Khi con gái đầu vào lớp 1, bà Gắn nói sẽ cho những đứa con học lên đại học, hàng xóm bật cười, nghĩ người phụ nữ học chưa hết lớp 4 viễn vông.
Sau 28 năm, bà đã chứng minh mình còn làm được nhiều hơn thế khi con gái đầu Quách Mỹ Uyên Nhi (33 tuổi) đã là tiến sĩ chuyên ngành Vật lý tại ĐH Sokendai, Nhật Bản. Con trai thứ hai là thủ khoa thạc sĩ, hiện là trợ lý chuyên môn (phó hiệu trưởng chuyên môn) của một trường phổ thông quốc tế ở Huế. Con gái út vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Pháp, tiếp tục nhận được học bổng làm nghiên cứu sinh tại đây.
“Được học hành đầy đủ là giấc mơ tuổi thơ vợ chồng tôi không có được. Vì vậy, tôi gửi gắm vào các con”, bà Trần Thị Gắn, 55 tuổi, ở TP Huế nói khi nhìn các con trưởng thành sau những gian nan.
Bà Gắn kể, năm bà 11 tuổi, người cha trước khi nhắm mắt cầm tay nói với con gái đầu là nghỉ học phụ mẹ nuôi đàn em. “Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì vừa mất cha vừa phải nghỉ học”, bà nhớ lại. Năm 13 tuổi, bà đi bán nước rong ở chợ Đông Ba, lang thang khắp TP Huế bán vé số, bán chè, bán bánh canh… phụ mẹ nuôi em. Nhiều lần, nhìn bạn bè lên cấp ba mặc áo dài đạp xe đi học, bà Gắn quệt nước mắt vì tủi thân.
Đến tuổi lấy chồng, bà chọn người đàn ông hơn mình hai tuổi nhưng đồng cảnh để dễ cảm thông. “Anh học giỏi nhưng cũng vì nhà nghèo nên vừa đạp xích lô vừa đi học. Bị bạn chê cười, anh nản, bỏ khi học lớp 11”, bà kể. Đến với nhau tay trắng, nhưng họ thống nhất sẽ nuôi con ăn học thật đàng hoàng.
Chị Uyên Nhi, con gái bà Gắn vẫn nhớ, ba chị em chị lớn lên trong ngôi nhà mái tranh thấp sát đỉnh đầu của cha, mảng tưởng tre trộn phân trâu chực sập bất cứ lúc nào. Cứ mưa cả nhà lại lục đục xếp thau hứng chỗ dột. “Mùa mưa lũ, bố mẹ chia nhau bế chúng tôi sang gửi hàng xóm”, chị kể.
Khi chị Nhi vào lớp 1, bà Gắn bảo với mấy người hàng xóm phải ráng nuôi con ăn học, họ chỉ cười vì ở xóm này, trẻ con đa phần bỏ học, chọn mưu sinh từ niên thiếu.
“Mặc người ngoài khen chê, chúng tôi chưa từng rời bỏ mục tiêu đã đặt ra”, bà nói. Ngày nắng cháy da hay mưa lạnh thấu xương, vợ chồng bà chưa hôm nào nghỉ làm. Bà Gắn bán chè rong, chồng đạp xích lô, chở hàng. Một năm hai vợ chồng chỉ có vài ngày nghỉ Tết lo thờ cúng tổ tiên.
Quách Anh Tài, cậu con trai thứ hai, kể năm học cấp 2, trường xa nhà nên mỗi lần đạp xe đi học giữa trưa nắng gắt anh thấy nản vì quá cực nhọc. Nhưng có lần, đang đi cùng chúng bạn, Tài nhìn từ xa thấy cha cong lưng đẩy xe hàng chất cao gần tới mặt. Ông nặng nhọc tiến từng bước, không biết đứa con đứng phía sau rơi nước mắt.
“Hình ảnh đó cứ in mãi trong tâm trí tôi. Sau này, mỗi lần gặp khó khăn trên đường đời, tôi lại nhớ tới cảnh đó, làm động lực bước tiếp”, anh nói.
