Cách xử lý khi con ăn vạ không có các bước đi rõ ràng nào cả, đúng nghĩa là “nghe tiếng la/khóc đoán tâm trạng, và tìm ra cách xử lý nhanh nhất”.
Theo chị Mick Schiessl, một mẹ người Việt đang sống tại Đức thì dù không có bước đi rõ ràng nhưng cách xử lý tình huống khi con ăn vạ cũng có một số nguyên tắc nhất định, nhưng dù nguyên tắc nào đi chăng nữa thì cũng đi kèm với phương châm “Chuyện lớn hóa chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa hư không”.
Các nguyên tắc chung như sau:
1. Khi con đang gào khóc thì cha mẹ nên nhận diện cảm xúc của con nhưng đừng nhấn nhá thêm vào sự đau khổ của con nữa
Đừng hỏi đi hỏi lại: Con đang buồn/giận hả? Ba mẹ biết con đang buồn. Thôi đừng buồn/giận nữa. Cùng lắm thì nói 1 lần thôi. Tâm lý đang buồn mà cứ bị hỏi thăm tới lui hoài (mà cuối cùng cũng đâu có cho con đạt được ý muốn đâu) chỉ càng làm con dễ tức giận hơn mà thôi.
Tuy nhiên mình thường hay bảo: Con giận gì chứ?/ Con bực gì mà la to dữ vậy?/ Sao lại giận rồi?/ Sao tự nhiên quạu vậy?
Đấy, nỗi buồn, sự tức giận của con là mình thấy rõ và cũng công nhận với con luôn. Nhưng con đã lớn rồi thì con nên học cách trình bày, chứ mình không muốn tập cho con thói quen là khi con giận thì người khác có nhiệm vụ “đoán già đoán non” lý do.
2. Con càng nói to thì cha mẹ càng nên nhỏ giọng lại
Điều này nghe hơi nghịch lý nhưng mà có tác dụng, nên bạn đừng thấy con tăng thanh âm thì cũng tăng theo con.
Nhưng nếu con khóc to quá, cha mẹ nên để yên. Điều này rất dễ xảy ra ở những phút ban đầu, khi con bắt đầu giận. Bạn hãy dắt con vào một góc nào đó và cho con xả thoải mái.
Có điều, con la khóc một mình không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc con, lại càng không nên tạo cho con cảm giác bị bỏ mặc đó. Mình thường bảo con muốn khóc à? Mẹ sẽ dắt con vào phòng khóc cho đã nhé. Khóc xong thì mở cửa ra với mẹ nhé, hoặc khóc xong thì kêu mẹ nhé. Mẹ sẽ để hé cửa nhé (nên mẹ vẫn sẽ nghe tiếng con, và con có thể đi ra bất cứ lúc nào). Mấy lần đầu thì con mình khóc vài phút rồi hét to mẹ ơi, vào với con, hoặc con tự mở cửa ra với mình. Sau này con cũng chẳng cần vào phòng khóc nữa, vì con biết cách quản lý cảm xúc hơn, và cũng hiểu gào thét om sòm vì những việc như vậy là không đáng, không giải quyết được gì.
3. Luôn trong tâm thế tỉnh táo
Giọng cha mẹ khi con đang la khóc càng bình tĩnh càng tốt. Đừng giận con, kể cả sau khi con vừa ăn vạ một trận to, cũng đừng quá ôm ấp chiều chuộng luôn. Dần dà con bạn sẽ dùng biện pháp ăn vạ để thao túng cha mẹ và những người xung quanh.
Sau khi cơn giận qua đi thì mình thường sẽ hỏi con xong rồi à? Có muốn mẹ ôm không? Nào lại đây. Giọng của mình sẽ rất ôn tồn. Căn bản mình muốn cho con biết là trước sau gì thì mẹ vẫn rất yêu con, dù con có làm gì đi chăng nữa, nhưng chuyện vừa rồi thì không hay ho tí nào, con đừng làm nữa thì hơn.
Con khóc to thì bạn đừng rối, chỉ cần bình tĩnh thông báo và làm theo điều mình đã nói. Sau vài lần dù nghe hay không thì con cũng biết được quy trình mà cha mẹ muốn là như thế nào. Và rồi cứ thế mà làm theo thôi.
