Doanh nhân Nguyễn Quốc Minh sinh năm 1980, là một Tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Georgia (Mỹ). Ông hiện là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Con cưng – một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng trẻ em tại Việt Nam, với hơn 400 cửa hàng và doanh thu hàng năm hơn nghìn tỉ đồng.
Khởi nghiệp
Năm 1994, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội chợ về công nghệ thông tin, thời điểm ấy những lập trình viên, robot và những hình khối tam giác màu sắc chuyển động trên màn hình tivi đã thu hút sự chú ý của cậu thiếu niên Nguyễn Quốc Minh, trở thành ước mơ, một ngày nào đó, Nguyễn Quốc Minh sẽ có thể viết code và tạo ra những con robot làm được nhiều thứ như vậy.
Đam mê nhen nhóm, Nguyễn Quốc Minh thể hiện là người giỏi về toán học và vật lý từ những năm cấp 3 với 2 lần đạt giải Vật lý khu vực miền Nam, một trong những cuộc thi cấp độ học sinh nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Năm lớp 10, Minh đã tự đọc hết giáo trình Toán và Vật lý của năm thứ 2 đại học mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Điều đó tạo cho anh nền tảng tốt về khoa học tự nhiên, phục vụ cho việc theo đuổi ngành công nghệ thông tin sau này. Song song đó, tiếng Anh cũng là một môn Nguyễn Quốc Minh ưa thích. Anh thường giải toán bằng tiếng Anh để có thể đồng thời bổ sung cả 2 kiến thức.
Năm 1998, Nguyễn Quốc Minh đỗ Đại học Bách Khoa. Sau một năm rưỡi học ở Việt Nam, anh được học bổng theo học tại Thái Lan. Tốt nghiệp đại học, năm 2004 anh qua Mỹ nghiên cứu chương trình Tiến sĩ về công nghệ thông tin.
Tại Mỹ, trường ông Minh theo học đứng top 10 về kỹ thuật, có nhiều Giáo sư xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực giảng dạy. Anh được học và trải nghiệm nhiều từ tài chính kế toán, chip xử lý đến thiên văn. Môi trường đại học ở Mỹ phong phú, bên cạnh trường có nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin, điểm đến ưa thích của anh.
Chia sẻ lý do nghiên cứu về dữ liệu, anh Minh cho biết: “Năm 2003, khi học xong đại học bên Thái, tôi có làm việc tại một công ty trong thời gian ngắn. Khi được giao việc trong công ty, tôi nghĩ: ‘Trời, việc này mình code trong 15 phút là xong’. Trong khi đó mọi người làm mất rất nhiều thời gian.
Trong một doanh nghiệp được tổ chức bài bản, chỉ cần 1 – 2 người là có thể giải quyết tất cả các công việc như vậy. Tôi mới thấy rằng vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tổ chức thông tin, phải làm sao để mọi thứ tự động hoá một cách nhanh nhất. Từ đó, tôi quyết định đi học chuyên sâu về dữ liệu.
Thực tế, dữ liệu trong ngành máy tính có nhiều cấp độ khác nhau. Khoảng 30 năm trước, người ta tập trung vào việc làm sao để thu thập thông tin. Khi thiết bị thu thập thông tin có đủ rồi, bước kế tiếp là xử lý thông tin đó. Cấp độ tiếp theo nữa là ra quyết định giúp mình. Cuối cùng, khó hơn, là sáng tạo ra những cái mới mà con người không nghĩ đến.
Dữ liệu và AI (trí tuệ thông minh-PV) liên thông với nhau rất chặt chẽ. AI giúp mình xử lý, phân tích, ra quyết định và sáng tạo. Khi đặt bản thân lên những cấp độ đó, tôi thấy con đường mình đi rất dài và thú vị.”
Sau 6 năm học tập và nghiên cứu Tiến sĩ, Nguyễn Quốc Minh chọn trở Việt Nam để tạo nên sự nghiệp.
Thời điểm ấy, nhiều người cho rằng Việt Nam còn nghèo. Nhưng với góc nhìn khác, Nguyễn Quốc Minh cho rằng, thế giới thay đổi rất nhanh, sau 20-30 năm, dân số Việt Nam có thể đạt mức 125 triệu người và thu nhập bình quân ước tính khoảng 20.00USD. Khi đó, GDP của Việt Nam đạt khoảng 2.500 tỷ USD – một con số không hề nhỏ. Thêm vào đó, trong kinh doanh, Việt Nam là một nước đang phát triển, có rất nhiều thị trường mở với rất nhiều cơ hội.
Dựa trên năng lực phân tích, Nguyễn Quốc Minh nhận thấy mẹ bầu là đối tượng chưa được đáp ứng tốt ở Việt Nam lúc đó. Trung bình mỗi năm Việt Nam sinh ra 1,5 triệu em bé, tương tự có khoảng 1,5 triệu mẹ bầu. Nếu nhìn trong 10 đến 20 năm, thị trường phục vụ này sẽ có quy mô từ 20 đến 30 triệu người – một thị trường thú vị để bắt đầu kinh doanh.
