360
“Nồi đồng, cối đá” đi vào thành ngữ, như một dấu tích một thời gian khó. Người ta phải ưu tiên chọn lựa đồ dùng sao cho phù hợp, chú ý tới phẩm chất “bền chắc” là chính, còn chuyện hình thức “đẹp đẽ, thanh cao” phải dẹp sang một bên.
“Bác yên tâm, những thứ này thuộc loại nồi đồng cối đá, cứ dùng quăng quật thoải mái chả lo hỏng đâu”. “Xoong chậu này toàn hàng Liên Xô đấy nhé. Nồi đồng cối đá. Nhà tôi có mấy cái dùng mãi không hỏng”… Nếu nghe ai nói thế, thì dù chưa “mục sở thị” những thứ mà người nói đưa ra, ta cũng có thể hình dung đây là những vật dụng gì.
“Nồi đồng cối đá” là thành ngữ dùng để chỉ những đồ vật thường có bề ngoài thô kệch, không được nhẹ nhàng, thậm chí xấu xí. Nhưng bù lại, những vật dụng như vậy chất lượng lại rất tốt, dùng rất bền. Đây chính là tính hiệu quả của đồ gia dụng.
“Nồi đồng” tức là “nồi làm bằng đồng”. Còn “cối đá” là một loại cối được chế tác từ đá (một chất liệu rắn cấu tạo nên vỏ quả đất, gắn kết thành từng tảng, từng hòn, với nhiều loại: đá vôi, đá xanh, đá kim cương…). Ngày xưa, trong mỗi gia đình, các vật dụng thường được chế tạo bằng nhiều chất liệu. Điển hình là các loại nồi bằng đất và bằng kim loại.
Kim loại dùng làm nồi niêu có gang, sắt tây, nhôm và đặc biệt là đồng. Đồng là kim loại quý dùng làm nồi nấu, chậu rửa, mâm ăn cơm… Nhà nào ở nông thôn trước đây, không dùng hoặc ít dùng loại nồi bằng đất nung (niêu, trã, nồi…) mà dùng nồi đồng là nhà khá giả đấy.
Nồi đồng có nhiều loại, phân bậc từ thấp đến cao: nồi mốt, nồi hai, nồi ba, nồi tư,…. đến nồi mười, nồi hai mươi, nồi ba mươi… Nồi mốt (hay niêu mốt) là nồi nhỏ nhất, nấu cơm chỉ đủ lượng gạo cho một người ăn. Còn nồi ba mươi (với định lượng áng chừng đủ cơm cho ba mươi người ăn) là loại nồi rất lớn. Chỉ khi nào có công việc đình đám thì người ta mới sử dụng loại nồi cỡ đó.
Còn cối là một dụng cụ cũng làm bằng vật liệu rắn, ở giữa có lòng sâu, dùng để giã cua, giã lạc, giã thịt… sau đó đem chế biến. Cối làm bằng đá bây giờ vẫn còn. Tuy nhiên, những loại cối đá to, thường dùng để giã gạo, giã ngô, giã bèo,… (giã với khối lượng nhiều) thì đã ít người dùng (do có những phương tiện xay giã mới, hiện đại và nhanh hơn).
Cả hai loại đồ dùng “nồi đồng, cối đá” đều thuộc loại vật dụng bền chắc, có thể dùng nhiều lần, dùng xô bồ mà không lo vỡ hay hỏng hóc (như nồi, cối bằng đất hay bằng sành). Ngay cả nồi gang tốt thế, nhưng nếu rơi mạnh cũng có thể vỡ như chơi. Nồi đồng cối đá đúng là rất tiện lợi với nhà nông, do lo công việc khác mà nhiều khi không nhẹ nhàng, cẩn thận được.
Chính vì đặc điểm trên mà “nồi đồng, cối đá” đi vào thành ngữ, như một dấu tích một thời gian khó. Người ta phải ưu tiên chọn lựa đồ dùng sao cho phù hợp, chú ý tới phẩm chất “bền chắc” là chính, còn chuyện hình thức “đẹp đẽ, thanh cao” phải dẹp sang một bên.
Các cô gái nhà ta, nếu kiếm được anh chồng nào thuộc diện “nồi đồng cối đá” thì cũng đáng tự hào lắm nhỉ?
Cốt sao ăn chắc mặc bền
Nồi đồng cối đá mà nên cơ đồ…
Nguồn: doanhnhanplus