Victor Vũ sinh năm 1975 tại Mỹ nhưng tất cả những bộ phim anh làm đều lấy chủ đề đất nước Việt Nam. Mắt biếc – bộ phim mới nhất của anh đã trở thành tâm điểm điện ảnh Việt vào thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Dõi theo anh từ Chuyện tình xa xứ, bộ phim đầu tiên của Victor Vũ sản xuất tại Việt Nam, qua những thành công lớn và cả khi tên tuổi anh xuống đáy với Giao lộ định mệnh, đây có lẽ là một trong những lần hiếm hoi Victor Vũ chia sẻ nhiều về quan điểm nghề nghiệp, điện ảnh và gia đình.
Biết ơn bố mẹ, nếu không tôi đã mất gốc
_______
Tôi nghĩ, nếu Victor Vũ không phải là Việt kiều thì khó mà làm được những bộ phim đẹp như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Ký ức của một người nếu sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam sẽ không quá lộng lẫy như vậy…
Lúc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mới ra, có một bài viết cho rằng đây là bộ phim postcard Việt Nam. Nó đẹp, lung linh quá. Thực sự, nếu quay lại, tôi vẫn làm y chang vậy. Ký ức về làng quê qua cái nhìn của những đứa trẻ thì vô cùng trong sáng, rất thơ. Còn người lớn nhìn vô sẽ thấy nhiều thứ khác. Tôi cũng tin một điều rằng, nếu phim không có những hình ảnh đẹp như thế, nếu ghi lại những hình ảnh thực tế hơn thì chưa chắc có những hiệu ứng mạnh đến vậy.
Điện ảnh tạo ra những trải nghiệm mà ở ngoài đời chưa chắc người ta nhìn thế giới như vậy. Qua một bộ phim, tôi muốn tôn lên vẻ đẹp tốt nhất có thể. Mắt biếc cũng vậy. Việc tôi chọn thập niên 1960, 1970 cho bối cảnh Mắt biếc, lý do là tôi không thể hình dung câu chuyện đó xảy ra vào thời điểm hiện tại nó sẽ như thế nào. Xã hội thời nay không còn nhiều sự hoài niệm, sự lãng mạn… Những nhân vật như Ngạn, Hà Lan, đưa vào bối cảnh thời đó sẽ thuyết phục hơn.
Như bạn nói, tôi không sinh ra ở Việt Nam, tôi còn không trải qua những năm đó ở Việt Nam. Có thể chính vì vậy, tôi lại thấy mọi sự hấp dẫn hơn, có gì đó thu hút, khiến tôi khao khát muốn khám phá, khai thác.
Tôi thích nhân vật Ngạn của Mắt biếc, thích câu chuyện này của Nguyễn Nhật Ánh nhiều hơn, có lẽ vì câu chuyện của Mắt biếc, còn có một cách nhìn khác, tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan không chỉ là tình yêu dành cho một cô gái đẹp mà đó còn là tình yêu dành cho làng quê, làng Đo Đo, dành cho tuổi thơ của mình. Trong tôi cũng có tình yêu dành cho đất nước Việt Nam. Đó cũng là lý do tôi trở về Việt Nam cách đây 12 năm. Ở góc độ đó, tôi và Ngạn có nét giống nhau. Dù mơ hồ nhưng tôi luôn dành tình yêu cho Việt Nam. Mặc dù thời điểm đó, ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa hiểu vì sao tôi trở về Việt Nam. Và khi mình có tình yêu đó, việc mình tìm hiểu, khai thác, mọi thứ đều đến rất tự nhiên.
_______
Phần Việt Nam trong con người Victor Vũ có phải đến từ tưởng tượng qua sách vở, qua phim ảnh…?
Nhờ có bố mẹ. Khi đi học, tôi là người Mỹ nhưng về đến nhà thì ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt, tham gia sinh hoạt Thiếu nhi Thánh thể bên Công giáo. Bây giờ nghĩ lại, tôi vô cùng biết ơn bố mẹ vì nếu không có những điều đó, tôi đã mất gốc giống như biết bao người Mỹ gốc Việt. Khi vô đại học, tôi luôn có sự tự hào dân tộc, không bao giờ ước muốn trở thành Mỹ trắng mà luôn tự hào mình là người Việt Nam.