Nặng gánh mưu sinh, nhưng vợ chồng bà Gắn không để các con phải thiếu thốn. Ông bà luôn ưu tiên dành tiền nộp học cho con, chấp nhận nhịn ăn, nhịn mặc. “Con nhỏ nhưng cũng có sĩ diện. Nếu xấu hổ, các con sẽ chẳng muốn đến trường”, người vợ nói với chồng.
Có lần, con gái lớn bị điểm kém môn Hóa, ngồi khóc thút thít. 9h khuya mới đi chở hàng về, mồ hôi đầy người, chồng bà Gắn vừa bưng chén cơm, vừa dạy con con cách cân bằng phương trình hóa học. Cứ phấn trắng, ông Quách Sở viết trên nền nhà đất, miệng hướng dẫn con. Những buổi phụ đạo của bố giúp cô con gái thêm tình yêu với môn Hóa. Sau này, chị được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của thành phố, đạt 9,75 điểm trong kỳ thi đại học.
Dù bận buôn bán hay chở hàng, vợ chồng bà không bao giờ vắng bất kì buổi họp phụ huynh nào của các con. Họ thay nhau chở con đi thi học sinh giỏi các cấp bằng xe đạp. Đến tận bây giờ, người cha vẫn tự mình ra ga tàu, sân bay để đưa đón các con sau chuyến đi học, đi công tác, thậm chí đi chơi…
Với các con, bà Gắn còn là người bạn. Uyên Nhi, Anh Tài, Nhật Anh hay về kể chuyện trường lớp với mẹ còn bà kể về ước mơ được đi học của mình. “Chúng tôi hiểu đi học vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Cha mẹ chăm chỉ làm việc, thì chúng tôi cũng phải chăm chỉ học hành”, chị Uyên Nhi nói. Là con đầu, Nhi ý thức phải nỗ lực học để thay đổi số phận và làm gương cho các em mình.
Năm 2013, chị Nhi đỗ chương trình thạc sĩ kết hợp tiến sĩ tại Nhật Bản. Nhưng khó khăn bủa vây khi tiền học bổng của Nhi cạn dần. Vì thủ tục chồng chéo và rắc rối, chị không được nhận thêm học bổng. Áp lực tiền bạc dẫn đến bệnh nặng, Uyên Nhi đành quay về Việt Nam, tạm gác ước mơ học hành.
Ngày biết con gặp biến cố ở Nhật, người mẹ sốc, hoang mang và khóc rất nhiều. Nhưng sau đó, bà lại là người xốc lại tinh thần, động viên con gái. Cả gia đình giúp Nhi bình tâm, dần dần dìu dắt con gái trở lại với cuộc sống bình thường. Uyên Nhi quay lại Nhật Bản vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ, vừa bán mỹ phẩm online để có tiền trang trải. “Các thầy cô ở Nhật bảo tôi có tinh thần dũng sĩ Samurai, nhưng tôi biết, mình học được tinh thần không rời bỏ mục tiêu của ba mẹ”, chị nói.
Người chị cả là tấm gương cho Anh Tài và Nhật Anh nối bước. Đến giờ, cả ba con của vợ chồng bà Gắn đều có sự nghiệp vững vàng. Họ không còn cảnh dãi nắng, dầm mưa khắp phố phường để nuôi con ăn học. Ngôi nhà mái tranh năm xưa, sau bốn lần tu sửa, giờ chỉ giữ làm kỷ niệm. Hiện tại, gia đình năm người xây ngôi nhà mới hai tầng. Ở đó, đôi vợ chồng già trồng hoa hồng, trồng rau.
Ông Phan Đình Tý, tổ trưởng tổ dân phố nơi gia đình bà Gắn sinh sống cho biết, cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng bà chịu thương chịu khó, nuôi được con ăn học thành tài, là gương sáng ở địa phương. “Thật hiếm có gia đình làm được như vậy”, ông nói.
So với số đông, bà Gắn nói thành quả có được chưa có gì to tát, nhưng đã thấy thỏa lòng. “Chúng tôi có xuất phát điểm rất thấp, vẫn có thể biến ước mơ thành hiện thực. Tôi tin, người trẻ cũng sẽ làm được mọi điều mình muốn, nếu cố gắng đủ nhiều”, bà Gắn chiêm nghiệm.
Theo: vnexpress