Mười năm trước, tôi gặp La Hạ Giang Thanh khi cô là người tiên phong đưa ngành khoa học Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) về Việt Nam. Lúc đó, cô đã thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ tâm lý và kỹ thuật giao tiếp với vô thức để giúp nhiều người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Gần đây, tôi gặp lại Giang Thanh trong vai trò là nhà huấn luyện tâm trí (mind coach) với chứng chỉ NLP Master Trainer – chứng chỉ cao nhất trong ngành do Đại học NLP tại Mỹ cấp. Dù cô đã có những thay đổi trong kiến thức chuyên sâu cũng như cách khai mở tâm trí con người, nhưng có một điều không thay đổi sau nhiều năm, đó là tâm huyết mang lại hạnh phúc cho mọi người, như ước mơ thuở nhỏ của cô.
__
Hầu hết những ước mơ thuở nhỏ của chúng ta đều viển vông và không thực tế. Chị là một trong số ít những người theo đuổi giấc mơ của mình đến cùng như vậy…
Với nhiều người, ước mơ được mang lại hạnh phúc cho mọi người nghe có vẻ viễn vông thật. Ngày nhỏ, khi biết tôi mơ ước được phục vụ người khác, thì ba mẹ, họ hàng đã mắng tôi vì mơ ước không giống ai. Nhưng thật lạ là càng lớn, ước mơ đó lại càng cháy bỏng. Thậm chí, có giai đoạn tôi quyết định học về Quản trị kinh doanh và Marketing, có điều gì đó cứ kéo tôi quay trở lại với điều mình muốn làm, đó là giúp mọi người bình an, vui vẻ. Mãi đến khi tiếp cận và thực hành NLP cũng như các ngành khoa học tâm trí khác trong nghề nghiệp, tôi mới cảm thấy thỏa mãn. Đây mới đúng là đam mê và sứ mệnh của mình.
__
Thời điểm cách đây hơn 10 năm, Ngôn ngữ Lập trình Tư duy (NLP) chưa được nhiều người biết đến. Nhưng nay, khái niệm này đã phổ biến khắp nơi và NLP thường được quảng cáo như chương trình dạy kỹ năng làm giàu. Là người nghiên cứu về NLP, chị nghĩ sao về điều này?
NLP đã được nhiều người áp dụng và có được thành công về tài chính, điều này có thật. Tuy nhiên, NLP có thể mang lại nhiều thành công khác tùy theo mục tiêu của mỗi người như sự nghiệp, quyền lực, sức khỏe, các mối quan hệ… Chẳng hạn một người đang đau đớn vì bệnh nan y, họ đâu cần nhiều tiền bạc hay quyền lực, họ chỉ cần sống khỏe mạnh và cơ thể không bị dày vò bởi bệnh tật, đúng không?
NLP là ngành khoa học được đưa ra bởi hai nhà khoa học Richard Bandler và John Grinder vào năm 1972. Họ đã tìm ra quy trình mô phỏng các thiên tài và các nhà lãnh đạo xuất sắc trên thế giới, sau đó đưa ra các định hướng và chiến lược để những người khác thực hành và có được thành công như các thiên tài. Lập trình ngôn ngữ tư duy nhằm vào việc thay đổi tận gốc của hành vi bằng cách tác động bởi Hệ thần kinh (Neuro), cách giao tiếp với bản thân và người khác (Ngôn ngữ học) và cách hành xử về tinh thần và thể chất (Lập trình). Ngành NLP thế giới mô phỏng những người thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nên NLP không chỉ giúp người ta giàu có, mà người ta sẽ thành công trong khả năng và mong muốn của họ.
Tuy nhiên, NLP để đạt hiệu quả như mong đợi thì cần kết hợp với nhiều ngành khoa học tâm trí khác như: giao tiếp với vô thức (thôi miên trị liệu), liệu pháp dòng thời gian… để tác động đến vô thức, hay năng lực tiềm ẩn của con người.
__
Vì sao tác động vào vô thức lại quan trọng?
Bởi vì vô thức hay năng lực tiềm ẩn của con người là kho báu khổng lồ, nhưng chúng ta hầu như không biết đến. Vô thức lưu trữ toàn bộ ký ức tuổi thơ, thông tin di truyền, thậm chí cả ký ức từ kiếp trước… Và nó còn có khả năng phát ra những tần sóng, để thu hút những tần sóng phù hợp. Bạn sẽ thấy có những người hay gặp chuyện vui hoặc may mắn thường trực, trái lại có những người lại gặp đau khổ và buồn phiền hết lần này đến lần khác. Những người nghiên cứu về thôi miên trị liệu hiểu rằng vô thức đóng vai trò quan trọng đối với tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời chúng ta.