Tôi từng là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, tổ chức nhiều đêm văn nghệ, những vở kịch về Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng. Những điều đó, dù cũng chỉ mang tính bề ngoài thôi nhưng nó thể hiện mình luôn có niềm tự hào dân tộc. Việc khai thác các câu chuyện Việt Nam trong phim của tôi, do đó, đến rất tự nhiên. Tất cả những chủ đề tôi làm trong phim ngắn, phim đầu tay, đều liên quan đến Việt Nam. Mặc dù bố mẹ tôi luôn đau đầu không hiểu vì sao…
_______
Bố mẹ anh có coi những bộ phim của con mình?
Coi hết cả. Coi ở cả Việt Nam, Mỹ. Có lúc về Việt Nam dự ra mắt phim. Có lúc coi từ liên hoan phim ở Mỹ. Thậm chí phim nào chiếu lậu trên mạng cũng coi.
_______
Bố mẹ anh có nhận xét gì?
Khó nói lắm vì ví dụ như con tôi, giờ lúc nào tôi cũng khen nó. Mọi thứ chủ quan lắm. Nhưng tôi vui vì bố mẹ bây giờ hiểu được đam mê của mình, tôn trọng đam mê của mình. Mỗi lần phim ra thì bố mẹ không chỉ xem mà còn bình luận, góp ý. Bố mẹ còn quảng bá với bà con, họ đích thực là những “fan cứng”. Cả nhà bên vợ tôi cũng vậy. Phim mới ra là ai cũng quan tâm. Có thể nói, đó là một hạnh phúc.
_______
Qua lời kể của Diệp, có vẻ như anh đã liên kết được các thành viên trong gia đình vợ?
Bố của vợ tôi (diễn viên Đinh Ngọc Diệp – PV) cũng là một người viết sách. Mỗi lần gặp, tôi và bố có thể nói chuyện mấy tiếng đồng hồ, vô cùng hợp nhau. Bố Diệp và tôi cũng đang hợp tác một số nội dung trong công việc. Có thể tôi sẽ mời bố tư vấn cho một bộ phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng, có bối cảnh những năm 1960, 1970 vì bố đã lớn lên ở thời điểm đó, khu vực đó ở Hà Nội.
Tôi không biết trước khi mình xuất hiện thì không khí ở nhà Diệp như thế nào nhưng bây giờ, mỗi khi có sự kiện gì thì gia đình tụ tập rất đông vui, nhất là khi cả nhà cùng qua Mỹ du lịch, cảm giác rất ấm áp. Đây là không khí gia đình mà tôi thiếu thốn trong thời gian đầu về Việt Nam, chưa có vợ. Những năm đó, tôi không quen biết nhiều, thời gian đầu rất cô độc. Lúc mình còn trẻ, độc thân thì OK, cũng vui nhưng theo thời gian mình cũng khao khát có một không khí gia đình. Gia đình Diệp làm tôi nhớ đến không khí gia đình của mình ở Mỹ với hai chị, một em gái, một em trai.
Tôi về Việt Nam là vì Trần Anh Hùng
_______
Quay lại thời điểm cách đây 12 năm, vì sao anh quyết định trở về Việt Nam?
Nếu nói xuất phát từ đâu, phải nói đến cái tên Trần Anh Hùng. Khi đang đi học tại Loyola Marymount University, tôi được xem phim Mùi đu đủ xanh. Tôi rất ấn tượng với phim, trước hết, về mặt thị giác, rất là đẹp. Nó là cái nhìn khác về văn hóa, có thể thấy đó là cái nhìn của một người không sống ở Việt Nam, qua góc nhìn điện ảnh rất thú vị. Một lần nữa, tôi cảm thấy rất tự hào và như được tiếp thêm động lực, vì mình cũng đang trên con đường như vậy.
Sau khi tốt nghiệp, tôi giới thiệu phim ngắn đầu tay Pháo mang chủ đề gia đình Việt Nam. Từ phim này, tôi nhận ra, đề tài đó với mình là quan trọng nhưng chưa chắc với số đông sẽ thu hút. Phim dài đầu tay của tôi Buổi sáng đầu năm tiếp tục có chủ đề là gia đình Việt sống ở hải ngoại, tôi bỏ tiền túi ra làm, thất bại về doanh thu. Sau đó, tôi quyết tâm làm phim thứ hai là Oan hồn, dựa theo câu chuyện ma Việt Nam mà bố mẹ, ông bà hay kể cho mình nghe. Với phim này, tôi khao khát về Việt Nam quay, nhưng thời điểm đó, các phim có chủ đề tâm linh rất khó được duyệt.
