” đã giúp chúng ta nhớ lại chuỗi những tác phẩm văn nghệ để thương để nhớ da diết qua nhiều thế hệ như tác phẩm “Gió đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam, nhạc phẩm “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, hay “Buồn tàn thu” của Văn Cao… Những tuyệt phẩm văn nghệ đó đã hình thành nên biểu tượng về mùa Đông xứ Bắc, mà điển hình là Hà Nội, là một nét văn hóa đẹp đẽ trong ký ức của mỗi chúng ta.
Diễn viên Chiều Xuân thì lại khiến chúng ta nao nao khi kể về chiếc áo bông chần vải hoa mà mẹ chị phải xếp hàng dài ngày Tết mới mua được cho chị, và chị nâng niu mặc nó từ khi còn lượt phượt quá đầu gối, cho đến khi ngắn tới ngang hông. Mùi áo cũ cất trong rương cả năm, tới mùa đông mở ra cũng mang lại bao niềm thương, niềm mong đợi con trẻ, lưu trong ký ức của chúng ta tới bây giờ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy thì kể về ký ức chiếc áo khoác qua 4 đời người mặc, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể về mùi thơm thức ăn mùa đông, về tiếng rao đêm tha thiết nhớ nhung, hoặc Thượng tướng Nguyễn Văn Tuấn lại “đổ tội” cho mùa đông rét quá, bố mẹ ông phải ôm chặt nhau, giữ hơi ấm cho nhau mà sinh ra ông! Dường như, cứ nhắc đến mùa đông là kho ký ức vô tận lại được khơi nguồn, ai cũng có ký ức để giãi bày, để chia sẻ, để thương nhớ…
Các khách mời trong chương trình Quán Thanh Xuân tháng 12/2021. |
Riêng tôi, nếu kể về cái rét mùa đông thì lại gợi về một nỗi niềm vừa hạnh phúc, vừa tiếc thương đến thắt cả ruột gan. Vào những năm 2000, Tết đến, tôi thường về quê ăn Tết với ông nội, bà nội thì đã mất nên ông tôi ở một mình. Căn nhà gạch mà bố tôi xây để ông bà ở từ thập niên 70 đã xuống cấp, nước mưa ngấm qua tường làm vữa mốc mủn, rời ra từng mảng. Ban đêm khi tôi nằm ngủ, hơi lạnh của tường, thêm gió lùa qua khe cửa chớp khiến tôi rét run, mặc cả áo khoác ba lớp lên người, đắp chăn bông mà sao vẫn rét. Ở giường phía đầu hồi nhà, ông tôi lạnh quá, ho suốt đêm, cũng chẳng ngủ nổi. Tôi nghĩ, ngôi nhà này cần được sửa lại, làm cửa kính thật kín để tránh gió lùa. Nghĩ như vậy nhưng rồi tôi bận việc quá, cộng thêm điều kiện kinh tế chưa cho phép, nên cả mười năm qua đi mà tôi vẫn chưa sửa được ngôi nhà cho ông nội.
Khi tôi kết hôn, mùa đông năm ấy tôi dẫn chồng mình về thăm ông nội. Bấy giờ ông đã yếu lắm, chân tay run lẩy bẩy phải chống gậy mới đi được. Chồng tôi nhìn ông, rồi nhìn bộ bàn ghế gỗ đã bong tróc trơ lõi gỗ bạc phếch mà ứa nước mắt. Anh than thở, nhà thiếu đôi bàn tay đàn ông, đến gỗ cũng phai tàn khô khốc. Chúng tôi quyết định tiết kiệm tiền để xây nhà ở quê. Nhưng tiền tiết kiệm chưa đủ, thì ông nội tôi đã ra đi mãi mãi. Ngôi nhà ấy lạnh thêm mỗi đông về.
Vợ chồng tôi quyết định không chờ đủ tiền mới xây nhà, chúng tôi đi vay để xây. Để chống lạnh mùa đông, chồng tôi quyết định xây tường dày tới 35cm, như tường nhà châu Âu vậy. Ngôi nhà ba tầng lừng lững mọc lên giữa vườn quê, vững chắc như một pháo đài, có cả lò sưởi đốt củi làm ấm toàn bộ không gian… Mỗi khi bước vào ngôi nhà, có cảm giác thật an yên, có cảm giác đây là nơi trú ngụ an toàn nhất thế giới. Những đêm đông, tôi ngủ và đóng kín cửa, sáng ra mở cửa mới biết trời đêm đổ mưa rét, mới ngộ ra những rét mưa ấy giờ không còn có thể làm mình mất ngủ trằn trọc cả đêm như xưa. Tôi thầm cảm ơn chồng mình đã xây được ngôi nhà ấm áp an toàn cho tôi, cho các con. Chỉ có điều, tôi không sao bỏ được mặc cảm có lỗi với ông nội, vì những đêm đông gió rét luồn qua khe cửa, và cơn ho khó dứt của ông…
Tâm trí thật oái oăm thay, có những lỗi sai mà ta sửa rồi, nhưng ký ức thì vĩnh viễn không thể sửa!
Theo: Petrotimes