Lo âu xã hội làm bạn cảm thấy sợ, tránh né và gây ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Mức độ nặng hơn có thể gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ, công việc, học tập thường ngày.
1- Rối loạn lo âu xã hội là gì?
Bạn có cảm thấy bối rối khi phải nói trước mặt người khác, hoặc khi ăn uống trước mặt người lạ? Hoặc một công việc bạn có thể làm rất trôi chảy nhưng khi có người bên cạnh quan sát là bạn lại không thể làm tốt được?
Sẽ là bình thường nếu chúng ta cảm thấy bối rối trong vài tình huống xã hội, chẳng hạn như trong một buổi hẹn hò, một buổi diễn thuyết, gây ra triệu chứng bồn chồn trong bụng. Tuy nhiên, trong lo âu xã hội, hay gọi là sợ xã hội, mọi hoạt động tương tác của bạn đều gây ra lo lắng, xấu hổ, bởi bạn cảm thấy sợ người khác quan sát hoặc đánh giá tiêu cực về bạn.
Lo âu xã hội là một rối loạn tâm thần mạn tính, tuy nhiên học cách đương đầu thông qua các liệu pháp tâm lý, dùng thuốc, có thể làm bạn tự tin hơn và cải thiện được khả năng tương tác của bạn với những người khác.
2- Nguyên nhân gây rối loạn lo âu xã hội
Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu xã hội vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại ủng hộ ý tưởng rằng nó được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền.
– Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu cũng có thể góp phần vào rối loạn này, bao gồm: Bị lạm dụng tình dục; Bị bắt nạt; Mâu thuẫn gia đình.
– Những bất thường về thể chất như mất cân bằng serotonin có thể góp phần vào tình trạng này. Serotonin là một chất hóa học trong não giúp điều chỉnh tâm trạng. Một hạch hạnh nhân hoạt động quá mức (một cấu trúc trong não kiểm soát phản ứng sợ hãi và cảm giác hoặc suy nghĩ lo lắng) cũng có thể gây ra những rối loạn này.
– Những bất thường trong cấu trúc sinh học: Các nhà nghiên cứu không chắc chắn liệu chúng có thật sự liên quan đến yếu tố di truyền hay không. Ví dụ, một đứa trẻ có thể phát triển chứng rối loạn lo âu xã hội bằng cách học hành vi của cha mẹ bị rối loạn lo âu. Trẻ em cũng có thể phát triển các rối loạn lo âu xã hội do được nuôi dưỡng trong môi trường kiểm soát hoặc bảo vệ quá mức.
3- Triệu chứng lo âu xã hội
Không nhất thiết việc cảm thấy xấu hổ, không thoải mái trong những tình huống nhất định đã là triệu chứng của lo âu xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em. Mức độ thoải mái trong các giao tiếp xã hội tùy thuộc và cá tính, trải nghiệm của từng cá nhân. Một vài người rất tự nhiên, trong khi một số khác không được thoải mái như vậy.
Ngược lại, khi những căng thẳng xảy ra hằng ngày, lo âu xã hội đi kèm với cảm giác sợ hãi, lo lắng, tránh né những tương tác xã hội trong công việc, học tập, hoạt động thường ngày. Lo âu xã hội thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, một số có thể bắt đầu ở trẻ em, hoặc người lớn.
Các triệu chứng về cảm xúc và hành vi
Các dấu hiệu triệu chứng về cảm xúc hành vi của lo âu xã hội bao gồm:
– Sợ hãi những tình huống mà bạn có thể bị đánh giá tiêu cực.
– Lo lắng về việc cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn của bản thân.
– Sợ giao tiếp, nói chuyện với người lạ.
– Sợ các triệu chứng cơ thể mà có thể gây cho bạn xấu hổ: ví dụ đổ mồ hôi, đỏ mặt, run tay, run giọng nói.
– Tránh làm hoặc nói trước người khác để tránh cảm giác xấu hổ.
– Tránh những tình huống mà bạn là trung tâm của sự chú ý.
– Lo lắng khi tham gia các hoạt động, sự kiện mà mình sợ.
– Lo lắng sợ hãi trong các tình huống giao tiếp xã hội.
– Sau mỗi lần tương tác xã hội, bạn thường phân tích suy ngẫm lại những điều mình cho là sai trong quá trình giao tiếp vừa rồi.
– Lo nghĩ về những hệ quả xấu có thể xảy ra khi mình tham gia giao tiếp xã hội.
Ở trẻ em, lo âu thể hiện trong quá trình tương tác với người lớn, với bạn đồng trang lứa, thể hiện bằng khóc, hờn dỗi, nép vào cha mẹ và không nói trong các tình huống giao tiếp.
Một dạng của lo âu xã hội là lo âu xã hội dạng thể hiện, tức là chỉ xuất hiện khi cá nhân phải thể hiện trước mặt người khác, ví dụ nói trước đám đông, tuy nhiên không lo âu trong các tình huống xã hội thông thường khác.
Các triệu chứng cơ thể
– Đỏ mặt
– Tim đập nhanh
– Run
– Vã mồ hôi
– Khó chịu trong bụng, buồn nôn
– Thở hụt hơi
– Chóng mặt
– Cảm thấy đầu óc trống rỗng
– Căng cơ
– Tránh né các tình huống xã hội
Cá nhân có rối loạn lo âu xã hội thường tránh né các tình huống xã hội như:
– Tương tác với người lạ, hoặc người không thân thiết lắm
– Tham dự các bữa tiệc, các sự kiện đông người
– Đi học, đi làm
– Bắt chuyện
– Giao tiếp mắt
– Hẹn hò
– Vào phòng mà những người khác đã ngồi sẵn
– Trả lại đồ khi đã mua ở cửa hàng
– Ăn uống trước mặt người khác
– Sử dụng nhà vệ sinh công cộng
Triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội có thể thay đổi theo thời gian, và sẽ nặng lên khi bạn phải đương đầu với căng thẳng, thay đổi. Mặc dù việc tránh né các tình huống xã hội có thể làm bạn bớt lo âu, tuy nhiên chỉ được thời gian ngắn, và hiện tượng lo âu của bạn sẽ tiếp tục còn nếu không tìm kiếm sự điều trị.
4- Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Sẽ có triển vọng đối với những người mắc chứng lo âu xã hội khi điều trị đúng cách. Trị liệu, thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp nhiều người đối phó với lo âu và hoạt động hiệu quả khi ở trong các tình huống xã hội.
Nỗi ám ảnh xã hội không nhất thiết phải kiểm soát cuộc sống của bạn. Mặc dù có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, liệu pháp tâm lý hoặc thuốc có thể giúp bạn bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn và tự tin hơn trong các tình huống xã hội.
Kiểm soát ám sợ của bạn bằng cách: Nhận biết các yếu tố kích hoạt khiến bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng hoặc mất kiểm soát; luyện tập thư giãn và kỹ năng thở; uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.
Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu như bạn sợ, tránh né các tình huống xã hội thông thường vì những tình huống đó gây xấu hổ, lo âu, hoảng sợ.
Theo: Suckhoedoisong