Sau đó, tôi về Mỹ, dàn dựng bối cảnh như làng quê Việt Nam để quay. Phim tuy không thành công về mặt thương mại, nhưng giúp tôi có điều kiện làm phim thứ ba Chuyện tình xa xứ. Sau Oan hồn, tôi cũng xuống tinh thần một chút, định tập trung vào ngành quảng cáo. Nhưng tôi quyết định thử lần thứ ba. Tôi về Việt Nam làm Chuyện tình xa xứ. Đây đúng là bộ phim định mệnh vì tôi cho mình trong hai tuần, nếu không tìm được nhà sản xuất, nhà đầu tư cho phim này, tôi sẽ về Mỹ và từ bỏ ý định làm phim ở Việt Nam.
_______
Có thể nhận thấy Victor Vũ chủ trương không dựa vào diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim của mình?
Nhìn lại những phim thành công, tôi đều thấy họ không dựa vào tên tuổi diễn viên. Có diễn viên tên tuổi, chưa chắc mang lại thành công phòng vé. Hiện nay chưa có tên tuổi nào để bảo chứng phim chắc chắn thành công ở phòng vé. Người có tên tuổi phải tham gia một dự án tốt mới thành công. Em chưa 18 không có tên tuổi, lúc đó Kaity Nguyễn với Kiều Minh Tuấn chưa là những cái tên “hot”.
Rõ ràng, khi đạo diễn đưa diễn viên vào những vai quá hợp, họ sẽ tỏa sáng. Khán giả bị thu hút liền. Khán giả cần những trải nghiệm mới. Quan trọng phim làm tốt, chứ không phải phụ thuộc tất cả ở yếu tố diễn viên. Cua lại vợ bầu thành công, đâu phải vì có Trấn Thành nổi tiếng mà là vì Trấn Thành đã làm rất tốt trong bộ phim này. Diễn viên có tên tuổi giúp một phần để tạo hiệu ứng nhưng việc người ta xem phim hay kêu gọi người khác xem phim, lại là một chuyện khác.
Tôi nghĩ, khi làm phim, phải thực sự buông chuyện doanh thu, chuyện bom tấn này kia ra khỏi đầu, tập trung vô phim đang làm, nếu không thì sẽ nghĩ, ồ, phim này đang thiếu yếu tố này, chết rồi, phải thêm cái này cái kia. Cuối cùng nó sẽ trở thành một cái gì đó không rõ ràng. Điều đó làm mình sợ hơn một phim không thành công về doanh thu. Tôi cũng bị điều này trong một dự án mình rất yêu, đó là Lôi báo.
Tôi và cả nhà sản xuất đều bị áp lực yếu tố thị trường. Điều này giải thích cho việc có những phim mình làm không được đón nhận như các phim khác. Từ đó, tôi luôn tự nhắc mình cứ làm những gì mình thấy đúng trước đi, phim hấp dẫn hay đúng thị hiếu không, mình không lường được. Không có công thức nào cho sự thành công. Cả Hollywood cũng không có được. Làm nghệ thuật, vì thế, phải vững về tâm lý.
_______
Tâm lý của anh đã vững như thế nào sau những thăng trầm của nghề nghiệp, đặc biệt sau câu chuyện của Giao lộ định mệnh?
Tôi đối diện với nó mọi lúc mọi nơi. Khi trải qua rồi thì mọi sự mình coi nhẹ, nhưng đúng là có những lúc mình khủng hoảng thật sự, cộng với việc mình ở một mình tại Việt Nam. Nhìn lại những giai đoạn đó, tôi thấy nó giúp ích cho mình rất nhiều. Nhờ nó, tôi biết bạn mình là ai. Trong những thời điểm đó, tôi chứng kiến nhiều người quay lưng với mình, đó là những người mình nghĩ là bạn bè, người thân, những người mình tin tưởng. Từ đó, tôi bớt tin người. Lúc đó, tôi cũng thấy được sự tàn nhẫn của truyền thông. Đó cũng là lý do tôi quay lưng với truyền thông một thời gian.
Nhưng tôi tin vào việc mình đang làm, tin vào đam mê của mình. Mình vẽ ra bức tranh mình phải chấp nhận bị soi, bị phán xét. Đó là chuyện bình thường khi mình làm nghệ thuật. Tôi ít khi lên tiếng cũng vì thế, đơn giản mình chơi thì mình chịu. Ngay cả khi Người bất tử bị kiểm duyệt, cắt nát cái kết, ảnh hưởng đến doanh thu của phim, tôi cũng không lên tiếng hay kêu cứu gì. Mình phải chấp nhận trong im lặng và tập trung cho dự án tiếp theo. Đam mê của tôi rất lớn. Khi tôi vừa vấp ngã trong một dự án, tôi đã suy nghĩ đến dự án mới vì đam mê của tôi là làm rất nhiều phim.