4. Điềm tĩnh, không chọc ghẹo
Khuôn mặt cha mẹ tốt nhất đừng ánh lên nét cười đùa. Cùng một câu nói nhưng giọng hài hước chọc ghẹo lúc này lại dễ gây cho con cảm xúc tiêu cực hơn.
Trong lúc con phải giải quyết cảm xúc một mình (trong phòng riêng chẳng hạn) thì cha mẹ cũng phải giữ không khí bên ngoài phòng như cũ (hoặc im lặng hơn càng tốt), 1 phần nào đó giúp sẽ con tập trung và cũng có thể khiến con tò mò xem cha mẹ đang cảm thấy thế nào khi mình làm rùm beng lên thế này.
Tuyệt nhiên đừng mở tiệc ăn mừng, đừng tạo cho con thấy là ở ngoài đang vui lắm đây. Con càng lớn sẽ càng biết xấu hổ, con đã rơi vào thế bí rồi, cha mẹ đừng khiến con thêm xấu hổ mà không dám bước ra ngoài nữa. Lúc này thay vì can đảm đi ra giải quyết vấn đề thì con lại dễ tủi hờn, dễ tức giận hơn. Cơn giận trước đó chưa kịp tan hết thì bây giờ thêm chồng chất vì cơn giận mới này nữa.
5. Đổi đề tài, đánh lạc hướng
Cách dễ nhất để làm dịu cơn nóng giận là phân tán sự chú ý của con ra khỏi vấn đề khiến con đang bực kia. Cha mẹ cứ thấy có cơ hội là đổi đề tài, ngay từ những giây phút đầu trước khi con kịp nổi giận lại càng tốt.
Nếu đổi một lần không hiệu quả thì bạn lại đổi tiếp, chỉ cần con thích chủ đề/đề tài đó là được. Nếu bạn chọn đúng chủ đề thì chỉ cần một lần đổi thôi là có tác dụng rồi.
6. Dạy con nói ra cảm xúc, ước muốn và cách thảo luận
Chuyện này bình thường có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Nhưng trong trường hợp con ăn vạ thì là khi mình đang ôm con (sau khi con đã khóc xong). Mình sẽ nói là vừa nãy con buồn/giận à? Nhưng mẹ thấy gào lên như vậy là không được rồi. Rồi tiếp sau thì là tùy từng vấn đề mà cha mẹ có thể phân tích cho con. Ví dụ như: Kẹo chỉ được ăn sau bữa tối, con biết mà. Và con la hét như vậy là chắc chắn mẹ sẽ không cho đâu. Con biết là chỉ cần ăn cơm xong và con hỏi thì mẹ sẽ đưa cho con ngay mà. Lần sau đừng làm vậy nữa nhé.
Căn bản con phải thấy được là ăn vạ sẽ chỉ đem con ra xa hơn mục tiêu mà con muốn có mà thôi. Thực tế thì bây giờ mỗi lần con mình buồn thì sẽ biết chủ động nói ra câu mẹ ơi, con buồn, mẹ ôm con đi. Và rồi khi mẹ ôm, mẹ con mình bình tĩnh nói chuyện chứ không cần gào thét nữa. Bé cũng thấy làm kiểu này có vẻ sẽ đạt được mục đích dễ dàng hơn.
7. Cho con thấy mặt tích cực của vấn đề
Điều này cũng phải thảo luận vì thường trẻ ăn vạ là do bị từ chối một điều gì đó, hoặc bị ép làm điều mà trẻ không muốn. Cả hai đều cho trẻ thấy là trẻ không có lợi gì cả, vì vậy nhiệm vụ của bạn là hãy cho con thấy phần nào đó con cũng có lợi trong chuyện này.
Có nhiều cách để cha mẹ có thể nêu ra cái lợi mà con có thể có được nếu làm theo lời:
– Con lèo nhèo giữa đường vì muốn đi đường khác dài hơn?
Mình sẽ bảo đi đường kia thì mới ghé cửa hàng được chứ, mẹ muốn mua cam, con có muốn đi cùng không?
– Con muốn chơi ngoài sân mãi mà chưa muốn về?