Mặt khác, vô thức còn chứa đựng những nỗi sợ hãi hay những tổn thương từ di truyền hay từ tuổi thơ… Nó tạo nên những “chỗ tắt” khiến cho chúng ta mãi vẫn không thể có cuộc sống nhẹ nhàng, sự nghiệp cũng không thuận lợi.
__
Nếu vậy có lẽ ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn những tổn thương cần được tháo gỡ?
Đúng vậy. Tôi hay ví đó là những vết thương trong tâm hồn. Và khi rơi vào hoàn cảnh thuận lợi, vết thương đó lộ diện gây nên những nỗi đau khổ tuyệt vọng và gây trầm cảm. Ngay cả tôi cũng có những vết thương bên trong tâm thức. Và tôi cũng đã rơi vào trầm cảm trong những ngày du học xa nhà. Thật may, những kiến thức tâm lý tôi tự học, tự nghiên cứu đã giúp tôi quay trở lại.
Thực tế thì không phải ai cũng may mắn như tôi. Đa số mọi người đều không thể tự chữa lành tâm hồn. Họ cần những huấn luyện viên tâm trí giúp họ tự trải nghiệm các vấn đề của mình, tự chữa lành các tổn thương cũng như tìm ra con đường phát triển viên mãn.
__
Những ai là người cần được huấn luyện tâm trí để trải nghiệm giao tiếp với vô thức?
Có thể nói bất cứ ai cũng cần trải nghiệm này. Khách hàng của tôi từ những đứa trẻ chưa đến 10 tuổi đến người 60-70 tuổi, từ những sinh viên mới ra trường đến doanh nhân thành đạt. Ai trong chúng ta vẫn cũng có vẫn vấn đề của mình, khiến cho cuộc đời không như ý.
Con người chúng ta đau khổ hoặc thất bại vì chúng ta không nhận ra năng lực hay tiềm lực của mình. Người không biết về năng lực của mình sẽ nghĩ mình bất tài, vô dụng, không biết nên làm gì và chưa bắt tay vào làm đã sợ thất bại. Họ làm công việc nào đó chỉ để kiếm tiền, họ thiếu đam mê và yêu thích, vì vậy họ khó thành công trong nghề nghiệp mà bản thân họ cũng không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Người không hiểu về tiềm lực của mình thì luôn nghĩ bản thân không làm được gì, hoặc không dám dấn thân, bởi vì họ nghĩ mình sẽ chẳng làm nổi việc đó. Cứ như thế, dù nhận ra tài năng nhưng chúng ta thiếu quyết đoán, luôn sợ hãi và kết quả là cả đời cũng không thể chạm đến thành công.
Công việc của huấn luyện viên tâm trí không phải là người dạy học mà đơn giản là người hỗ trợ để người tham gia trải nghiệm bản thân, chạm vào vô thức. Từ đó họ sẽ hiểu chính mình, tìm thấy năng lực và tiềm năng của mình. Huấn luyện viên tâm trí tất nhiên sẽ có nhiều kiến thức và kỹ thuật mà chuyên viên tâm lý hay bác sĩ thần kinh không có được. Bởi vì muốn thay đổi một con người thì phải thay đổi hệ tư tưởng, chứ không chỉ bằng lời nói và hành động. Mà muốn thay đổi hệ tư tưởng thì phải cho anh ta biết về chính mình, sống với bản thể chân thật của mình.
__
Nhiều người nói rằng xã hội vật chất hiện nay đã làm cho người ta khó sống đúng với bản thể chân thật. Từ xã hội ảo đến xã hội thật, ai cũng phải khoát lên cho mình vài ba lớp áo lấp lánh mới dễ thành công…
Quả là một quan điểm lệch lạc. Những hào quang không thật sẽ không mang lại thành công bền vững. Tệ hơn, sống với những bản thể không thật sẽ khiến bạn khó tìm thấy bình an và hạnh phúc.
Khi sống đúng với bản thể của mình, bạn sẽ minh định về ưu khuyết điểm của mình. Bạn cũng không ngại sự phán xét của mọi người về bản thể của mình, đơn giản vì “tôi là bản thể duy nhất trên thế giới này”. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân, đồng thời bạn hiểu mình cần hoàn thiện chính mình, hoàn thiện các khiếm khuyết để thích nghi với xã hội mới. Đó là khi bạn dễ dàng chạm đến thành công nhất. Vì vậy, tôi tin rằng, một ngày nào đó, khi mọi người biết và sống với bản thể thật sự và điểm độc đáo của họ, thì thế giới sẽ sống trong bình an và thịnh vượng.
Theo: Doanhnhanplus