Đôi khi nghĩ lại tôi không hiểu vì sao mình vượt qua giai đoạn đó. Nếu mình yếu bóng vía hay không vững thì đã sụp và không có ngày hôm nay. Cái may mắn lớn nữa là lúc đó, tôi có dự án Cô dâu đại chiến nên tôi phải tập trung vào dự án mới.
Có con, tất cả thay đổi dữ dội
_______
Có thể chia sẻ một chút về chuyện riêng, bộ phim đầu tiên anh và vợ gặp nhau là Chuyện tình xa xứ?
Đúng rồi, tôi gặp Diệp và Bình Minh là chọn vào vai liền luôn, vì thấy hai người này hợp quá. Một kỷ niệm vui, có lần tôi phải ra quán cà phê Mojo thuyết phục Diệp, vì lúc đó cát sê không cao, Diệp nói, tiền này không đủ cho cô ấy shopping ở bên Mỹ. Cuối cùng, cũng may là Diệp nói thích kịch bản nên tham gia. Phim đó, Diệp vào đúng vai nên tỏa sáng. Trong Cô dâu đại chiến cũng vậy, Diệp rất hồn nhiên trong diễn xuất nên thành công. Diệp diễn “tay ngang” nên đôi khi cũng là nét hay vì diễn viên mà phân tích diễn xuất nhiều quá thì lại mất đi sự tự nhiên.
_______
Vì sao từ khi có chồng là đạo diễn nổi tiếng thì Diệp lại ít có phim?
Diệp rất tự do trong mọi quyết định nhưng mọi thứ rất tự nhiên, khi mình có gia đình, quyết định có con rồi thì đứa con sẽ trở thành ưu tiên số một. Đương nhiên, tôi và Diệp luôn nói nếu có một vai nào phù hợp với Diệp, thì không có lý do gì mà không tham gia. Diệp bây giờ cũng không phải quá dư thời gian để cứ có phim là đi đóng nên phải chọn kỹ hơn. Tôi vẫn tin Diệp còn đam mê, nhưng phải đúng vai. Vai cuối cùng Diệp đóng trước khi mang thai là trong Người bất tử, xong là làm mẹ.
_______
Quen nhau từ hai phim, biết nhau trước đó khá lâu, tưởng đã không đi tới đâu, rồi vì sao anh và Diệp lại quyết định hẹn hò hẹn hò và… đám cưới?
Ban đầu chúng tôi chỉ là bạn. Tôi quý Diệp vì cô ấy rất dễ thương, đương nhiên có đẹp, nhưng Diệp không phải tuýp người tôi tìm và ngược lại, tôi cũng không phải tuýp người Diệp muốn. Sau nhiều năm thì chúng tôi gặp lại, nói chuyện với nhau, không hiểu sao lại thấy tính của hai người hợp hơn.
Có thể hồi xưa Diệp còn quá trẻ nên không hợp. Khi gặp lại, tôi cảm nhận được Diệp tuy bên ngoài hồn nhiên nhưng rất sâu sắc. Quan sát nhiều việc cô ấy làm, tôi thấy Diệp có trái tim lớn, tốt bụng, luôn luôn nghĩ cho người khác. Diệp thuộc kiểu người sôi nổi đã giúp tôi cân bằng kiểu người, mà đôi khi tôi nghĩ, nếu tôi tìm người giống mình để cưới, chắc cả hai buồn ngủ chết.
_______
Từ lúc có vợ rồi đến có con, mọi thứ thay đổi với anh như thế nào?
Thay đổi dữ dội chỉ trong một năm. Có con rồi nên tôi mới ngồi đây chia sẻ cởi mở. Chứ trước đây, tôi không thích giãi bày, giải thích, tâm sự trên truyền thông. Đó không phải kiểu của tôi. Tôi chỉ muốn chia sẻ qua tác phẩm của mình. Khi có con, tôi cảm thấy mình nên cởi mở hơn, chịu chia sẻ, tâm sự nhiều hơn.
Bây giờ tôi mới hiểu cảm giác bố mẹ như thế nào khi họ có con. Cái tôi của họ trở thành zero. Những thứ quan trọng với mình trước đây bây giờ không còn quan trọng nữa. Điều này ảnh hưởng đến tôi khi làm phim Mắt biếc. Trước đây, làm phim tôi luôn bảo vệ cái tôi. Nhưng giờ mình hiểu, cái tôi lớn nhất là cái tôi của phim, của dự án, của những gì tốt nhất cho bộ phim chứ không phải riêng mình.