Mình sẽ bảo mẹ định hôm nay nấu trứng chiên đó. Con muốn về để đập trứng cho mẹ chứ?
8. Chú ý lí do khác cho việc con ăn vạ
Các lí do có thể như sau:
– Con mệt, con buồn ngủ, con đói: Có một lần, sau khi con lăn ra ăn vạ gần 1 giờ đồng hồ thì mình mới nhận ra là đã quá giờ ăn và giờ ngủ của con rồi. Thực tế là sau đó, khi quản lý tốt hơn vụ giờ giấc sinh hoạt thì con mình không bao giờ ăn vạ đến mức đó nữa.
– Con đau, con bị thương: Mỗi lần như vậy mình đều hỏi: “Có dán băng không con? có cần chườm đá không? Bôi dầu nhé? Xoa chỗ này được chứ? Mẹ thổi thêm nhé”… làm trẻ bình tĩnh lại (vì có mục tiêu khác để suy nghĩ ngoài cơn đau), hỗ trợ cho trẻ biết cách diễn giải hơn, giúp trẻ tự định hướng được phương pháp chữa trị nếu lần sau lại tiếp tục bị thương.
Tuy nhiên chống chỉ định dùng cho trẻ quá nhỏ, chưa có khả năng trình bày diễn giải rõ rệt, cũng chống chỉ định khi con đang rất đau, hoặc gặp trường hợp nguy hiểm cần giải quyết nhanh.
9. Con ăn vạ ở ngoài đường?
Con thường thích ăn vạ ngoài đường một phần vì ngoài đường có đồ lạ, có thứ hay ho để mà đòi hỏi, phần khác vì thái độ của cha mẹ khi ở ngoài đường rõ ràng là mềm mỏng hơn, dễ thỏa hiệp hơn. Vậy thì có lí do gì mà con không nên ăn vạ ngoài đường chứ? Con thông minh mà.
Mình thấy cái chính là cho con thấy ăn vạ ngoài đường hay ăn vạ trong nhà thì kết quả cũng giống nhau, phản ứng của cha mẹ cũng giống nhau, không có gì khác biệt hết. Nếu trong nhà con không ăn vạ được thì ngoài đường ăn vạ cũng không được gì luôn. Vậy nên cha mẹ không được cư xử khác biệt từ trong nhà ra đến ngoài đường.
10. Đừng lúc nào cũng từ chối con
Điều này khá quan trọng, là tiền đề để khi cha mẹ yêu cầu con làm 1 điều gì đó thì con sẽ hiếm khi từ chối hơn.
Có những lần đi công viên chơi, con mình thích chơi tàu/xe nên vừa vào thấy cái tàu hoặc cái xe nào là đòi chơi ngay. Chơi 1 lần chưa đã lại đòi chơi ngay thêm lần nữa. Lần đầu thì bọn mình để con chơi trò đó 2 lần, như con muốn. Nhưng sau đó luôn bảo là công viên còn rộng lắm, đi xem thêm xem có trò nào hay nữa không đã. Đến cuối cùng nếu con vẫn thích thì mình quay lại chơi lần nữa nhé.
Các bạn có thể thấy là mình luôn cố gắng cho con thêm cơ hội, dù là con có ăn vạ hay không. Kể cả trước khi con ăn vạ, hễ có cơ hội mà mình cho được thì mình cũng sắp xếp cho con luôn. Nhờ vào những thứ như vậy mà con mình luôn có cảm giác an toàn, cảm thấy cha mẹ luôn giữ lời hứa, luôn quay lại chơi thêm/đi lần nữa nếu con thích. Thậm chí còn thấy cha mẹ rất đại lượng, nếu con quên thì cũng nhắc con nhớ luôn. Con cũng cảm thấy cha mẹ mở lòng, cái gì tốt cho nó thì đều để cho con trải nghiệm cả. Và nếu con không được trải nghiệm lần này thì cơ hội lần sau cũng vẫn là có, con không mất mát cái gì bao giờ.
Hy vọng những kinh nghiệm của bà mẹ trẻ sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc và nuôi dạy con, đặc biệt là trị thói ăn vạ của trẻ.
Theo: PNVN