Thương hiệu “Con Cưng” ra đời bắt đầu với kinh doanh bỉm, tã trẻ em,… với số vốn khoảng 3 tỷ do ông và người cộng sự Lưu Anh Tiến vun góp. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường, Con Cưng vẫn cần một số vốn hơn thế. Lúc này, ông Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến đã nghĩ ra một cách gọi vốn không tưởng: Định giá bản thân.
Ông Nguyễn Quốc Minh từng chia sẻ về việc này: “Tôi và Tiến đi gặp một người bạn, nói chuyện và thuyết phục: ‘Bọn tôi hai người trị giá 4 triệu USD’.
Ban đầu họ cũng không tin. Thời gian trôi qua, họ thấy cửa hàng của Con Cưng ngày một lớn hơn. Doanh số khi đó cũng tới 600 – 700 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Nhà đầu tư cảm thấy hệ thống đang phát triển và định giá chúng tôi 4 triệu USD thật. Sau đó họ bỏ 1 triệu USD đầu tiên đầu tư cho chúng tôi.”
Năm 2013, Con Cưng bắt đầu mở rộng kinh doanh với 8 cửa hàng. Vào năm thứ 3 đầu tư, Con Cưng thu về lợi nhuận 1 triệu USD. Nguyễn Quốc Minh tiếp tục đầu tư vào con người, mở rộng ngành hàng, chi tiền cho marketing và đội ngũ IT.
Khi mở rộng, Con Cưng dần đặt nền móng cho việc vươn xa hơn. Chính điều đó đã biến Con Cưng từ 1 cửa hàng nhỏ lẻ trở thành một doanh nghiệp thực sự.
Con Cưng đang kinh doanh ra sao?
Thành lập năm 2011, Con Cưng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng trẻ em tại Việt Nam với việc phát triển hệ thống bán lẻ cho mẹ bầu và em bé gồm Con Cưng, Toycity và CF (Con Cung Fashion).
Năm 2015, doanh thu thuần của Con Cưng đạt 114 tỷ đồng, biên lãi gộp 25,4%. Lợi nhuận gộp trong năm này không thể gánh nổi các loại chi phí, đặc biệt là chi phí bán hàng gần 21 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm cũng gần 8 tỷ. Năm đầu tiên hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, Con Cưng lỗ khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên sang năm 2016, mức tăng trưởng không phải là 100% theo mô tả của Con Cưng, mà lên đến 358%, công ty đạt doanh thu thuần gần 524 tỷ đồng, biên lãi gộp cải thiện đạt hơn 30%.
Tổng tài sản cuối năm 2016 đạt 168 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là hàng tồn kho 105 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 63%). Tổng nợ phải trả trong năm gần 130 tỷ đồng, gấp 3,4 lần vốn chủ. Trong đó, vay nợ ngắn hạn 95 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, Con Cưng nhận trên 132 tỷ đồng tiền đi vay trong năm 2016, chi cho hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2017, Con Cưng cho biết doanh số hoạt động gấp đôi năm trước, điều này có nghĩa doanh thu của công ty đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2019, có 331 của hàng, với doanh số gần 100 triệu USD. Năm 2020, Con Cưng đã đạt 375 cửa hàng, doanh số khoảng 150 triệu USD.
Năm 2021, Con Cưng đề ra mục tiêu doanh thu đạt 6.751 tỷ đồng, tăng 91,2% so với năm 2020, lợi nhuận gộp 1.752 tỷ đồng.
Trước đó, lãnh đạo công ty dự kiến phát triển chuỗi Con Cưng lên 1.200 cửa hàng vào năm 2023, doanh thu cán mốc 1 tỷ USD.
Trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng trẻ em tại Việt Nam, Con Cưng đang dẫn đầu thị trường về điểm bán và doanh thu. Hiện công ty này quản lý ba thương hiệu riêng biệt: Con Cưng – hệ thống cửa hàng đồ mẹ bầu và em bé với 485 cửa hàng, ToyCity – đồ chơi với 58 cửa hàng và CF 0-12 – thời trang trẻ em với 36 cửa hàng.
Và chỉ tính riêng thị trường TP.HCM, chuỗi này đã có tới 150 cửa hàng.
Hồi đầu năm nay, Con Cưng phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu, nhằm bổ sung vốn lưu động cho công ty mẹ và các công ty con trực thuộc (sở hữu gián tiếp, trực tiếp). Theo đó, 50% vốn này sẽ đầu tư mở cửa hàng mới, 30% đầu tư cửa hàng hiện hữu, 20% đầu tư khác.
Theo: Doanhnhanvn