Có con ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của tôi về mọi thứ. Tôi coi nhẹ mọi thứ. Trước nay, cái gì cũng hơi một tý là cảm xúc lên, hơi một tý là phiền phức, bực bội. Có con xong, thấy mấy chuyện vớ va, vớ vẩn không còn quan trọng nữa. Có lẽ vì tôi có con trễ, khi mình đã 43 tuổi nên rất quý đứa con của mình.
Victor Vũ tên thật Vũ Quốc Việt, là đạo diễn phim, nhà biên kịch phim, nhà sản xuất phim và người dựng phim người Mỹ gốc Việt.
Trong hơn 22 năm làm phim, với khoảng 16 tác phẩm, Victor Vũ đã nhận được nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: giải thưởng tại Liên hoan phim Newport Beach cho phim ngắn đầu tay Firecracker (1997); giải thưởng kịch bản xuất sắc nhất Liên hoan phim châu Á ở San Diego (Mỹ) cho phim First Morning (2004); đạo diễn điện ảnh xuất sắc nhất Cánh Diều Vàng 2012 và Giải thưởng Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2012, cho phim Thiên mệnh anh hùng; đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam 2015 và Giải thưởng phim truyện hay nhất của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế thiếu nhi thuộc Liên hoan phim quốc tế Toronto (2016), cho phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…
Câu trả lời riêng của Đinh Ngọc Diệp
Từ một diễn viên trẻ trong showbiz rồi trở thành mẹ một con, trực tiếp chăm sóc con mình và không chịu có vú em như nhiều người nổi tiếng khác, hành trình 10 năm của Diệp như thế nào?
Tôi ngày xưa sống bản năng, có sao để vậy, bởi tôi tự tin về bản thân. Năm năm đầu trong nghệ thuật, tôi hào nhoáng, sành điệu, hàng hiệu. Sau một thời gian nhìn lại con người mình, cuộc sống mình, tôi thấy mình không có gì hết. Về tình yêu, người ta có thực sự thương mình không khi mình không là ai cả? Lúc đó, tôi thấy mình sai rồi. Mình không nên mặc một bộ cánh quá bề ngoài như vậy để cho người ta đến với mình một cách rất hời hợt.
Sau đó, tôi cầm một cái giỏ bóng bẩy, đắt tiền, thấy không hợp với mình nữa. Mấy năm liên tục, tôi không mua sắm. Đồ cũ của mình mặc lại vẫn còn đẹp. Có hôm cũng mua xe cub đi, tự may rèm cửa, cái gì tự làm được thì làm. Bớt bạn, bớt đi chơi. Khi mình ý thức được mình là ai thì những anh hào nhoáng rơi rụng dần. Đến khi mình hạn chế những mối quan hệ của mình thì anh Victor Vũ xuất hiện.
Làm việc với anh Victor Vũ rồi nhưng khi tự bỏ tiền ra làm cuốn sách từ cát sê quảng cáo cho Yamaha, với tựa đề Cocktail, Giày và Khói, cuốn sách về nỗi buồn, tự sự của 33 nghệ sĩ nổi tiếng thì tôi gặp lại anh. Anh nghĩ, ồ, hóa ra cô này không xanh xanh, đỏ đỏ như mình biết. Lúc đó tôi còn nhờ anh Victor Vũ giúp viết lá thư giới thiệu mình học cao học. Ảnh bắt đầu quý tôi hơn. Rồi hay hẹn tôi ra nói chuyện…
Tôi cứ nghĩ ảnh hẹn vì muốn có thông tin cho kịch bản phim Scandal. Nhưng rồi, khi tôi làm lễ tốt nghiệp, anh Victor Vũ tay cầm hoa, mặc nguyên một bộ đồ trắng xuất hiện. Ảnh tặng hoa xong rồi còn nhất định gặp bố mẹ tôi để cúi đầu chào. Bố mẹ chấm ngay từ đó và suốt ngày hỏi thăm ảnh vì thấy lễ phép, mặt sáng, ngoan hiền. Gia đình ủng hộ cho hai đứa tìm hiểu nhau từ đó. Mỗi người mỗi tính, nhưng vì đến với nhau nên bọn mình bớt cái này, thêm cái kia để học hỏi thêm từ nhau và rèn luyện.
Theo: Doanhnhanplus