“Tôi biết rằng mình đã quá phụ thuộc vào các ứng dụng, để mặc chúng áp đảo và tàn phá tâm trí của mình. Và sau đó tôi đã tìm ra lối thoát” cô nói.
Kookie Santos, 28 tuổi, là một nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo, cô thường sử dụng Internet 17/24 tiếng mỗi ngày để cập nhật xu hướng.
Kookie Santos chia sẻ với V.Asia: “Tôi sử dụng nhiều đến mức đau đầu không thể chịu nổi nữa. Mặc dù biết bản thân đang quá lệ thuộc vào Internet cùng các phương tiện truyền thông, nhưng tôi không thể dừng lại được.”
Internet đóng vai trò rất quan trọng, rất hữu ích nhưng đồng thời, nữ giám đốc 9x cũng nhận thấy, mạng xã hội đang khiến cô dần trở nên kiệt quệ. “Tôi biết rằng mình đã quá phụ thuộc vào các ứng dụng, để mặc chúng áp đảo và tàn phá tâm trí của mình,” Santos nói.
Sau đó, cô đã tìm ra lối thoát trong cuốn sách “Con đường nghệ sĩ: Hành trình tinh thần để sáng tạo tốt hơn” của Julia Cameron. Trong đó, tác giả Julia Cameron đề nghị mọi người nên thử một lần “tước bỏ truyền thông xã hội”, có nghĩa là không sử dụng bất cứ phương tiện truyền thông nào trong một tuần. Không email, không tin nhắn, không lướt Facebook, Instagram hay nằm xem tivi, Youtube…
Do công việc WFH yêu cầu, Santos không hoàn toàn tắt Internet để sống cuộc đời “biệt lập” với thế giới mà thay vào đó, cô vẫn sử dụng điện thoại, Telegram để trao đổi với đồng nghiệp và khách hàng. Thỉnh thoảng, cô cũng mở Pinterest và các tài liệu thiết kế tham khảo trên mạng. Tuy nhiên, những công cụ này cũng chỉ được giới hạn sử dụng trong 8 tiếng làm việc mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nữ giám đốc 9x thay đổi những thói quen khác. Thay vì nghe nhạc và tập thể dục theo các bài đăng trên Youtube, cô chuyển sang tận hưởng âm nhạc bằng máy đọc đĩa và tập luyện theo cảm nhận. Thay vì làm việc với các phần mềm đồ họa, cô cũng tự vẽ tay một số thiết kế.
Trong khoảng thời gian này, cô cũng mua sách và nghiên cứu thêm về thiền. Lúc rảnh rỗi, cô bật nhạc thiền và ngồi yên để thư giãn.
Không “cắm mặt” vào điện thoại cũng giúp Santos “nâng tầm” khả năng quan sát. Cô phát hiện chiếc bàn gỗ có thể gõ ra những âm thanh trong veo, vui tai khác biệt từ những vị trí, bộ phận khác nhau.
Chính sự thay đổi này đã giúp Santos khai phá một nguồn cảm hứng hoàn toàn mới. Từ việc quan sát các loại cây trong vườn, cô cũng nhận ra tầm quan trọng của sự kiên nhẫn trong quá trình sáng tạo. Bằng đôi mắt của một người nghệ sĩ, nguồn cảm hứng sáng tạo của cô càng thêm “bùng nổ” bằng vài nét mây trắng lượn quanh.
Sau một hành trình tìm lại bản thân trong sự bình yên, Santos quay trở lại với Internet. Nữ giám đốc 9x chia sẻ, cô dự định sẽ thường xuyên làm như vậy sau một khoảng thời gian nhất định.
Muốn thành công, hãy tắt Facebook đi
Theo New York Times, trường hợp của Cal Newport – giáo sư máy tính và là tác giả của cuốn sách bestseller “Kỹ năng đi trước đam mê” là người thành đạt nhưng ông không hề có bất kỳ tài khoản của mạng xã hội nào kể cả Twitter và Instagram.
Tại sao Cal lại đi ngược xu hướng với hơn 78% người Mỹ trẻ tuổi đang từng ngày từng giờ sử dụng mạng xã hội? Không phải vì sự đề phòng các loại tin đồn nhảm, hay lo sợ cho sức khỏe tâm thần của chính ông. Đơn giản, Cal nghĩ rằng làm như vậy sẽ gây tác động tích cực lên sự nghiệp của bản thân.
Nền tảng của sự thành công chính là việc bạn tự tạo cho mình những ý tưởng, sản phẩm hữu ích và làm cho mọi người công nhận chúng.
Một người tự trau dồi kiến thức, và có đầy đủ các kỹ năng cần thiết, cơ hội sẽ tự tìm đến người đó, bất chấp việc họ không bao giờ chia sẻ mọi thứ về bản thân trên mạng xã hội.
Chính vì thế, việc lãng phí thời gian trên các trang mạng xã hội làm người dùng mất tập trung khỏi những công việc khác cấp bách và cần thiết hơn như là việc học hỏi, tự xem xét lại bản thân, từ đó ảnh hưởng nặng nề tới năng suất sản phẩm.
“Tự dán nhãn cho bản thân là một việc làm tầm bậy quá thể. Nó làm tiêu tốn nhiều thời gian, và chẳng thể nào giúp chúng ta tìm được việc làm. Con người không phải là hàng hóa để được dán nhãn, bạn nên dành thời gian tự phát triển bản thân để trở nên nổi bật, và độc nhất trong xã hội này” – IIanna Gerson – nhà nhân chủng học thuộc trường đại học Indiana, Bloomington và là tác giả của cuốn sách “Down and out in the New Economy: How People Find (or don’t Find) Work Today” (tạm dịch: Sự thăng trầm của nền kinh tế mới) chia sẻ.
Theo: Giadinh