Một người dân sống tại Đức nói rằng đồng euro là một thảm họa, bởi với 100 mark, bạn có thể chất đầy xe đẩy hàng của mình, nhưng hiện nay 100 euro không đủ để lấy đầy hai túi hàng.
Người dân mua rau quả tại siêu thị ở Zaragoza, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXV)
Sau 20 năm sử dụng đồng euro, nhiều người dân châu Âu vẫn chỉ trích rằng việc chuyển sang dùng đồng tiền này đã khiến giá tiêu dùng tăng, dù cho có nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Maria Napolitano, một người Italy 65 tuổi sống ở Frankfurt (Đức) nói rằng đồng euro là một thảm họa. Với 100 mark, bạn có thể chất đầy xe đẩy hàng của mình, nhưng hiện nay 100 euro không đủ để lấy đầy hai túi hàng.
Nhiều người dân trên khắp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), từ Paris, Rome, Madrid đến Athens đều đưa ra lời phàn nàn tương tự.
Victor Irun, một giáo viên 53 tuổi ở Madrid, cho rằng đối với người Tây Ban Nha, việc chuyển sang sử dụng đồng euro giống như vào một câu lạc bộ dành cho giới nhà giàu trong khi không mặc đúng quần áo.
Một số người Đức thậm chí còn đặt ra một biệt danh mới cho đồng euro là “teuro,” một cách chơi chữ trong tiếng Đức có nghĩa là đắt tiền.
Trong một nghiên cứu năm 2006, Giáo sư đại học Hans Wolfgang Brachinger đã ước tính mức tăng giá tiêu dùng theo “cảm nhận” của người Đức vào khoảng 7% từ năm 2001-2002.
Tuy nhiên, trên thực tế, các số liệu thống kê chính thức cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu không hề tăng.
Trong một nghiên cứu chi tiết về vấn đề này, Giáo sư kinh tế tại Đại học Turin, Giovanni Mastrobuoni, đã theo dõi giá các mặt hàng khác nhau tại Eurozone – từ trái cây, rau, bánh mỳ, cho đến đồ uống và bữa ăn tại nhà hàng – và nhận thấy rằng giá của một số sản phẩm rẻ tiền thực sự đã tăng lên khi chuyển sang đồng euro.
Trên thực tế, một số nhà bán lẻ có xu hướng tăng giá sản phẩm khi quy đổi giá từ đồng nội tệ sang euro. Do đó hầu như không có gì ngạc nhiên khi người dân cảm thấy khó chịu.
Ông Mastrobuoni nhấn mạnh hiện tượng trên thậm chí còn rõ ràng hơn ở các quốc gia nơi các khu vực phân phối ít tập trung hơn, vì các nhà bán lẻ nhỏ thường tăng giá nhiều hơn.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (Insee), giá trung bình của một ly càphê tại nước này đã tăng từ 1,19 euro lên 1,22 euro trong khoảng thời gian từ cuối năm 2001 đến đầu năm 2002.
Tuy nhiên, lạm phát phần lớn không bị ảnh hưởng vì giá của các mặt hàng cao cấp hơn không tăng và trong một số trường hợp, thậm chí còn giảm nhờ năng suất được cải thiện. Ủy ban châu Âu (EC) tính toán rằng mức tăng thực tế liên quan đến sự ra đời của đồng euro là từ 0,1-0,3%.
Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), đối với tất cả 12 quốc gia đưa vào sử dụng đồng euro ngay từ đầu, tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm ở mức 2,3% trong cả năm 2001 và 2002. Song số liệu có sự khác biệt giữa các quốc gia.
Tại Tây Ban Nha, lạm phát ở mức 2,8% năm 2001 và 3,6% năm 2002, trong khi hầu hết các nước khác đều ghi nhận lạm phát không đổi hoặc trong trường hợp của Bỉ, Đức, Luxembourg và Hà Lan, lạm phát giảm tốc.
Pierre Jaillet, một nhà nghiên cứu tại cả hai viện Jacques Delors và Iris ở Pháp, đánh giá rằng tình hình tài chính của người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc liệu họ có cảm thấy sự khác biệt giữa diễn biến giá thực tế và giá cảm nhận hay không.
Theo ông Jaillet, những người không khá giả có xu hướng chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ cho thực phẩm, vì vậy họ sẽ chịu sức ép giá nhiều hơn, đồng thời lưu ý rằng người tiêu dùng thường nhớ đến việc tăng giá chứ không phải giảm giá./.
Theo: Vietnamplus