Theo thống kê của Forbes, Tiger Woods là golfer đầu tiên có khối tài sản vượt mốc 1 tỷ USD dựa trên thu nhập của vận động viên, các hợp đồng quảng cáo và những khoản đầu tư.
“Woods, 46 tuổi, đã duy trì vị thế là một trong những vận động viên kiếm tiền hàng đầu thế giới, bỏ túi hơn 1,7 tỷ USD từ tiền lương, các hợp đồng quảng cáo và những khoản đầu tư khác trong suốt 27 năm sự nghiệp của mình”, tạp chí Forbes (Mỹ) viết về Tiger Woods.
Forbes ước tính Woods hiện sở hữu khối tài sản ròng ít nhất một tỷ USD, khiến ông trở thành một trong ba vận động viên tỷ phú. Hai người còn lại là các siêu sao bóng rổ LeBron James, người đã tận dụng danh tiếng và tài sản của mình đầu tư vào một số doanh nghiệp; và Michael Jordan, người thành tỷ phú nhờ khoản đầu tư đúng lúc vào NBA’s Charlotte Hornets.
Theo Forbes, chưa đến 10% tài sản của Tiger Woods đến từ sự nghiệp thi đấu, phần lớn tài sản còn lại đến từ các bản hợp đồng quảng cáo và hoạt động kinh doanh. Tay golf huyền thoại là đại diện các thương hiệu nổi tiếng gồm Gatorade, Monster Energy, TaylorMade, Rolex và Nike, những công ty ông ký hợp đồng vào năm 1996 và vẫn duy trì đến hiện tại.
Woods đã sử dụng danh tiếng và thu nhập của mình để mở rộng sang một loạt dự án kinh doanh khác, bao gồm kinh doanh thiết kế sân golf (TGR Design), công ty sản xuất sự kiện trực tiếp (TGR Live) và nhà hàng (The Woods).
Thông qua TGR Ventures, Woods cũng đầu tư vào Full Swing, một công cụ đào tạo công nghệ chơi golf; Heard, một công ty khởi nghiệp phần mềm khách sạn; và PopStroke, một trải nghiệm chơi golf mini sang trọng với bốn địa điểm ở Florida và có kế hoạch mở thêm nhiều địa điểm mới trên khắp đất nước vào năm nay.
Woods cũng được xác định là đối tác trong một SPAC (công ty thành lập với mục đích đặc biệt) được công bố hồi tháng 1. Ông cũng bắt tay với tỷ phú người Anh Joe Lewis đầu tư vào Tavistock Group, tập đoàn sở hữu khu nghỉ dưỡng NEXUS Luxury Collection.
Với vai trò vận động viên, Woods góp phần quan trọng trong sự thành công của các giải đấu, đi kèm doanh thu của giải thông qua phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Vào đầu thập niên 2000, theo cựu chủ tịch CBS Neal Pilson, khán giả truyền hình sẽ giảm từ 30% đến 50% khi Woods không tranh tài tại một giải đấu. “Hiệu ứng Tiger” đã góp phần giúp PGA Tour nâng tổng quỹ thưởng lên gần gấp ba lần từ năm 1996 đến 2008, khoảng thời gian Woods giành được 14 chức vô địch lớn.
Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, Woods là vận động viên kiếm nhiều tiền nhất trong lịch sử với 100 triệu USD mỗi năm. Ông giữ vị trí số một trong danh sách vận động viên có thu nhập cao nhất của Forbes trong 10 năm liên tiếp, kết thúc vào 2012. Thậm chí, sự sa sút đáng kể sau vụ tai nạn vào Lễ Tạ ơn năm 2009 cũng không ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền của Woods. Trong 12 tháng qua, dù hầu như không phát bóng trong quá trình hồi phục sau tai nạn xe hơi nghiêm trọng, Woods vẫn kiếm được 68 triệu USD ngoài sân cỏ, đủ để ông trở thành vận động viên có thu nhập theo năm cao thứ 14 trên thế giới.
Chứng kiến Woods chiến đấu qua nỗi đau tai nạn càng làm người hâm mộ và các nhà tài trợ cuồng nhiệt. Họ tiếp tục ủng hộ ông vì tinh thần kiên cường chứ không đơn thuần là vận động viên bất khả chiến bại. Sự giàu có của Woods vẫn được đảm bảo cho dù ông có dùng gậy đánh golf nữa hay không. Gần đây, Woods tuyên bố cam kết chơi ở Giải vô địch mở rộng mùa hè này tại St Andrews, nhưng không tham gia Giải vô địch mở rộng Mỹ tháng này vì chân và lưng vẫn còn đau sau phẫu thuật.
Theo: Forbes